(CMO) Những năm gần đây, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều cơn dông lốc làm thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bước vào đầu mùa mưa năm nay, UBND huyện U Minh chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông, ven biển, dông, lốc xoáy... xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc, diễn biến khó lường, gây thiệt hại cả về tài sản và tính mạng người dân. Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, huyện U Minh Lê Thanh Mãi cho biết, cơn dông lốc chiều 27/5 đã làm sập hoàn toàn 4 căn nhà và tốc mái, xiêu vẹo 36 căn nhà khác của nhiều hộ dân ở Đội 1, thuộc địa bàn Ấp 5. Ngoài ra, hoa màu, cây ăn trái và cây cối ven đường ở các xã lân cận như: Khánh Hội, Nguyễn Phích và thị trấn U Minh cũng bị ảnh hưởng, ước thiệt hại ban đầu gần 300 triệu đồng.
Các hộ dân bị dông lốc làm sập nhà tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh đang khắc phục nhà cửa, ổn định cuộc sống. |
Bà Châu Thị Hiền, 1 trong 40 hộ dân bị dông lốc làm sập nhà ở Ấp 5, xã Khánh Lâm, nhớ lại: "Khoảng gần 17 giờ ngày 27/4, đang mưa lớn bỗng dưng xuất hiện cơn lốc xoáy mạnh kéo dài khoảng 10 phút. Cây cối ngã rạp, nhà tôi bị sập, tấm lợp bị gió hút văng khắp nơi, rất may các thành viên trong gia đình kịp chạy thoát thân".
Trước biến đổi của khí hậu, Phó Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện U Minh Ngô Thanh Điền cho biết, nhằm chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng phương án PCTT&TKCN, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh thiên tai; thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện và hậu cần tại chỗ).
Theo đó, huyện còn xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán, di dời 720 hộ, với 2.500 khẩu sống ven đê khi cần thiết. Đặc biệt, huy động người, phương tiện ứng cứu kịp thời trong việc sạt lở đê biển Tây, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản.
Ông Ngô Thanh Điền trăn trở, trong 755 phương tiện khai thác thuỷ sản, có gần 40% phương tiện nhỏ khai thác ven bờ. Hầu như các phương tiện này đều không trang bị hệ thống thông tin liên lạc, khi có thiên tai xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức phòng, chống lụt bão của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, công tác nắm bắt thông tin, báo cáo thiên tai, lụt bão của một số ít địa phương còn bị động, triển khai chưa chặt chẽ, chưa bố trí chuyên trách nên việc tiếp cận và xử lý thông tin về thiên tai còn hạn chế. Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác PCTT&TKCN đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu nên công tác phòng, chống lụt bão, khắc phục tiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, việc chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, nhằm bảo vệ tốt hơn người và tài sản của nhà nước, nhân dân là hết sức cần thiết, góp phần tích cực, làm giảm nhẹ thiệt hại do mưa bão gây ra./.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nguyễn Long Hoai cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ lốc xoáy, sạt lở đất ở cửa sông, ven sông, ven biển làm hư hỏng, thiệt hại tài sản của người dân ước tính trên 5,6 tỷ đồng. Lốc xoáy làm sập và tốc mái 58 căn nhà, 11 phương tiện khai thác thuỷ sản bị chìm trên biển, trong đó có 5 phương tiện hư hỏng nặng, sạt lở hàng ngàn mét bờ sông ven biển, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân. Ông Hoai cho biết, năm 2018 sẽ có 12-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên khu vực biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. |
Trúc Ly