ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 26-4-25 21:28:04
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Bên dòng Khoa Giang” - Câu chuyện trăm năm

Báo Cà Mau “Nơi đất lành ông về yên nghỉ, vững niềm tin trên bến Khoa Giang, hò ơ... Dù cho bão tố phong ba, khoan hỡi khoan hò khơi xa thẳng tiến cá tôm đầy thuyền. Ngư dân vững lòng, gió căng cánh buồm, cho đời, cho đời ngập tràn niềm vui...

Chúng con nguyện phụng thờ hương khói từ hôm nay và mãi mai sau, hò ơ. Biển xanh vang mãi khúc ca, khoan hỡi khoan hò nâng bao mơ ước đắp xây cuộc đời. Con đây khấn cầu, con đây khấn cầu ông về, ông về độ trì ngư dân...”.

Khi giai điệu Lý kéo chài được cất lên, trên sân khấu hiền hoà, sự rung cảm len tràn từng ánh mắt. Trong khoảnh khắc đó, nụ cười của họ - những ông Tư, bà Tư, ông Tám như khắc hoạ rõ mồn một cho bao lớp thế hệ ngư dân. Câu chuyện của trăm năm theo từng lớp kịch, rõ ràng, chân thật và thiêng liêng...

Ngày cầm trên tay kịch bản cải lương “Bên dòng Khoa Giang” của Tác giả Nguyễn Tiến Dương, Ðạo diễn Quốc Tín có phần lo lắng vì ngày diễn ra sự kiện Kỷ niệm 100 năm Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc đã gần kề. Mặc dù thời lượng chỉ 45 phút, nhưng tuyến kịch của vở là sự đan cài giữa hiện thực và hồi tưởng. Làm sao để có thể bật lên dấu gạch nối của quá khứ và hiện tại, kể câu chuyện lịch sử xây dựng và phát triển Lăng Ông trang nghiêm như hiện nay một cách cô đọng;  chuyển tải hết những thông điệp ngồn ngộn về tình quê hương xứ sở, về lát cắt lịch sử văn hoá, về niềm tin tâm linh, tín ngưỡng thờ cá Ông hết sức đặc trưng của những con người gan góc, hào sảng nơi mảnh đất cuối trời... Việc bắt tay vào lựa chọn, tập hợp lực lượng diễn viên không chuyên, rồi sắp xếp lịch tập luyện có phần gấp rút thực sự là điều mạo hiểm.

Sự kiện miếu Ông bị tàu Pháp bắn cháy, máu và nước mắt đổ xuống, miếu Ông lại được dựng lên bằng khí phách hiên ngang, mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc. Ảnh: QUỐC BÌNH

Sự kiện miếu Ông bị tàu Pháp bắn cháy, máu và nước mắt đổ xuống, miếu Ông lại được dựng lên bằng khí phách hiên ngang, mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc. Ảnh: QUỐC BÌNH

Ðối với NSƯT Nguyễn Tiến Dương, trong suốt hành trình dài là người đầu tàu của Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau, ông đã xây dựng quá nhiều chương trình phục vụ Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, nhưng lần này thì khác. Khi bắt tay viết kịch bản, ông lâng lâng xúc động vì nhiều lẽ. Ông tìm đọc nhiều tư liệu lịch sử hình thành Lăng Ông, đến tận nơi để nghe ngóng, chắt mót những câu chuyện, cố gắng nâng niu từng giọt nước mắt, mồ hôi mà nhiều thế hệ đã góp vào nơi này.

Hình ảnh những con người gian nan để giữ gìn, tôn tạo Lăng Ông, qua những thăng trầm thời cuộc để đến bây giờ nơi này trở thành chốn tâm linh trang nghiêm được công nhận là Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia thật đáng tự hào. Sau khi đã thoả lòng ngược dòng quá khứ, ông xâu chuỗi các sự kiện, rồi chấp bút nên kịch bản bằng tất cả sự trân trọng. Trân trọng văn hoá tâm linh của lớp lớp người đi mở đất ở vùng này. Trước biển cả muôn trùng, đối mặt với quá nhiều thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, chịu sự áp bức của thực dân nhưng những con người ấy vẫn không bao giờ khuất phục. Họ chọn niềm tin tâm linh đẹp để làm điểm tựa tinh thần và đứng lên. Sông Ðốc trải qua nhiều cung bậc, Lăng Ông cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, di dời... nhưng cốt ông vẫn giữ được đến ngày nay là điều quý giá.

“Từ một làng chài nhỏ bên dòng Khoa Giang, nay là thị trấn sầm uất; từ ngôi miếu năm ấy đã dung dưỡng nét văn hoá tâm linh tín ngưỡng đẹp, phát triển thành lễ hội lớn mang tính chất khu vực... Tất cả những điều này thôi thúc tôi có suy nghĩ phải làm điều gì đó như món quà để tặng người dân Sông Ðốc, tri ân những con người đã tạo dựng Lăng Ông...”, NSƯT Nguyễn Tiến Dương tâm tình.

Vở diễn được dẫn dắt theo tuyến “kịch trong kịch”, với 2 bối cảnh hiện tại và quá khứ đan cài. Mở đầu vở là hình ảnh bà nội dắt đứa cháu nhỏ đến dự kỷ niệm 100 năm Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc (do Nghệ sĩ Ngọc Xanh và Hồng Giang thủ vai), trong không khí rộn ràng và những thắc mắc ngây thơ của cháu, bà đã kể lại câu chuyện 100 năm trước của những con người hạ bạc ở vùng đất này. Nối tiếp mạch kịch là bối cảnh quá khứ bên dòng Khoa Giang, nơi những người làm nghề hạ bạc đã sống bám biển, chết cũng bám biển. Khi cá Ông luỵ vào bờ, họ đã cùng nhau góp sức dựng miếu thờ Ông, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà.

Dù là câu chuyện được kể lại nhưng không mang tính khô cứng theo lối minh hoạ mà sống động, rõ nét. Bên cạnh sự vất vả, cơ cực là mạch lãng mạn của tình yêu. Tình yêu của trai gái quyện hoà sức trẻ, khao khát điểm tô cho quê hương tươi đẹp. Sự kiện miếu Ông bị tàu Pháp bắn cháy, máu và nước mắt đổ xuống, miếu Ông lại được dựng lên bằng khí phách hiên ngang là điểm nhấn của vở diễn, mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc.

Những ông Tư, Bà Tư, ông Tám... trong câu chuyện là hiện thân của Ban Trị sự đầu tiên ở Vạn Lăng; lớp người kế thừa và những giá trị tốt đẹp theo thời gian. Việc đặt để hai nhân vật dẫn chuyện đã mang đến hiệu quả lớn, giúp khán giả dễ hiểu và hình dung rõ ràng về quá khứ - hiện tại, như cách giáo dục truyền thống gửi đến thế hệ trẻ. Họ sẽ hiểu thêm về sự hình thành và phát triển của vùng đất này, của chốn tâm linh này, rồi từ đó biết trân quý, nâng niu, cùng chung sức gìn giữ Lăng Ông cũng như nét tín ngưỡng độc đáo của quê hương cho hôm nay và mai sau.

Trong vở này, các diễn viên tham gia đa phần không phải là diễn viên của đoàn chuyên nghiệp, thậm chí có những diễn viên lần đầu xuất hiện trên sân khấu cải lương, điều này đã dẫn đến chút băn khoăn cho tác giả. Vậy rồi, qua quá trình dàn dựng chăm chút của đạo diễn, ý tứ đặt để phù hợp và bằng sự cố gắng hết sức để hoá thân vào mỗi nhân vật đã tạo nên vở diễn ấn tượng.

“Tôi thực sự bất ngờ, không nghĩ lực lượng diễn viên không chuyên mà có thể làm nên một tác phẩm như thế!...”, NSƯT Huỳnh Hảnh khen ngợi. Ðêm phúc khảo chương trình, điều làm cả ê kíp ấm lòng là những lời động viên đẹp của NSƯT Huỳnh Hảnh, như cơn gió thổi bừng thêm ngọn lửa tự tin.

Sân khấu lên đèn, mạch cảm xúc lại chứa chan theo từng câu ca, nét diễn. Ðêm kỷ niệm 100 năm Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, họ tự hào khi vinh dự được mang câu chuyện trăm năm điểm mát dòng chảy Khoa Giang.


Ðêm 13/3, Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 100 năm Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc. Chương trình được dàn dựng công phu, phong phú nhiều thể loại ca, múa, nhạc, cải lương đặc sắc, trở thành đoá hoa đẹp góp vào sự kiện đặc biệt này.


 

Minh Hoàng Phúc

 

Phim lịch sử trỗi dậy

Từ năm 2023 đến nay, các bộ phim về đề tài lịch sử nhận được sự quan tâm của công chúng. Các nhà làm phim cũng chỉn chu, đầu tư hơn hẳn cho thể loại phim đặc biệt này.

Khám phá bản thân cùng nhảy múa

Ngày nay, bên cạnh các môn thể thao, nhiều bạn trẻ lựa chọn học thêm kỹ năng nhảy múa. Ðặc biệt là dân văn phòng tìm đến các lớp nhảy múa như cách rèn luyện cơ thể dẻo dai, giảm căng thẳng.

“Những người bạn” hội ngộ

Những chàng sinh viên trường Mỹ thuật năm nào nay tìm về bên nhau trong cuộc hội ngộ nghệ thuật mang tên “Art friends”. Các tác phẩm được dệt nên từ những kỷ niệm đẹp mà họ cùng trải qua trong suốt những năm lao động nghệ thuật.

Người giữ hồn văn hoá dân tộc

Bằng niềm đam mê, tâm huyết của mình, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, nghệ nhân người Khmer nói riêng đã và đang miệt mài tham gia gìn giữ, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó phải kể đến Nghệ nhân Hữu Văn Kel, ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.

Ðồng bào Khmer đón Tết no ấm

Những ngày qua, đồng bào dân tộc tại xóm Khmer Lớn, Ấp 6, xã Khánh Hoà tất bật trang hoàng nhà cửa, làm cỏ hai bên đường, tập trung tại salatel dọn dẹp vệ sinh, tạo không gian xanh - sạch - đẹp để đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Phim trường phục dựng bối cảnh xưa cũ: Nỗ lực lớn của nhà làm phim Việt

Cùng với nội dung và dàn diễn viên chuyên nghiệp, việc tìm đúng bối cảnh để phục dựng tạo nên phim trường chân thực, sát với thời gian, không gian mà phim miêu tả, là nỗ lực lớn của các nhà làm phim, góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

Tâm huyết bảo tồn chữ viết dân tộc

Với tâm niệm không để ngôn ngữ và chữ viết dân tộc mình bị mai một, nhiều thầy giáo, các vị sư dân tộc Khmer đã âm thầm cống hiến công sức, trí tuệ, truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết Khmer cho lớp trẻ. Qua đây, ngày càng có nhiều con em đồng bào Khmer thông thạo ngôn ngữ, chữ viết, cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Tài sản vô giá cho hậu thế

Trở lại năm 2012, khi UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, niềm vui ấy, sự tự hào lớn lao ấy lan toả khắp cả đất nước Việt Nam. Bởi một lẽ đơn giản, đâu đâu trên mảnh đất hình chữ S này, Vua Hùng cũng được Nhân dân thành kính khói hương.

Thăng hoa cùng nhiếp ảnh

Chàng trai trẻ Cà Mau toả sáng trong giới thời trang

Sinh ra và lớn lên ở huyện U Minh, trong một gia đình khá khó khăn, Huỳnh Ngọc Huấn từ nhỏ đã quyết tâm học tập để mang đến cuộc sống tốt hơn cho cha mẹ. Ðam mê ngành học thời trang, nhưng hiểu điều kiện gia đình không đủ lực để hỗ trợ mình, bởi quá trình học ngành này rất tốn kém, Huấn chuyển sang thi ngành thiết kế nội thất của Ðại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh (Cơ sở Cần Thơ). Huấn kể: “Tôi thi đậu vào trường. Cha mẹ nghe tin con trai đậu đại học thì mừng hơn bắt được vàng, khoe khắp nơi. Nhưng niềm đam mê lại thúc giục tôi rẽ sang lối đi khác”.