(CMO) U Minh trước đây được biết đến là “túi nghèo” của tỉnh Cà Mau. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ban, ngành, nguồn lực từ chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững cùng nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức, mạnh thường quân gần xa, đặc biệt là sự ý thức tự vươn lên của người trong cuộc mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm dần qua từng năm. Chính sự hỗ trợ kịp thời từ vật chất lẫn tinh thần đã trở thành “đòn bẩy" vững chắc trợ lực cho những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống ở địa phương.
Ông Ðinh Cộng Hoà, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện U Minh, cho biết: “Toàn huyện có 1.958 hộ nghèo, chiếm 7,53% so với tổng số hộ dân trên địa bàn huyện (giảm 1,84%, đạt 122% so với kế hoạch). Không còn hộ chính sách, người có công nghèo, cận nghèo. Hộ cận nghèo còn 575 hộ, chiếm 2,2% so với tổng số hộ dân trên địa bàn huyện (tăng 38 hộ, 0,14%), không đạt theo kế hoạch 0,3%. Ðây là những con số cụ thể nhất thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương, cùng với sự đồng lòng của người dân trong công tác giảm nghèo. Từ một huyện nghèo trong tỉnh, nay cơ sở hạ tầng được đầu tư, sinh kế người dân vững chắc, kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc, minh chứng là nhiều xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Trao cơ hội cho hộ nghèo
Ít đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, gia đình chị Ðỗ Thị Thừa ở Ấp 9, xã Nguyễn Phích thuộc diện hộ nghèo của xã. Thu nhập chính dựa hết vào tiền làm thuê bốc vác cừ tràm của chồng chị, nhưng nguồn thu rất bấp bênh.
Thấy hoàn cảnh gia đình không có điều kiện phát triển kinh tế, cán bộ xã, ấp tạo điều kiện cho chị Thừa được làm hồ sơ vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để ổn định sinh kế. Chị Thừa tâm tình: “Gia đình tôi hiện có 6 nhân khẩu, lại ít đất sản xuất nên từ lâu thuộc diện hộ nghèo. Nhà đông người mà nguồn thu hạn hẹp nên làm chỉ đủ ăn thôi, không có khả năng xây dựng lại nhà. Nhờ nguồn vốn vay của Nhà nước lãi suất thấp, thời gian trả kéo dài nên gia đình có điều kiện phát triển kinh tế”.
Nguồn vốn vay từ ngân sách Nhà nước giúp gia đình chị Ðỗ Thị Thừa có thêm nguồn thu nhập từ nuôi rắn ri tượng. |
Năm 2019, chị Thừa vay 15 triệu đồng theo chương trình vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, còn năm 2022 gia đình chị vay được 20 triệu theo chương trình cho hộ nghèo. Các khoản vay vốn, chị khoan được cây nước sạch phục vụ sinh hoạt, ngoài ra còn chăn nuôi heo, gà, vịt và rắn ri tượng, từ đó tích luỹ được một số vốn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
“Tôi rất biết ơn sự quan tâm của chính quyền đến gia đình. Tôi đã tích luỹ được khoản tiền và dự định cất lại căn nhà mới cơ bản hơn. Xây xong căn nhà, gia đình tôi sẽ xin thoát nghèo để nhường phần vốn vay ưu đãi cho những người khác”, chị Thừa bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Tự, Trưởng Ấp 9, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Ðối với các hộ nghèo trong ấp, khoản vốn vay từ Ngân hàng Chính sách thật sự là cứu cánh để giúp bà con có cơ hội, điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chúng tôi cẩn thận việc rà soát để trợ lực từng hộ gia đình, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, không lãng phí. Mỗi gia đình có hoàn cảnh riêng nhưng chung quy lại là cái nghèo quanh quẩn khi họ không sức lao động, không tư liệu sản xuất, già yếu, bệnh tật, neo đơn. Do vậy, với vai trò, trách nhiệm của mình, chúng tôi sâu sát nắm bắt tình hình hộ khó khăn, đề xuất với lãnh đạo cấp trên kịp thời hỗ trợ để họ an tâm vươn lên trong cuộc sống”.
Ý thức vươn lên của người trong cuộc
Giảm nghèo có thể hiểu đơn giản, nhưng cốt lõi vấn đề làm thế nào để giảm nghèo bền vững thì xuất phát từ nhiều khía cạnh sâu xa. Ông bà ta từng nói: “Muốn giúp đỡ ai hãy cho họ cần câu chứ đừng cho cá”. Ðó là cách để những người trong cuộc hiểu rằng, câu chuyện giảm nghèo là phải xuất phát từ nội lực từng gia đình và sự tự ý thức phấn đấu, vươn lên, có vậy câu chuyện giảm nghèo mới thật sự đạt kết quả vững chắc.
Gia đình anh Nguyễn Việt Hội ở Ấp 9, xã Nguyễn Phích thuộc diện hộ nghèo của xã nhiều năm qua. Mong muốn lớn nhất của gia đình anh là có được căn nhà để an cư lạc nghiệp, phấn đấu phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Một dịp Linh mục Nguyễn Văn Vinh ở Nhà thờ Phường 6, TP Cà Mau khánh thành cầu nông thôn tại ấp, Trưởng ấp 9 thấy địa phương còn nhiều hộ khó khăn cần nhà ở nên ngỏ lời vận động. Gia đình anh Hội có được niềm vui bất ngờ khi được Linh mục Vinh đồng ý hỗ trợ cất nhà.
Anh Hội tâm tình: “Ngôi nhà cũ bằng cây lá tạm bợ được xây cất hơn 10 năm nay. Vách lá, cột kèo đều đã mục hết, mỗi lần mưa gió là gia đình tôi nơm nớp lo sợ vì không biết nhà sập lúc nào. Hôm nhận được thông tin là gia đình mình được nhận hỗ trợ cất lại nhà mới, vợ chồng tôi vui mừng đến nỗi mấy đêm liền không ngủ được”.
Gia đình anh Hội ít đất sản xuất, nghề nghiệp không ổn định. Cuộc sống của gia đình anh 5 nhân khẩu đều phụ thuộc vào thu nhập từ nghề làm phụ hồ của anh. Trong khi đó, bản thân anh Hội bị bệnh thoái hoá cột sống do làm việc nặng nhọc, còn vợ anh cũng mắc nhiều bệnh cần chi phí chạy chữa. Cuộc sống gia đình anh luôn bị cái nghèo đeo bám nên giấc mơ xây dựng nhà ở luôn là nỗi niềm của vợ chồng anh trong suốt thời gian qua.
"Vợ chồng tôi vui mừng lắm vì không nghĩ rằng mình có được căn nhà mới. Gia đình tôi biết ơn chính quyền địa phương, mạnh thường quân đã kịp thời hỗ trợ cho gia đình tôi. Có được căn nhà, tôi sẽ cố gắng giữ gìn, chăm lo làm ăn để cuối năm nay xin thoát nghèo”, anh Hội chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Ril, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, cho biết: “Xã Nguyễn Phích từ lâu được biết đến là địa bàn rộng với 20 ấp và dân cư đông, khoảng 4.850 hộ. Trong đó, theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022, tổng số hộ nghèo 640 hộ, chiếm 13,19% (giảm 139 hộ so với cùng kỳ, trong đó có 2 hộ gia đình chính sách, giảm 2,87%), hộ cận nghèo 111 hộ, chiếm 2,28% (tăng 17 hộ so với cùng kỳ, tăng 0,34%). Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo có sự đột biến trong năm nay do rà soát theo chuẩn đa chiều hiện nay thì thu nhập tăng, kéo theo kết quả có nhiều hộ bị rớt chuẩn thoát nghèo. Nhưng đa phần các hộ nghèo đều đã được hỗ trợ nhà ở, vốn vay để phát triển kinh tế”.
Ngoài các nguồn vốn vay, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo được đầu tư, xã Nguyễn Phích còn nhận được nhiều sự quan tâm của quý mạnh thường quân trong công tác an sinh xã hội. Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với 34 đoàn từ thiện cấp 2.591 suất quà với tổng số tiền 906.850.000 đồng; vận động hỗ trợ xây cất 14 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở, với tổng trị giá 700 triệu đồng (mỗi căn 50 triệu đồng).
"Mặc dù địa phương nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời nhưng công tác giảm nghèo, an sinh xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Do các hộ còn lại thuộc diện đặc biệt khó khăn như gia đình thiếu người trong độ tuổi lao động, già yếu, bệnh tật…, đây là vấn đề địa phương rất quan tâm để có thể tiếp tục giảm số hộ nghèo trong thời gian tới", ông Ril cho biết thêm.
Từ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn từ yếu tố khách quan và chủ quan, huyện U Minh đề xuất bố trí 1 cán bộ bán chuyên trách làm công tác giảm nghèo ở cơ sở. Tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các quy trình giải ngân nguồn vốn đạt theo kế hoạch. Chỉ đạo các ban, ngành, UBND các xã phân công rõ nhiệm vụ, thời gian triển khai thực hiện từng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022. Tạo cơ hội cho người nghèo, người cận nghèo có điều kiện phát triển, đa dạng hoá sinh kế, tăng thu nhập, vượt qua đói nghèo, vươn lên khá giàu. Tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn. Tăng cường khả năng tiếp cận khoa học - kỹ thuật, dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cho người nghèo, người cận nghèo. Tập trung thực hiện các công trình, phần việc với phương châm khẩn trương, trách nhiệm, quyết tâm giải ngân các nguồn vốn theo tiến độ, phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% vốn trong năm 2022 theo kế hoạch đề ra.
Hằng My