Thế hệ Z (Gen Z) là thuật ngữ định danh nhóm đối tượng sinh ra trong giai đoạn từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010 (khoảng từ năm 1995-2012). Với thế mạnh của độ tuổi, phần lớn thế hệ Z đều được tiếp xúc và sử dụng công nghệ ngay từ nhỏ nên dễ dàng đón nhận các tiện ích công nghệ như Internet và các phương tiện truyền thông xã hội như Google, Facebook, Instagram, TikTok... Ðồng thời, họ cũng nắm bắt các trào lưu, xu hướng, tận dụng sức mạnh và biến các công nghệ trở thành công cụ đắc lực với tinh thần khởi nghiệp cao.
- Khi Gen Z lan toả sự tử tế
- Ðiểm hẹn của Gen Z yêu sách
- Công nghệ số - Ðòn bẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương
- Ứng dụng công nghệ số vào du lịch
- Ðoàn, Hội phát triển trên nền tảng công nghệ số
Điển hình như nhóm bạn Hồ Việt Lê, Ngô Cương, Nguyễn Hà Huyền Trân, sinh viên Phân hiệu Trường Ðại học Bình Dương tại Cà Mau. Dự án ý tưởng khởi nghiệp “Tràm’s: Khai thác tối đa nguồn tài nguyên bản địa - chế phẩm sinh hoá tự nhiên và ứng dụng chế tác thủ công mỹ nghệ” của các bạn đã kết hợp hài hoà giữa giá trị truyền thống và nhu cầu hiện đại, lọt vào Top 10 và nhận giải dự án tiềm năng Cuộc thi Khởi nghiệp Cà Mau trong Ngày hội Khởi nghiệp Cà Mau 2024 (CamaUP’24). Ðây như một bước tiến để các bạn vững bước hơn trên hành trình khởi nghiệp của mình.
Nhóm bạn Hồ Việt Lê (bìa phải), Ngô Cương, Nguyễn Hà Huyền Trân trong niềm vui nhận giải thưởng tại Cuộc thi Khởi nghiệp Cà Mau (CamaUP’24).
Hồ Việt Lê chia sẻ: “Kiến thức luôn là yếu tố quan trọng cho mọi thứ mình làm. Ðặc biệt, trong câu chuyện tự khởi nghiệp thì việc hiểu biết về công nghệ và kinh doanh sẽ quyết định khả năng thành công”. Cho đến nay, dự án Tràm’s đã đi vào giai đoạn thăm dò thị trường cho các sản phẩm set quà tặng “Giáng sinh” và “Ðại Dương”, cùng với workshop làm nến và vẽ trang trí đế ly, đang nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Ðiều này cho thấy, dự án đang đi đúng hướng là sử dụng bền vững cây tràm Cà Mau để tạo nên những sản phẩm vừa mang giá trị ứng dụng cao, vừa kể câu chuyện văn hoá bản địa đặc sắc.
“Lợi thế lớn nhất của “Gen Z” chúng em chính là tận dụng tối đa công nghệ cho học tập, nghiên cứu để đạt được những kết quả vượt trội, đồng thời nắm bắt đúng hướng và toả sáng vai trò của thế hệ công nghệ số”, Việt Lê tâm đắc.
Năng động, sáng tạo và biết tận dụng tối đa công nghệ đã giúp sinh viên thế hệ “Gen Z” của Phân hiệu Trường Ðại học Bình Dương tại Cà Mau đạt rất nhiều thành tích trong học tập, cũng như tại các cuộc thi, hội thi, hội diễn các cấp.
Minh chứng tại Cuộc thi “Gen Z với Du lịch thời đại công nghệ số 2024” do Phân hiệu Trường Ðại học FPT tại Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hồi tháng 10 vừa qua - một sân chơi học thuật bổ ích dành cho những tài năng trẻ yêu thích du lịch từ các trường cao đẳng, đại học trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Phân hiệu Trường Ðại học Bình Dương tại Cà Mau tham gia 2 nhóm: Ðất Mũi (nhóm của Trần Thuận Thiên, Bảo Ngọc, Nhuận Ngân) và The Harmony (nhóm của Hồ Việt Lê, Huyền Trân, Ngô Cương). Trong đó, nhóm Ðất Mũi vào Top 5 chung kết. Ðặc biệt, sinh viên Trần Thuận Thiên đoạt giải Hướng dẫn viên xuất sắc nhất.
Từ thành công đó, câu hỏi dành cho thế hệ “Gen Z” là làm chủ công nghệ có khó không? Trần Thuận Thiên vui vẻ: “Ở những mức độ và nhu cầu khác nhau, các bạn đều có thể tiếp cận công nghệ và đạt được kết quả tương ứng. Trước tiên, các bạn trẻ phải xác định: học để làm gì, sử dụng công nghệ nhằm mục đích gì, mục tiêu hướng đến... Hơn hết, phải tận dụng những hiểu biết và lợi ích công nghệ đem lại để tạo ra những giá trị mới giúp bản thân tiếp cận tri thức, ứng dụng trong cuộc sống, công việc. Bởi, thế hệ trẻ đang bước vào thời đại mà công nghệ quyết định sự phát triển và vươn xa hơn nữa”.
Phát huy tài năng, thế mạnh của bản thân, Trần Thuận Thiên đạt giải hướng dẫn viên xuất sắc nhất tại Cuộc thi “Gen Z với Du lịch thời đại công nghệ số 2024”.
Ðối với bạn Võ Thị Hàn Mi, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, hiện là kế toán của một công ty tại TP Cà Mau, tâm tình, ngay từ khi còn là sinh viên, bạn đã thích ứng các công nghệ mới và sáng tạo chúng để phục vụ tốt hơn cho việc học tập và công việc. Mi cho biết: “Sở thích của tôi là làm đồ len handmade. Thời điểm tháng 10/2023, “trend” bán hoa len trở nên “hot”. Tận dụng lợi thế sẵn có, tôi đã bén duyên với việc kinh doanh Online, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bản thân. Hiện dù đã đi làm nhưng tôi vẫn duy trì và phát triển tốt trang page Cái Tiệm Len - Nhà Me của riêng mình”.
Có thể thấy, công nghệ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và tác động hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống. Với những bạn “Gen Z” đang là học sinh, sinh viên, quan trọng ở giai đoạn này là trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết trước khi bước vào đời. Và để có thể “lướt” trên công nghệ một cách hiệu quả, cần nhất là sự thích nghi, đổi mới không ngừng.
Chính những nhân tố của thế hệ Z hứa hẹn sẽ là lực lượng lao động chủ chốt của các đơn vị, doanh nghiệp trong tương lai. Việc tạo cho thế hệ trẻ một môi trường phù hợp sẽ giúp các em phát huy những ý tưởng sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả tại nơi học tập và làm việc./.
Băng Thanh