(CMO) Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại, là ngày đất nước sạch bóng quân thù xâm lược, Bắc - Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau. Để có được hoà bình, thống nhất non sông, biết bao lớp cha ông đã đánh đổi máu xương, hy sinh tuổi xuân; biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng nén nỗi đau xa chồng, mất con; biết bao gia đình không ngại hiểm nguy chở che, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ… Chính sức mạnh đoàn kết ấy đã viết nên trang sử vàng chói lọi, lưu danh muôn đời của dân tộc Việt Nam.
Cả nhà theo cách mạng
Vùng đất Cà Mau từng là căn cứ địa cách mạng của tỉnh và của khu vực miền Tây Nam Bộ, đóng góp nguồn nhân lực, vật lực to lớn cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ ấy có biết bao bà mẹ đã cắt ruột tiễn con ra trận, đánh đổi máu xương vì hoà bình, độc lập hôm nay. Ở ấp Đầu Nai, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, có Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Phúc, cũng như bao người mẹ khác ở đất cực Nam này sống cuộc đời cao đẹp, đã lần lượt tiễn 4 người con trai ra chiến trường và rồi chỉ 2 người may mắn trở về với mẹ.
Tuổi 90, mẹ Phúc không còn tới lui lau chùi, thắp nhang hàng ngày lên bàn thờ như trước. Nằm trên giường, mẹ nhìn về phía bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Chiến sĩ giải phóng, rơm rớm nước mắt, không nguôi nhớ về 2 người con hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, là liệt sĩ Phan Thiện Tâm và liệt sĩ Phan Văn Sự. Khi quên ăn, quên ngủ, vậy mà hễ nhắc đến con mình, mẹ Phúc nhớ mồn một: “Thằng Hai hy sinh năm 1972, thằng Ba hy sinh năm 1975, đều không tìm thấy xác, cũng may là thằng Tư, thằng Năm chỉ bị thương”.
Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Phúc luôn tự hào về các con và cảm thấy an ủi khi được địa phương quan tâm, chăm sóc chu đáo. |
Cựu chiến binh Phan Văn Phước (người con thứ năm của mẹ Phúc) xúc động kể, khi đơn vị các anh mang giấy báo tử đến, mẹ chết lặng, nhưng phải giả vờ như không có chuyện gì, giấu nhanh giấy vào túi áo, vì tai mắt của địch lùng sục, đêm đến mẹ lặng lẽ khóc thầm. Cả xóm này hầu như nhà nào cũng có người hoạt động cách mạng, đồn địch đóng gần đây, nhiều lần chúng đến hăm doạ đủ điều, mẹ động viên bà con nhất quyết không khai. Bao lần mẹ đem lúa trong nhà bán hết lấy tiền mua chuộc quân lính, giữ bình an cho các chiến sĩ cách mạng.
Nói về ông Phan Văn Phước, là con nhà nòi nên 12 tuổi đã biết bắn súng, rồi xung phong vào địa phương quân huyện Thới Bình. Dáng người nhỏ nhưng gan dạ, lần nào cũng đòi ra trận đánh giặc. Có lần ông Phước cùng đồng đội bị bao vây giữa rừng 5, 6 ngày liền, thức trắng, phải ăn lá cây cầm cự… nhưng ai nấy quyết tâm chống trả tới cùng. Ông Phước nói, có lẽ mình thừa hưởng máu kiên cường của mẹ, của anh.
Cựu chiến binh Phan Văn Phước chia sẻ, lúc mẹ Phúc còn minh mẫn, mỗi lần có đoàn cán bộ đến thăm, mẹ đều tâm tình rằng con cái mất đi là nỗi đau vô tận của người mẹ, nhưng nghĩ lại con mình hy sinh vì đất nước thì mẹ rất đỗi tự hào. Và điều cảm thấy an ủi nữa là được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc chu đáo.
Hầm bí mật ngay sau vườn nhà
Trên đất Cà Mau vẫn còn rất nhiều tấm lòng cao đẹp, sống trọn nghĩa, vẹn tình với quê hương, đất nước; trong hiểm nguy của bom đạn vẫn một lòng đùm bọc, che chở, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ cách mạng.
Ngược dòng ký ức, cựu chiến binh Lâm Văn Sol (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) kể lại, hồi đó cha ông làm nghề thợ rèn, ban ngày rèn dụng cụ sản xuất nông nghiệp cho bà con, nhưng đêm đến cả gia đình thức suốt rèn chông, dao, mác để mấy chú, mấy anh đánh giặc. Cách nhà ông vài chục mét là đồn địch, sau vườn nhà là hầm bí mật của bộ đội. Gia đình ông Sol nhiều lần bị giặc bắt bớ, khó dễ đủ điều, nhưng cha mẹ ông vẫn một lòng với cách mạng. Anh em ông Sol lớn lên đều vào quân ngũ.
Ông Sol tham gia công tác binh vận thị xã Cà Mau cho đến ngày giải phóng. Nói về nhiệm vụ lúc bấy giờ, ông Sol chia sẻ, bằng việc khơi dậy lòng yêu thương của con người với con người, nghĩa tình đồng bào tác động vào trái tim, khối óc của binh sĩ đối phương, làm thức tỉnh lương tri của những con người lầm đường lạc lối; hướng họ đi vào con đường của chân lý, nhận thức rõ về Đảng, tin Đảng, theo Đảng, để tất cả cùng vùng lên chống lại kẻ thù đang giày xéo quê hương mình. Từ thực tiễn của cuộc kháng chiến vĩ đại, bằng sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo, công tác binh vận đã kết nên sức mạnh ngày càng to lớn, góp sức vào chiến công chung.
Xây dựng cuộc sống mới
47 năm quê hương, đất nước nở hoa độc lập, những nhân chứng của thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 đều chung niềm cảm xúc tự hào về một thời oai hùng, bất khuất. Trong hành trình xây dựng cuộc sống mới, dù ở đâu, ở bất cứ vị trí nào, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh, người có công với cách mạng vẫn hăng hái cống hiến sức lực, trí tuệ vì sự phát triển quê hương.
Tạo lập cuộc sống sau chiến tranh bằng nghề rèn gia truyền và hơn 20 công đất ruộng của phụ ấm, nhờ chịu khó, giỏi giang, cuộc sống vợ chồng ông Sol dần khấm khá. Vợ ông Sol, bà Yêm Thị Lợi là giáo viên từ những năm đầu giải phóng, hàng ngày lội bộ, chèo xuồng mang chữ đến với trẻ em vùng khó. Sau 27 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, bà về hưu kinh doanh của hàng vật liệu xây dựng, lo 6 người con học hành đàng hoàng, hiện 2 con trai là đảng viên, làm nhiệm vụ ấp đội và công an viên.
Nhận thấy nhu cầu cơ giới hoá nông nghiệp rất lớn, từ năm 2008, ông Sol mua 2 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cày phục vụ sản xuất của gia đình và bà con quanh vùng, góp phần giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương khi vào vụ đông ken và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn kịp thời cắt lúa bị sập đổ…
Từ cách làm ăn của gia đình ông Sol, góp phần đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. |
Kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại hàng năm để nhắc nhớ quá khứ hào hùng và tri ân tiền nhân đã làm nên độc lập, vinh quang để thế hệ hôm nay càng trân quý hơn giá trị tốt đẹp của dân tộc, tự soi rọi lại chính mình, lấy đó làm động lực phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng, xây dựng quê hương, đất nước./.
Mộng Thường