Môi trường thiên nhiên và lối sống qua một quá trình lịch sử hàng trăm năm đã hình thành những đặc trưng văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của người Cà Mau. Biểu hiện dễ nhận thấy của đặc trưng này là sự “hỗn dung văn hoá” trong tín ngưỡng dân gian, cụ thể là việc thờ cúng trong gia đình và tại các nơi thờ tự cộng đồng.
Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ được xác định vào khoảng hơn 300 năm, tính từ khi có đông đảo người Việt vào định cư, xây làng, lập ấp. Vùng đất Cà Mau còn được biết đến muộn màng hơn, là vùng đất ở tận cùng ở phương Nam, vốn trước đó là vùng “nê địa” ít người lui tới.
Có thể nói, việc hình thành các cộng đồng dân cư Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng có nguồn gốc từ những cuộc di dân từ miền Bắc, miền Trung vào vùng đất Nam Bộ trong một quá trình lịch sử lâu dài. Có thể thấy những nguyên nhân chủ yếu: công cuộc Nam tiến theo chủ trương của triều Nguyễn; những người muốn thoát khỏi ách thống trị của triều đình phong kiến phương Bắc hoặc muốn tìm kiếm tự do ở vùng đất hứa; những làn sóng di dân đi xây dựng kinh tế mới…
![]() |
Bàn thờ Ông Nam Hải kết hợp thờ Ông Thần Hòn trong Lăng Ông Nam Hải ở Hòn Ðá Bạc. |
Ðối diện với thiên nhiên hoang sơ nhưng vô cùng khắc nghiệt, những lớp lưu dân đầu tiên đi khẩn hoang không tránh khỏi bỡ ngỡ: “Tới đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”. Mặc dù vậy, với bản năng sinh tồn, họ phải tự rèn luyện để chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, lâu dần hun đúc nên lòng dũng cảm, tính gan dạ, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để thích nghi và tồn tại trong môi trường mới. Từ đó, hình thành nên tính cách đặc trưng của người phương Nam: phóng khoáng, hào sảng, nghĩa tình, cởi mở và dễ thích nghi...
Tính cách cởi mở, dám nghĩ, dám làm, dễ tiếp thu cái mới đã được dân gian đúc kết thành câu ca dao: “Ra đi gặp vịt cũng lùa/ Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu!”. Môi trường thiên nhiên và lối sống qua một quá trình lịch sử hàng trăm năm đã hình thành những đặc trưng văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của người Cà Mau. Biểu hiện dễ nhận thấy của đặc trưng này là sự “hỗn dung văn hoá” trong tín ngưỡng dân gian, cụ thể là việc thờ cúng trong gia đình và tại các nơi thờ tự cộng đồng.
Trong gia đình, đặc biệt là các gia đình nông thôn rất dễ nhận thấy sự phong phú trong tín ngưỡng thờ cúng các gia thần. Bên cạnh bàn thờ tổ tiên (thờ “Cửu huyền Thất tổ) để thờ cúng ông bà, cha mẹ, những người đã khuất, nhiều gia đình còn bố trí thêm các trang thờ trên cao, hoặc bàn thờ treo tường để thờ bà Tổ Cô, bà Cửu Thiên Huyền Nữ (danh hiệu của Ðức Phật Mẫu), Quan Thánh Ðế Quân (Quan Công), bà Mẹ Sanh (bà mụ)… phía dưới đất, đặc biệt là các gia đình có kinh doanh, buôn bán còn lập trang thờ Thần Tài, Thổ Ðịa; phía dưới nhà bếp thờ Táo quân; phía trước sân lập bàn thờ Thông Thiên; bên ranh đất ở có miếu thờ Ông Thần Ranh, Ông Tà; đến mùa vụ thì cúng Thần Nông, ông chuồng bà chuồng…
Tại các nơi thờ tự cộng đồng như đình, chùa, miếu ở khắp nơi trong tỉnh, hầu như địa điểm nào cũng trở thành nơi “phối thờ” với nhiều đối tượng thờ tự khác nhau từ nhân thần, nhiên thần đến các vong hồn, các con vật và đất đá, cỏ cây… Hình thành sớm nhất là các đình làng ở Cà Mau, nhiều đình có sắc phong của các vua triều Nguyễn với đối tượng thờ là “Thành hoàng bổn cảnh”.
Hai chữ “bổn cảnh” chỉ khu vực đất đai hiện tại, “thành” là bức tường bảo vệ, “hoàng” chỉ cái hào được đào quanh tường thành. “Thành hoàng bổn cảnh” ý nghĩa ban đầu chỉ vị thần cai quản khu vực kinh thành, nơi vua chúa ở, sau được áp dụng cho cả các vùng nông thôn, làng xã. Thông thường ở mỗi đình làng đều có một vị thần được phong và “Thành hoàng” hoặc “Thần hoàng” của làng, đó là các vị anh hùng dân tộc, hoặc người có công trạng với triều đình, có công trạng với Nhân dân, hoặc có công lập làng, sau khi mất được Nhân dân tôn thờ.
Trong các đình làng ban đầu chỉ thờ “Thành hoàng bổn cảnh” với danh hiệu theo sắc phong là: “Quảng hậu chính trực Hựu thiện Ðôn ngưng chi thần” hoặc “Bảo an chính trực Hựu thiện Ðôn ngưng chi thần”, theo thời gian do nhu cầu tín ngưỡng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” dân gian đã “bổ sung” thêm những đối tượng thờ khác: Tả ban, Hữu ban, Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền… Có đình lập thêm bàn thờ “Phước Ðức chánh thần (Thổ Ðịa), Ðông Trù tư mệnh (Táo quân).
Ngoài ra, phía trước đình còn có bàn thờ Thần Nông, miếu thờ Thần Hổ (cọp), bàn thờ Thông Thiên, có nơi còn dựng thêm các miếu nhỏ để thờ “Chúa xứ nương nương” (bà Chúa xứ), “Hoả đức nương nương” (bả Hoả), “Thuỷ đức nương nương” (bà Thuỷ)…
Miếu thờ cá voi (Lăng Ông Nam Hải) ở Hòn Ðá Bạc ngày trước chỉ là ngôi miếu nhỏ do Nhân dân địa phương lập nên để thờ bộ xương cá voi (cá Ông), sau này được xây dựng khang trang trong Khu du lịch Hòn Ðá Bạc để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân địa phương và khách du lịch. Ngoài đối tượng thờ chính là “Ông Nam Hải” (cá voi), dân gian còn bố trí thờ “Ông Thần Hòn” (cùng với bàn thờ Ông Nam Hải) và kết hợp cả bàn thờ Phật Tổ (bên phải), bàn thờ Ðức Vua Hùng (bên trái).
Tại nhiều ngôi miếu thờ (có khi dân gian đọc trại thành “miễu thờ”) rất dễ bắt gặp hiện tượng “hỗn dung” các đối tượng thờ tự. Trong khuôn viên các miếu thờ Bà Chúa xứ (Chúa xứ nương nương), miếu thờ Bà Thuỷ Long (Thuỷ Long thần nữ) thường có bàn thờ (hoặc bệ thờ) Thần Nông là sự dung nạp tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, ngoài ra còn có thêm bàn thờ hoặc bình phong đắp nổi hình “Chúa Tể Sơn Lâm” (thần Hổ) do tâm lý sợ cọp được hình thành từ thuở khai hoang, mở cõi, qua thời gian được nâng lên thành tín ngưỡng.
Hay Miếu Bà Cậu ở cuối nguồn sông Trẹm ban đầu được dựng lên để thờ bà Thuỷ Long thần nữ và “Cậu Tài, Cậu Quý” theo tín ngưỡng “thờ Bà Cậu” của cư dân sông nước, đây là các vị phúc thần bảo hộ cho nghề buôn bán trên sông nước, các ghe thương hồ xuôi ngược mưu sinh từ Cà Mau qua Miệt Thứ. Hiện nay, tại ngôi miếu này dân gian đã “phối thờ” thêm các vị thần thuộc các tín ngưỡng khác, trong đó bàn thờ chính đặt bài vị của Thiên Hậu Thánh Mẫu (tức Lâm Mặc Nương, là vị thần bảo hộ sông biển của người Hoa), trên cùng bàn thờ còn có bài vị của Quan Thánh Ðế Quân (Quan Công), Thổ Thần (Thổ Ðịa) và Cửu huyền Thất tổ (vốn để thờ trong gia đình)…
“Hỗn dung văn hoá” là đặc điểm phổ biến trong tín ngưỡng dân gian Cà Mau được hình thành qua nhiều thế hệ, chịu tác động bởi đặc điểm môi trường thiên nhiên và tính cách con người Cà Mau. Việc kết hợp nhiều đối tượng thờ trong một không gian nhất định phản ánh sự phong phú, đa dạng trong đời sống tâm linh, đồng thời cũng làm nên nét độc đáo của sắc thái văn hoá ở Cà Mau mà các nhà khoa học cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu./.
Bài và ảnh: Huỳnh Thăng