(CMO) Vài sợi dây điện, mô-tơ, cánh quạt mini, mấy bộ phận tháo từ đầu đĩa đã hỏng, ống sắt… những thứ tưởng chừng bỏ đi ấy đã giúp em Nguyễn Tân Khoa, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Phú Tân, xã Phú Tân, huyện Phú Tân giành giải Nhì cuộc thi Sáng tạo thanh - thiếu niên, nhi đồng tỉnh Cà Mau lần thứ III năm 2015-2016, với mô hình máy xử lý rác mini.
Ngay từ nhỏ, Khoa đã thích mày mò những thiết bị điện tử, hết tháo ra rồi lắp vào. Em có thể ngồi cả ngày chỉ để nghiên cứu, tháo rời các sản phẩm và xem cấu trúc của các đồ chơi, thiết bị điện tử như thế nào.
Cậu học trò Nguyễn Tân Khoa với mô hình máy ép rác mi ni. |
Ý tưởng về chiếc máy xử lý rác mini được nảy sinh khi nhiều lần Khoa chứng kiến cảnh gia đình và nhiều người dân vứt rác sinh hoạt xuống dòng sông gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Mặt khác, việc thu gom, xử lý rác thải không triệt để, cứ từ chỗ nọ gom đổ chỗ kia càng khiến tình trạng ô nhiễm nặng nề hơn. Từ đó, một ý tưởng nhen nhóm trong đầu cậu học sinh nhỏ: phải thiết kế một chiếc máy để xử lý rác sử dụng trong gia đình.
Nghĩ là làm, Khoa bắt tay vào nghiên cứu. Ngoài giờ học trên lớp, Khoa tranh thủ buổi tối để tìm tòi, khám phá về bộ phận và các nguyên lý hoạt động của máy. Những thiết bị điện tử vụn vặt trong gia đình được em thu gom lại từ miếng nhựa, đến cái mô-tơ, ốc vít của những chiếc xe được em tháo rời để “bổ sung” vào kho nguyên liệu.
Máy xử lý rác mini được Khoa thiết kế gồm 4 chức năng: xay, nghiền nát rác, ép thành khối, cuối cùng là đổ rác. Khoa phải “lân la” nhiều cửa hàng điện tử ở chợ mới gom đủ thiết bị vừa rẻ, vừa tốt để thực hiện mô hình.
Sau 4 ngày từ nghiên cứu đến khâu thiết kế, lắp ráp, Khoa đã cho ra đời chiếc máy xử lý rác mini chuyên xử lý rác hữu cơ như: rau củ quả thối, thức ăn thừa, lá cây và rác vô cơ như vỏ hộp, bao gói… với giá thành cực rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng.
Nguyên lý vận hành máy hết sức đơn giản. Đầu tiên cho rác cần xử lý vào bồn chứa, rác từ bồn được băng chuyền tải về thùng máy. Chúng được băm bằng một hệ thống dao cắt thô rồi bị đẩy sang buồng dao cắt vụn rồi đùn ra ngoài. Sau khi qua hai hệ thống dao hỗn hợp của chiếc máy, rác sẽ được nghiền vụn, sau đó mô-tơ trộn đều và di chuyển đến bộ phận ép thành khối nhỏ rồi đưa ra bộ phận đổ rác đang chờ sẵn.
Khoa chia sẻ thêm: “Quá trình đổ rác thường phải mất thời gian trong việc vận chuyển rác đến nơi xử lý, thì giờ đây chiếc máy xử lý rác mini có thể vận chuyển một cách nhanh chóng và gọn gàng bởi rác đã được ép thành khối".
Trước máy xử lý rác mini, Khoa đã từng sáng chế thành công máy bơm nước mini và cần cẩu điều khiển từ xa để phục vụ trong gia đình.
Thầy Trần Văn Việt, phụ trách Đoàn, Đội của Trường THCS Phú Tân, cho biết: “Khoa là học sinh ngoan, chăm chỉ, thích tìm tòi, khám phá cái mới. Khi em đưa ra ý tưởng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ vì thông điệp mang lại góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh. Sáng kiến này sẽ giúp nhiều gia đình, xí nghiệp dễ dàng hơn trong việc vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Kết quả mà Khoa đạt được cũng là động lực thúc đẩy các em học sinh khác mạnh dạn nghiên cứu và sáng tạo. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em phát huy hết tiềm năng của mình, nhằm tạo ra những sáng chế hữu ích phục vụ đời sống”.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Khoa cho biết, em sẽ tiếp tục theo đuổi niềm say mê sáng tạo công nghệ và dự thi vào một trường đại học thuộc khối kỹ thuật. Với niềm yêu thích sẵn có, hy vọng cậu học trò nhỏ sẽ đạt được ước mơ của mình.
Bài và ảnh: YẾN NHI