ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 15:05:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Người yêu người, sống để yêu nhau”

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày đầu tháng 10, khi các tỉnh, thành phía Nam dần nới lỏng giãn cách, các vùng tâm dịch bắt đầu hạ nhiệt, thì có một câu chuyện khác lại nóng lên: Ðó là dòng người hồi hương về các tỉnh miền Tây. Nhiều người gọi đó là một cuộc thoái lui vật vã, âu lo và không cần đoán định cho chuyện gì phía trước. Bởi đơn giản, không có lựa chọn nào khác cả. Những người về, chỉ cần thấy quê hương là đầy đủ, hạnh phúc lắm rồi.

Ðoàn người về Cà Mau qua chốt Biển Bạch, Thới Bình trên tuyến đường Xuyên Á chờ làm thủ tục kiểm soát. (Ảnh chụp rạng sáng 3/10).

Một gia đình người quen của chúng tôi làm công nhân ở Bình Dương có thâm niên 15 năm. Cả 11 người vừa già, vừa trẻ đều nhiễm Covid-19, rất may mắn, đều hồi phục. Sau một cuộc hội ý khá nhanh chóng, tất cả bắt đầu thu dọn đồ đạc để chất lên 5 chiếc xe máy và về Cà Mau.

Vài cuộc điện thoại thăm chừng của tôi chẳng là gì so với những cuộc điện thoại cháy máy lúc đêm khuya của anh. 5 chiếc xe, 11 con người hoà vào một đoàn người khó mà thống kê chính xác số lượng. Ðồ đạc lỉnh kỉnh, từ cái móc phơi quần áo cho tới em bé mới vài tháng tuổi... Vạ vật, mệt mỏi, đói khát trước một chốt kiểm soát. Một số người già, phụ nữ bắt đầu khóc lóc, kể khổ. Một vài thanh niên hùng hổ xông lên. Tiếng loa phát của lực lượng chức năng chìm nghỉm vào trong tâm trạng nặng trịch của dòng người. Những chai nước suối, ổ bánh mì được phân phát lặng lẽ, cả người cho và người nhận.

Thế rồi tiếng vỗ tay ầm vang. Chốt thông rồi! Tiếng còi hụ của cảnh sát giao thông phía trước, đoàn người rầm rập phía sau. Qua chốt rồi. Sắp về đến quê rồi. Những đồng nghiệp của tôi, khi lăn xả đưa tin về những đoàn người hồi hương, đều có chung một kết luận: “Bà con khổ quá rồi, phải về thôi”. Những người sau một hành trình dài, về tới đất quê, họ vẫy tay chào. Sự mừng vui đã lấn át đi tất cả. Về đến quê rồi, thì như ông anh kia nói: “Có gì ăn đó, từ từ tính tiếp. Tới quê là sống rồi”.

Trước đó, trong những ngày “ai ở đâu, ở yên đó”, nhiều người kẹt lại các vùng tâm dịch mong ngóng, thậm chí là bức xúc đặt câu hỏi: “Tại sao quê mình không đón rước công dân về quê. Cứ để bà con kiểu này là chết hết?”. Ðó là lời lẽ bộc phát của con người trong lúc tột độ sợ hãi. Không trách được họ. Rồi khi bình tâm, họ cũng đủ hiểu rằng, trước đại dịch, tấm lòng không phải là tất cả. Một tỉnh nhỏ xa xôi có là gì nếu so với một trung tâm đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, xét riêng về năng lực y tế. Mà ở đó, nỗi kinh hoàng đã hiện hữu. Rồi họ nán lại, cho đến lúc, không nán chờ được nữa...

Rớt nước mắt với lời khuyến nghị của một vị lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khi thấy dòng người rời thành phố về quê: “Dịch bệnh đã bớt rồi. Bà con ráng ở lại thành phố, đi làm thêm vài tháng, có thêm thu nhập rồi tới Tết hãy về”. Chắc chắn trong đoàn người hồi hương, có người nghe được lời này, nhưng như thế là chưa đủ. Nhiều người đã sẵn sàng cho một mục đích duy nhất, về quê.

Cũng mấy ngày qua, dư luận nổi sóng. Có người mở lòng bao dung quê hương, đón chào những người con trở về. Có người gay gắt lên án, coi đó là mối hoạ hiện hữu. Có người trung dung hơn, về thì đã về, nhưng mong là người về hãy thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn cho mình và cho người khác.

Các địa phương đón nhận người về, trong đó có Cà Mau đã sẵn sàng với những phương án đã được đoán định từ trước. Tình quê hương, nghĩa đồng bào là một chuyện, nhưng làm sao an toàn cho cả người về và an toàn của cả tỉnh mới là trọng trách nặng nề. Toàn bộ hệ thống chính trị, lực lượng, cơ sở vật chất... đều kích hoạt lại với tinh thần cao nhất, hiệu suất lớn nhất để phục vụ công tác đón người dân trở về.

Lúc này không phải là lúc để trách móc nhau. Không ai có lỗi trước dịch bệnh cả. Ai cũng có lý do, mối lo cho riêng mình, muốn chu toàn cho mình. Nhưng đại dịch Covid-19 là đại hoạ toàn cầu, không ai có thể an toàn khi người bên cạnh mình còn nguy hiểm. Phải rành rọt một vấn đề, đó là không ai ở quê hương, xứ sở lại chối bỏ người của mình. Cái họ chối bỏ và lo lắng là mầm bệnh dịch. Mà ngặt nỗi, bệnh dịch có nguồn lây là con người chớ chẳng phải điều gì khác. Không ai có thể mường tượng ra những điều mà đại dịch Covid-19 có thể gieo rắc. Thành ra, ý kiến cực đoan gay gắt cũng là xuất phát từ nỗi lo sợ mà thôi.

Một số người, dù không bình luận nhưng chúc nhau những điều may mắn. May mắn là trong dòng người trở về, có ít mầm bệnh. May mắn khi công tác tiếp nhận, sàng lọc và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, chặt chẽ, không sót lọt nguy cơ. May mắn khi mỗi người tự yêu thương sức khoẻ, sinh mệnh của mình và của mọi người. May mắn là người đã được trở về quê. Và may mắn nhất là quê nhà vẫn giữ được sự bình yên.

Một danh ngôn được nhiều người nằm lòng: “Người ta có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để trở về”. Thôi thì người về cũng như nơi đón, mở lòng ra như câu thơ chí tình, chí lý: “Người yêu người, sống để yêu nhau”. Hãy cùng nhau đối diện, đương đầu và cùng nhau đi qua thời đoạn gian khó này./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Nâng tầm y tế cơ sở

Thời gian qua, hệ thống y tế ở địa phương chủ động đầu tư, tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật quan trọng trong hoạt động chuyên môn, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Việc đầu tư kỹ thuật mới không chỉ nâng tầm, tạo thương hiệu, uy tín cho đơn vị y tế mà còn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí trong khám và điều trị bệnh.

Tận tâm với nghề y

24 năm gắn bó với nghề, Bác sĩ CKI Nguyễn Hữu Ðặng, Trưởng trạm Y tế xã Khánh Thuận, huyện U Minh, làm việc bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình công tác, Bác sĩ Ðặng luôn hết mình vì người bệnh, tận tâm với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trị liệu nghệ thuật

Trị liệu nghệ thuật là phương pháp sử dụng nghệ thuật như công cụ hữu ích để bệnh nhân cải thiện về tinh thần, cảm xúc, được ứng dụng trong can thiệp phục hồi chức năng (PHCN). Bằng hình thức thực hiện các hoạt động như: vẽ tranh, tô màu, nặn đất sét, âm nhạc và nhảy múa, hay kể chuyện bằng hình ảnh..., trị liệu nghệ thuật được xem như cách chữa lành tâm lý, giúp bệnh nhân cải thiện khả năng điều khiển bàn tay và ngón tay, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Tìm hiểu “hội chứng màn hình xanh”

Ngày nay, công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ diện với những vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một trong số đó là “hội chứng màn hình xanh”, đây không phải là một khái niệm chính thức trong y khoa, nhưng nó đang được dùng để mô tả những hệ luỵ về sức khoẻ tâm lý và thể chất khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá giới hạn.

Ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp tết

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sáng nay (9/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm ra quân kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Cà Mau.

Họp đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025, sáng nay (8/1), Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tổ chức họp triển khai công tác kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Can thiệp sớm trẻ chậm nói

"Hiện nay, tình trạng trẻ chậm nói khá phổ biến, do bẩm sinh, hoặc môi trường xung quanh. Các dấu hiệu thường khó nhận diện, do phụ huynh chưa nắm rõ các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ. Các bé được đưa đến đây khám chủ yếu bị rối loạn ngôn ngữ, khó giao tiếp bằng ngôn ngữ, hạn chế khả năng tiếp thu...", Bác sĩ Ninh Thị Minh Hải, Phòng Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin.

Ðồng hành can thiệp sớm trẻ có vấn đề phát triển

Ở nước ngoài, các gia đình có trẻ gặp vấn đề về phát triển rất quan tâm và nhiệt tình tham gia các nhóm hỗ trợ để thay đổi năng lượng của bản thân, muốn được cung cấp năng lượng tích cực cũng như những kiến thức hữu ích nhằm giúp trẻ nhỏ điều trị bệnh, hoà nhập với cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, với văn hoá Á Ðông như ở Việt Nam nói chung và các tỉnh xa xôi như Cà Mau nói riêng, vấn đề này khá nhạy cảm, khiến các bậc phụ huynh khó thể mở lòng chia sẻ. Nếu cha mẹ không vững vàng thì việc điều trị bệnh cho trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Tổ chức phi lợi nhuận "Sống cùng tự kỷ" đã kết hợp với Tổ chức phi lợi nhuận "Y học cộng đồng" tổ chức nhóm tương trợ phụ huynh, dành cho gia đình của trẻ có vấn đề về phát triển.

Hướng tới phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh

Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, vào chiều 3/1/2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân khẳng định, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển các khoa chuyên sâu ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường dịp cuối năm

Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, mặc dù bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tuy nhiên, trong năm 2024 kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có bước tăng trưởng khả quan. Theo đó, tại tỉnh Cà Mau, tình hình cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm 2024 cũng được đảm bảo, nguồn hàng hoá dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng sốt giá.