(CMO) Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, các em đã ý thức việc học tập để thay đổi tương lai. Nhiều em sau giờ học phải kiếm tiền phụ giúp gia đình để việc học không bị gián đoạn. Nhưng thách thức, trở ngại trên đường đến trường đối với các em vẫn còn đó.
Em Lê Ngọc Thắm, ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân hiện đang học lớp 7A5, trường THCS Bông Văn Dĩa. Hơn 7 năm qua, sau mỗi buổi tan trường, Thắm cùng các bạn trong xóm lên rừng bắt ốc bán kiếm tiền.
Với đôi chân trần nhỏ bé của mình, các em phải len lỏi vào rừng đước mặc cho rễ cây đâm, hàu cắt vẫn cố gắng bắt từng con ốc, con cua để có tiền phụ giúp cha mẹ trang trải việc học tập.
Hằng ngày, các em phải đối mặt với bao nguy hiểm từ hàu cắt đứt chân, rễ cây đâm, còn phải lội qua nhiều con sông nước chảy mạnh. |
Để có được nhiều tiền, các em phải đi bộ vài cây số vào tận trong rừng. Hành trang mang theo vỏn vẻn là can nhựa, không có găng tay hoặc bất cứ dụng cụ nào hỗ trợ.
Thắm cho biết: “Thời gian con đi học ít lắm, con tranh thủ giờ ra chơi để học bài, về nhà thì dành thời gian đi bắt ốc”.
Hoàn cảnh khó khăn nhưng Thắm vẫn là học sinh khá trong 7 năm qua. Mỗi ngày em sắp xếp thời gian khoa học để đảm bảo việc học tập. Sáng em đi học và tranh thủ giờ giải lao làm bài tập. Những bài dễ em làm trước, bài khó em để tối làm; buổi trưa thì đi bắt ốc, mò sò kiếm tiền.
Thắm cho biết, mỗi ngày em bắt ốc bán được khoảng 50.000 đồng, nhưng phải lội rừng gần 3 cây số. Em không bao giờ bỏ học dù phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn. Em ước mơ lớn lên làm cô giáo để dạy các em hoàn cảnh khó khăn như em.
Tuy không cùng độ tuổi, nhưng các em có chung một hoàn cảnh đó là nghèo khó. Học tập, lao động gần như đã chiếm hết thời gian đối với những em học sinh vùng biển khó khăn này.
Em Huỳnh Văn Hùng, lớp 5A, trường Tiểu học xã Tân Ân, chia sẻ: “Đi học về con bắt ốc đến chiều, nước lớn con mới về. Con cũng muốn đi chơi cùng các bạn không phải đi bắt ốc nữa”.
Em Lê Tấn Tài, ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân, cho biết: “Không bắt ốc thì con không đủ tiền đi học, cha mẹ con còn phải lo cơm, gạo và hai đứa em nhỏ nữa. Con giúp cha mẹ nên cũng thấy vui. Con sẽ cố gắng học tập thật giỏi để sau này đi làm phụ giúp cha mẹ, để cha mẹ đỡ cực khổ” .
Sau một ngày vất vả bắt ốc, các em trở về nhà vẫn miệt mài từng con chữ để nuôi ước mơ lớn lên thoát khỏi cảnh khó khăn. |
Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, vậy mà các em phải lo âu vì gánh nặng kinh tế gia đình. Các em chịu nhiều thiệt thòi và mất đi niềm vui của tuổi thơ. Nhiều bậc cha mẹ không khỏi đau xót khi thấy con mình phải bươn chải kiếm sống không được vui chơi như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng vì cuộc sống quá khó khăn khi phải chật vật trong từng bữa ăn thì việc tìm đến con chữ là một thách thức của từng hộ nghèo nơi ven biển.
Chị Lê Thị Lan, mẹ em Lê Ngọc Thắm, trải lòng: “Gia đình khó khăn nên các con phải đi học 1 buổi, còn 1 buổi đi bắt ốc. Gia đình cũng cố gắng nhưng vì kinh tế khó khăn quá nên sợ lo không nổi cho các con ăn học”.
Năm học vừa qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ gần 200 học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn gần 100 triệu đồng. Nhưng đó chỉ là hỗ trợ trước mắt, về lâu dài xã vẫn gặp khó khăn. Dù vậy, xã quyết tâm hỗ trợ các trường hợp quá khó khăn.
"Đối với các cháu học sinh 1 buổi học, 1 buổi mò cua, bắt ốc để phụ giúp gia đình được địa phương tìm hiểu, cập nhật kịp thời và có hướng giúp đỡ, hỗ trợ các em với số tiền hằng tháng từ 100.000-200.000 đồng", ông Trần Thanh Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân, cho biết.
Sự quan tâm của cộng đồng xã hội chỉ hỗ trợ một phần trước mắt, con đường chinh phục con chữ của các em phía trước vẫn còn lắm khó khăn./.
Chí Hiểu - Hồng My