ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 2-12-23 18:59:55

“Thầy giáo số” nông thôn

Báo Cà Mau (CMO) Trong bối cảnh nhiều đơn vị trường học, nhất là vùng nông thôn ở Cà Mau còn thiếu giáo viên cho các bộ môn đặc thù như Tin học, vậy mà ở Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, có một giáo viên được mệnh danh là “thầy giáo số”, quả thật thú vị. Người được nhắc đến là thầy giáo Tin học Lê Thành Ðô. Từ những nỗ lực của bản thân, tình yêu nghề cháy bỏng, thầy đã tạo được những dấu ấn đóng góp đáng trân quý.

Sáng kiến “xài được luôn”

Trải lòng mình, thầy Ðô kể: “Tôi sinh ra, lớn lên ở Khánh Bình Ðông, vùng nông thôn khó khăn, chuyện học hành vất vả lắm. Trở thành giáo viên cũng là cái duyên và khi đã đứng trên bục giảng rồi, tôi nghĩ bản thân phải làm được điều gì đó giúp ích cho nhà trường, cho học sinh”.

Từ năm 2008, thầy Ðô được phân công giảng dạy Tin học tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, bộ môn mới mẻ, mà trong điều kiện của đơn vị trường học vùng nông thôn, tưởng chừng vô cùng khó để một giáo viên trẻ bứt phá. Ai cũng nghĩ thế, trừ thầy Ðô.

Trăn trở khi hệ thống máy tính được cấp về trường chưa được khai thác tốt, nhiều máy hỏng hóc, khó vận hành đồng bộ, sửa chữa phải phụ thuộc, mất thời gian, tốn kém. Thế là sáng kiến kinh nghiệm “Biện pháp sửa chữa máy tính trong trường học hiệu quả” ra đời. Thầy Ðô chắc mẩm: “Máy phải xài được, hư nhỏ phải tự khắc phục ngay thì mới đảm bảo dạy và học. Không chỉ tiết kiệm, mà mình còn chủ động được thêm rất nhiều thứ”.

Nhận thấy các đồng nghiệp vừa lúng túng, vừa bỡ ngỡ khi tiếp cận với các phương pháp giảng dạy mới, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, thầy Ðô đã đề xuất và được nhà trường tin tưởng để mở chuyên đề dạy giáo án điện tử và chuyên đề sử dụng mạng Internet cho giáo viên. Ðến nay, 100% giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đã thuần thục, làm chủ công nghệ phục vụ công tác giảng dạy.

Thầy giáo Tin học trẻ Lê Thành Ðô với niềm đam mê bộ môn Tin học, ý thức về nghề giáo thiêng liêng, đã có những đóng góp đáng trân quý, được mệnh danh là “thầy giáo số”.

Thầy Lê Văn Tươi, Hiệu trưởng nhà trường, đánh giá: “Chính sự nhạy bén, năng động của thầy Ðô đã giúp trường rất thuận lợi trong việc đổi mới, hiện đại phương pháp giảng dạy. Nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhà trường vẫn hoàn thành nhiệm vụ năm học một cách chủ động”.

Từ năm học 2009-2010 đến nay, mỗi năm, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đều có học sinh giỏi môn Tin học ở Hội thi Tin học trẻ cấp huyện và cấp tỉnh. Tổng số học sinh đạt giải cấp tỉnh (đến cuối học kỳ I năm học 2022-2023) là 22 em; cấp huyện 15 em. Chất lượng giảng dạy Tin học ở trường hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, không có học sinh không hoàn thành môn học. Hầu hết các em đều được trang bị vững vàng về kiến thức Tin học ở cấp tiểu học, có thể tự sử dụng máy tính để thực hiện các thao tác, kỹ năng cơ bản.

Còn nhiều sáng kiến kinh nghiệm khác ở lĩnh vực công nghệ thông tin của thầy Ðô khi được áp dụng vào công tác quản lý, giảng dạy, học tập của trường, được đánh giá là “xài được luôn, hiệu quả ngay”. Từ đó, dù là đơn vị trường học ở nông thôn, nhưng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng vươn lên trở thành điểm sáng về chuyển đổi số. Ðáng quý hơn, những sáng kiến của thầy Ðô, tiếng thơm vang xa, được nhiều đơn vị trường học đến học tập, triển khai, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Tin học trong nhà trường ở huyện Trần Văn Thời.

Không ngừng trau dồi kiến thức

Với thầy Ðô, học tập, trau dồi kiến thức, tự làm mới chính bản thân mình là công việc không được ngơi nghỉ: “Nếu mình tự thoả mãn với mình, thì sẽ là sự thụt lùi. Kiến thức là vô bờ bến, sự học không bao nhiêu là đủ”.

Không chỉ chia sẻ, đồng hành, hướng dẫn, khơi nguồn cảm hứng, thầy Ðô còn đảm nhận việc học tập và triển khai việc ứng dụng các công nghệ, phần mềm mới theo yêu cầu tại đơn vị công tác. Theo đó, trong khi còn nhiều đơn vị trường học khá loay hoay, thì Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đã áp dụng thành thục, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý học sinh, tài sản, tài chính và giảng dạy, như: chương trình quản lý học sinh, quản lý thư viện, thiết bị bằng chương trình VEMIS; quản lý nhân sự bằng phần mềm CSDL trên mạng Internet; sử dụng giáo án điện tử, dạy học bằng công nghệ Netsuport School, dạy trực tuyến bằng Google Meet, Zoom...

Nói về bản thân, thầy Ðô cười tươi: “Tôi rất ham học, đó là nhu cầu tự thân thôi. Tốt nghiệp cử nhân giáo dục Tiểu học, tôi học thêm đại học Công nghệ thông tin, và bây giờ là hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục Tiểu học. Mình càng học được nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thì mới làm tốt được vai trò giáo viên, là chỗ dựa tin cậy cho học sinh”.

Ðược tín nhiệm làm Chủ tịch Công đoàn trường, thầy Ðô lại khiến lãnh đạo, đồng nghiệp đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Hoá ra, ông “thầy giáo số” không chỉ giỏi nghề, yêu nghề, mà còn sống đầy trách nhiệm và tình cảm. Chính thầy Ðô đã đứng ra vận động xây dựng quỹ “Phụ nữ”, tổ “hùn vốn” để san sẻ kịp thời với những đồng nghiệp gặp khó khăn. Từ đó, đội ngũ giáo viên ở trường thêm yên tâm, hăng say cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Ông Phạm Việt Bắc, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Thầy Ðô bằng sự nỗ lực, phấn đấu, đã được tin cậy phân giao những nhiệm vụ của ngành, địa phương. Trong đó, Phòng GD&ÐT và Huyện đoàn Trần Văn Thời tin tưởng chọn làm thành viên Ban giám khảo Hội thi Tin học trẻ nhiều năm liền. Năm học 2021-2022, thầy Ðô được UBND huyện Trần Văn Thời tin tưởng chọn làm thành viên Ban ra đề thi trong Hội đồng thi tuyển viên chức của huyện. Cũng trong năm học này, thầy được Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau chọn làm thành viên Hội đồng khoa học của tỉnh, để chọn sách giáo khoa dùng cho tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

15 năm công tác, bề dày thành tích mà thầy Lê Thành Ðô đạt được là sự ghi nhận đầy xứng đáng cho nỗ lực, ý chí cầu tiến của thầy giáo trẻ. Trong đó, thầy Ðô là giáo viên luôn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các năm; đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; 3 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; được vinh danh là 1 trong 44 Nhà giáo tiêu biểu của huyện Trần Văn Thời dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2022 và nhiều thành tích tiêu biểu khác...

Riêng thầy Ðô, niềm đam mê với bộ môn Tin học, với nghề giáo thiêng liêng, đã thổi lên nguồn cảm hứng say mê cho bản thân mình tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người ở ngôi trường Lý Tự Trọng, vùng nông thôn Khánh Bình Ðông./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Góc dân gian trong trường mầm non

Để làm mới các góc học tập, vui chơi, nhiều điểm trường mầm non, mẫu giáo tích cực đưa trò chơi dân gian vào các hoạt động ngoại khoá, giờ lên lớp để giáo dục truyền thống văn hoá cho các em. Ðây cũng là phương pháp học tập mới, giúp trẻ phát huy sức sáng tạo, tăng khả năng vận động ngoài trời, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Cô giáo nặng tình với quê hương

Là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Dớn Hàng Gòn (thuộc Ấp 2, xã Khánh Lâm, huyện U Minh), cô giáo Trịnh Hà Giang, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Khánh Lâm, luôn dành tình yêu đặc biệt cho quê hương.

Hoa đẹp học đường

Ðam mê, chăm chỉ học tiếng Anh từ bé, dù mới học lớp 4 nhưng cô học trò nhỏ Ngô Nhã Trâm (học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Quang Trung, Phường 5, TP Cà Mau) đã gặt hái nhiều thành tích đáng khâm phục.

Những món quà tri ân “đốn tim” thầy cô của Gen Z

Cũng có quà nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhưng “độc - lạ - siêu dễ thương và cũng lầy lội mà ấm áp dữ lắm”, cô Lê Kiều Diễm, chủ nhiệm lớp 12X10, Trường THPT Cà Mau, chia sẻ trong niềm hạnh phúc khó tả.

Những người thầy không đứng trên bục giảng

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để tôn vinh nghề giáo, những người đã và đang ngày ngày dìu dắt bao thế hệ học trò đi đến những ước mơ, những bến bờ thành công trong tương lai. Mặc dù có phần trầm lặng hơn so với những người thầy trong ngành giáo dục, nhưng những người thầy trong lĩnh vực thể thao vẫn có hạnh phúc riêng mỗi khi đến ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Ðối với họ, hạnh phúc rất đơn giản, bình dị, thầm lặng giống như cái nghề họ đã chọn.

Hạnh phúc khi được làm nghề giáo

Hơn 11 năm công tác trong nghề, cô Nguyễn Thanh Mai, giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn, Phường 9, TP Cà Mau, luôn được đồng nghiệp quý mến, lãnh đạo tin tưởng, học sinh vâng lời. Bản thân cô Nguyễn Thanh Mai luôn nỗ lực phấn đấu, tận tâm, trách nhiệm, hết lòng vì sự nghiệp trồng người.

Lan toả niềm đam mê tiếng Anh

Chung đam mê tiếng Anh và mong muốn lan toả niềm đam mê với bộ môn này, cũng như giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn có thể học tốt tiếng Anh, dự án "Người yêu Anh" được ra đời và nhóm học sinh tại Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển đã sắm vai "người thầy", đưa kiến thức tiếng Anh hữu ích đến với các bạn.

Niềm vui trường đạt chuẩn mức độ 2

Xác định xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) TP Cà Mau đã đẩy mạnh đầu tư công tác này. Thành phố hiện có 53 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, Trường THCS Phan Bội Châu (Phường 4) là trường đầu tiên ở cấp THCS trên địa bàn thành phố đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Ðưa âm nhạc vào thể dục giữa giờ

Tập thể dục giữa giờ trong trường học là hoạt động quan trọng, không chỉ rèn luyện sức khoẻ mà còn giúp học sinh giải trí, thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Ðể định hình thói quen này cho học sinh, đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học xã Hàng Vịnh đã tạo điều kiện cho các em học sinh có những giây phút tập thể dục giữa giờ đầy vui tươi, sôi nổi.

Những người thầy đặc biệt

Không qua trường lớp sư phạm, không được đào tạo chính quy về nghiệp vụ, những lớp học không có bụi phấn, không có ngày lễ 20/11... nhưng những thầy giáo ấy vẫn đang ngày đêm gieo mầm xanh của niềm tin và hy vọng, thắp sáng con đường trở về nẻo thiện của những mảnh đời lầm lỡ. Ðó là câu chuyện về những người truyền nghề, dạy nghề ở Cơ sở Cai nghiện ma tuý (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).