(CMO) Sáng ngày 18/5, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Tham dự hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân và Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nguyễn Quốc Bảo cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.
NHCSXH cho biết, năm 2022, thực hiện cho vay ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là 19.000 tỷ đồng.
Theo đó, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 7.000 tỷ đồng. Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội là 6.800 tỷ đồng. Cho vay đối với học sinh, sinh viên (HSSV) để mua máy, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập là 1.500 tỷ đồng. Cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là 3.000 tỷ đồng. Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch là 700 tỷ đồng. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được NHCSXH giải ngân trong giai đoạn 2022-2023, tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng.
Căn cứ nhu cầu các địa phương, NHCSXH đã kịp thời phân giao chỉ tiêu kế hoạch từng chương trình tín dụng chính sách để các địa phương triển khai thực hiện chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 2.319 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 2.033 tỷ đồng, với gần 40.000 khách hàng; cho HSSV vay để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 146 tỷ đồng, với 12.554 khách hàng; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở là 140 tỷ đồng, với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 320 triệu đồng, với 4 khách hàng.
Trong thời gian từ ngày 27/4 đến nay, vốn vay từ các chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giúp hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 40.000 lao động; trang bị hơn 16.000 máy tính, trang thiết bị phục vụ học tập cho HSSV các cấp học; xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa 794 căn nhà ở; hỗ trợ 4 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phục hồi hoạt động sau đại dịch Covid-19.
Riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đến ngày 16/5, NHCSXH tỉnh đã thực hiện giải ngân cho 766 khách hàng vay vốn với số tiền trên 27,6 tỷ đồng. Trong đó, cho 715 khách hàng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm với số tiền 27 tỷ đồng; cho HSSV vay mua máy tính là 50 khách hàng, số tiền 500 triệu đồng; 1 khách hàng vay vốn nhà ở xã hội với số tiền 180 triệu đồng.
Năm 2022, nguồn vốn chính sách cho vay đối với học sinh, sinh viên mua máy, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập là 1.500 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao việc NHCSXH triển khai thực hiện Nghị quyết 11, sự thống nhất, đồng thuận giữa lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng lưu ý, NHCSXH và các Bộ, ngành tăng cường tinh thần trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện chính sách; cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; phối hợp triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng vốn theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Nhân dân nắm bắt, thụ hưởng chính sách một cách công bằng.
Các địa phương cần sớm hoàn thành việc rà soát, xác định nhu cầu vốn vay, làm cơ sở cho NHCSXH tổ chức giải ngân. Việc triển khai hỗ trợ cho vay phải chính xác, cụ thể, đáp ứng đúng nhu cầu đối tượng được thụ hưởng. Khi được phê duyệt cấp vốn thì ngân hàng phân bổ nguồn vốn hài hòa giữa các vùng, miền, địa phương để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi có hiệu quả…
Thanh Phương