ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-4-25 21:54:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

2 án tử dành cho nhóm ngư phủ giết người

Báo Cà Mau (CMO) Ngày 29/6, Toà án Nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức phiên toà xét xử hình sự sơ thẩm đối với nhóm ngư phủ giết người và cướp tài sản. Vụ việc xảy ra vào cuối tháng 3/2021, khi ghe khai thác thuỷ sản đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển Cà Mau.

Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau công bố cáo trạng.

Theo cáo trạng, đầu tháng 2/2021, ghe có biển số BT-97759TS do tài công Nguyễn Văn T điều khiển, trên ghe có các ngư phủ: Lê Văn Điền, Nguyễn Hoài Nhớ, Nguyễn Văn Hải, Trương Hoàng Chí, Nguyễn Văn Hùng, Lê Văn Vồ, Trịnh Văn Lặt, Dương Thanh Tươi và Phạm Văn Sơn; ghe biển số BT-97892TS do ông Nguyễn Hồng Quan điều khiển; cả hai ghe cùng xuất hành tại cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) ra khơi hoạt động đánh bắt thuỷ sản.

 

Quá trình hoạt động trên biển, các ngư phủ trên ghe BT-97759TS thường xuyên bị tài công T mắng chửi, bắt làm việc liên tục, thời gian nghỉ ngơi ít…

 

Sau hơn 1 tháng khai thác, cuối tháng 3/2021 hai ghe biển nói trên có bán cá cho ghe thu mua ngoài khơi và được ông chủ hậu cần nghề cá tặng cho 2 thùng bia và 3 lít rượu để uống.

 

Ngay lập tức, Điền, Nhớ, Hùng, Hải, Tươi bày bia uống, nhưng mỗi người chỉ mới uống được vài lon bia thì bị T chửi, không cho uống tiếp, nhóm nhậu giải tán đi lên cabin ngủ.

 

Đến khoảng chiều ngày 26/3/2021, Nhớ, Điền, Chí, Hải, Tươi và Hùng tiếp tục tổ chức uống bia phía sau lái ghe, sau đó Hùng và Tươi nghỉ uống, đi ngủ trước; còn lại Nhớ, Điền, Chí và Hải tiếp tục uống bia và bàn kế hoạch giết chết tài công T để thoả những bức xúc đang đè nén.

 

Nhớ vào cabin lấy 4 cây dao Thái Lan (loại dao cán vàng) đưa cho mỗi người một cây, riêng Hải đi đến bếp nấu ăn lấy thêm 1 cây dao (hai tay cầm 2 cây dao). Quyết tâm thực hiện ý định giết người, Điền kêu Nhớ rủ thêm các ngư phủ cùng tham gia. Và, Nhớ kêu Hải đi gọi Hùng nhưng Hùng không thức. Lúc này, Tươi từ cabin đi ra sau lái ghe để vệ sinh thì gặp Điền, Điền rủ Tươi cùng tham gia nhưng Tươi không đồng ý thì Điền và Nhớ kề dao vào cổ Tươi, hăm doạ: “Mày không giết thì tao giết mày trước, giết thằng T sau”; “Ông không làm, tôi giết ông trước”… Hoảng sợ nên Tươi đồng ý đi theo nhóm này đến buồng lái.

 

Lúc này tài công T đang nằm ngủ, hai lần Điền ra dấu hiệu kêu cả nhóm cùng xông vào đâm T nhưng không ai đâm nên Điền đã “tiên phong” đâm một nhát dao vào người T, T bật ngồi dậy đạp trúng Điền. Tiếp theo, Nhớ, Hải, Chí cùng xông vào đâm trúng nhiều nhát vào người T làm cho T té nằm sấp dưới sàn buồng lái. Nhớ tiếp tục dùng dao cắt vào vùng cổ T.

 

Thấy nạn nhân nằm bất động, cả nhóm ném bỏ hung khí gây án xuống biển. Sau đó, Điền kêu Hùng, Lặt, Sơn thức dậy và thông tin: “Thằng T nó chửi tụi tao, tao giết nó rồi, mày không liên quan thì đi chỗ khác”. Tiếp theo, Điền kêu Vồ đề máy nhưng đừng nẹt pô, kêu Hải, Tươi cắt dây neo mũi ghe, Nhớ cắt dây lái ghe (nối với ghe BT-97892TS) và Điền điều khiển ghe BT-97759TS chạy vào đất liền.

 

Tuy nhiên, bị ghe BT-97892TS do tài công Q điều khiển truy đuổi, Điền phân công các đồng phạm ném xác thi thể tài công T xuống biển, gỡ máy định vị, thả 2 miệng lưới cào, dây, đũa cào (dụng cụ đánh bắt) xuống biển để cản đường ghe BT-97892TS… Đồng thời, Điền điều khiển ghe BT-97759TS quay đầu đi về hướng vùng biển tiếp giáp với Malaysia.

 

Thoát được sự truy đuổi, Điền rồi kêu Nhớ, Hùng, Chí, Vồ vào buồng lái tìm kiến, lấy được số tiền 6,8 triệu đồng và 1 điện thoại của tài công T. Sau đó, cả nhóm đã tháo gỡ các thiết bị định vị toàn cầu, máy định vị bỏ vào bọc nilon ống kính, máy bộ đàm… rồi họp bàn kế hoạch lẩn trốn.

 

Rạng sáng ngày 29/3/2021, Điền điều khiển ghe BT-97759TS đến neo đậu tại vùng biển Lại Sơn (thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách đất liền khoảng 2 hải lý) và gọi điện cho bạn ở xã Nam Thái A (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) ra chở người và các đồ vật lấy được trên ghe vào đất liền.

 

Khoảng 8 giờ cùng ngày thì cả nhóm đã đến được nhà của bạn Điền. Lúc này, Lặt, Tươi và Sơn đòi về trước nên Điền lấy số tiền 6,8 triệu đồng chia cho Vồ, Tươi, Sơn mỗi người 1,5 triệu đồng, Lặt 1,4 triệu đồng để họ về nhà, phần tiền còn lại Điền cất giữ.

Đến trưa cùng ngày, Điền, Nhớ, Hùng mang 108 kg mực khô lấy được trên ghe BT-97759TS, đến chợ Thứ 7 (thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) bán được hơn 36 triệu đồng. Nhớ lấy 10 triệu đồng chia cho Nhớ, Hải, Chí, Hùng và Điền, mỗi người 2 triệu đồng; còn lại hơn 26 triệu đồng Điền cất giữ để trả tiền đò và sử dụng chung.

 

Trong ngày 29/3, Điền, Nhớ, Hùng, Hải thuê xe taxi về nhà vợ của Điền ở xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) chơi, còn Chí đến tỉnh Bến Tre tiếp tục làm thuê cho ghe biển khác.

 

Lê Văn Điền (thứ 4 hàng đầu từ trái qua) và các đồng phạm tại phiên toà sơ thẩm.

 

Song, do lương tâm cắn rứt, ngày 30/3/2021, Sơn đến Đồn Biên phòng Sông Đốc trình báo vụ việc đã xảy ra. Cùng ngày, Nhớ, Hùng đến Công an thị trấn Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi) đầu thú. Ngày 2/6/2021, Chí ra đầu thú tại Công an xã An Thuỷ (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

 

Tuy các đồng phạm đã đầu thú, thật thà khai báo hành vi phạm tội với cơ quan điều tra, nhưng Điền vẫn quanh co chạy tội…

 

Song, từ lời nhận tội của các bị can, tang vật vụ án được thu giữ và những chứng cứ đã được xác định qua quá trình tra, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau đã quyết định truy tố các bị can: Lê Văn Điền (sinh năm 1986, thường trú xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), Nguyễn Hoài Nhớ (sinh năm 1998, ngụ thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi), Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1992, ngụ xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời), Trương Hoàng Chí (sinh năm 1986, ngụ TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) về tội “Giết người” theo quy định tại điểm e, điểm n, điểm o, Khoản 1, Điều 123 và tội “Cướp tài sản” theo quy định tại điểm đ, Khoản 2, Điều 168 Bộ luật Hình sự.

 

Đối với các bị can: Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 2000, ngụ xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời), Lê Văn Vồ (sinh năm 1983, ngụ xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), Trịnh Văn Lặt (sinh năm 1992, ngụ thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) bị truy tố về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại điểm đ, Khoản 2, Điều 168 Bộ luật Hình sự.

 

Qua 1 ngày xét xử, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, chiều cùng ngày, Hội đồng Xét xử sơ thẩm đã quyết định xử phạt: Lê Văn Điền tử hình về tội “Giết người” và 9 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt chung phải chấp hành là tử hình; Nguyễn Hoài Nhớ tử hình về tội “Giết người” và 8 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt chung phải chấp hành là tử hình; Nguyễn Văn Hải tù chung thân về tội “Giết người” và 8 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt chung phải chấp hành là tù chung thân; Trương Hoàng Chí tù chung thân về tội “Giết người” và 8 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt chung phải chấp hành là tù chung thân; Nguyễn Văn Hùng 7 năm tù và Lê Văn Vồ 7 năm tù về tội “Cướp tài sản”; Trịnh Văn Lặt 5 năm tù về tội “Cướp tài sản”./.

 

 

Mỹ Pha

 

Những chính sách nhân văn hỗ trợ người dân sau dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và mọi mặt đời sống của người dân trên cả nước nói chung và người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng, kinh tế bị tác động, người lao động và người sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn.

Ðưa pháp luật đến với mọi nhà

Thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, bên cạnh các phương tiện truyền thông chính thống, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông nhanh nhất và được đông đảo người dân sử dụng. Tận dụng thế mạnh này, từ đầu năm 2024, Sở Tư pháp đã xây dựng và triển khai mô hình "Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thông qua mô hình “Zalo PBGDPL” trên địa bàn tỉnh, kết nối lực lượng tư pháp với quần chúng Nhân dân". Cách làm này nhằm đưa pháp luật đến với người dân tận ngõ, tận nhà, thực sự mang lại hiệu quả cao.

5 hình thức sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 03/2025/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất.

Ủy ban nhân dân cấp xã được chứng thực các văn bản do nước ngoài cấp

Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

Phối hợp nhịp nhàng trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm 

Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các cơ quan được giao chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP.

Chính sách phát triển lĩnh vực xuất bản

Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hoá, tư tưởng phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương. Vì vậy, Nhà nước đã đề ra các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ trong lĩnh vực xuất bản, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản hoạt động và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Còn nhiều vướng mắc trong quản lý bán hàng trên mạng

Theo quy định pháp luật đối với người kinh doanh thực phẩm online, có một số điểm đặc biệt phải theo các quy định tại: Khoản 1, Điều 22 Luật an toàn thực phẩm: Ngành thực phẩm online thường phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sản phẩm được giao là an toàn cho người tiêu dùng.

Cần quan tâm hơn đến việc bảo quản nông sản sau thu hoạch, chế biến

Bảo quản và chế biến nông sản là một bước quan trọng nhằm tiến tới mục tiêu đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản và sức cạnh tranh. Do đó, việc nâng cao năng lực sơ chế, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông lâm thuỷ sản theo các quy định đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường,…thời gian qua được các nhà máy xí nghiệp và các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.

Tăng cường công tác bảo vệ an toàn thực phẩm

Từ đầu năm đến nay, Đội thanh tra chuyên ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng thanh kiểm tra phát hiện 201 vụ vi phạm trong các lĩnh vực kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; an toàn thực phẩm thuỷ sản và chống đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu thuỷ sản, kinh doanh mua bán vật tư nông nghiệp, thuốc, thuỷ sản…, tịch thu tang vật và xử lý thu nộp ngân sách gần 3 tỷ đồng.

"Siết chặt tay" quản lý hoạt động thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh mua bán trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẻ hoạt động này trên môi trường điện tử đòi hòi sự phối hợp, chung tay của nhiều ngành, đơn vị, để góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trên môi trường mạng.