(CMO) Từ 3 chương trình tín dụng được thực hiện khi mới thành lập, đến nay, sau 20 năm đi vào hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Cà Mau đang triển khai 21 chương trình tín dụng chính sách, với hơn 716.700 lượt khách hàng được vay vốn. Qua 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002 về thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Thấu hiểu lòng dân
Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ Nhân dân”, hiện nay, mạng lưới hoạt động của NHCSXH tỉnh Cà Mau đã được triển khai rộng khắp các địa phương trong tỉnh, với 100 điểm giao dịch cố định hàng tháng hoạt động tại 101 xã, phường, thị trấn; thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên 2.570 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các ấp, khóm.
Mạng lưới TK&VV được thành lập tại các ấp, khóm có vai trò quan trọng trong hoạt động của NHCSXH, là cánh tay nối dài của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Từ đó, góp phần tuyên truyền và chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng được thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội cũng như đảm bảo an toàn và sử dụng vốn đúng mục đích, thông qua khâu kiểm tra, giám sát ngay tại từng địa bàn dân cư.
Ðể đảm bảo hoạt động giao dịch hiệu quả, mỗi điểm giao dịch sẽ giao dịch vào 1 ngày cố định. Khi đó nhân viên NHCSXH tỉnh hay phòng giao dịch NHCSXH các huyện sẽ di chuyển các thiết bị đến điểm giao dịch như một “ngân hàng di động” để tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người dân cũng như các tổ trưởng tổ TK&VV.
Nhân viên ngân hàng vận chuyển các thiết bị phục vụ giao dịch tại xã như một "ngân hàng di động". |
Ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Cà Mau, chia sẻ, đáng phấn khởi là sau 20 năm triển khai trên địa bàn tỉnh Cà Mau, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002 đều phát huy khá hiệu quả. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% ấp, khóm trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Qua đó, trợ lực cho nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, nâng cao thu nhập và từng bước thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Ðồng vốn phát huy hiệu quả
Trong 20 năm qua, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho hơn 716.700 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách; góp phần giúp hơn 356.966 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn (số hộ vượt qua ngưỡng nghèo là 81.566 hộ); giải quyết việc làm cho 64.073 lao động; giúp 44.653 học sinh sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; có 150.339 hộ được vay vốn xây dựng công trình nước sạch và cầu vệ sinh, với tổng số 140.854 công trình (trong đó có 85.713 công trình nước sạch và 55.141 nhà vệ sinh); xây dựng trên 12.259 căn nhà cho người nghèo...
Ðến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh đạt hơn 3.442 tỷ đồng, tăng hơn 3.327 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tăng hơn 29 lần so với khi mới thành lập. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt hơn 2.926 tỷ đồng, tăng hơn 2.826 tỷ đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương thông qua tiền gửi của tổ chức, cá nhân và tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV đạt gần 310 tỷ đồng, tăng 102 lần so với khi mới thành lập; nguồn vốn nhận uỷ thác tại địa phương là hơn 205 tỷ đồng, tăng 16 lần so với khi mới thành lập.
Hiện hơn 126.280 hộ còn dư nợ, bình quân hơn 27 triệu đồng/khách hàng. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm có dư nợ đạt hơn 567 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,5%/tổng dư nợ, với hơn 68.300 lượt khách hàng được vay vốn, góp phần quan trọng giúp hơn 64.000 lao động có việc làm, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, nhằm thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Trước đây cả gia đình ông Nguyễn Công Bằng, Ấp 6, xã Khánh Hội, huyện U Minh đi lao động ngoài tỉnh. Ðược vài năm, cả gia đình quyết định quay về để phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương với sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình ông Nguyễn Công Bằng (giữa) có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, không còn phải đi lao động ngoài tỉnh. |
Ông Nguyễn Công Bằng chia sẻ: "Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình có điều kiện đầu tư trồng màu, cây ăn trái, nuôi cá… Với quyết tâm không để đất trống, cả nhà cùng đồng lòng, người làm cỏ, người tưới nước, người thì đem sản phẩm đi bán. Nhờ vậy đến nay kinh tế gia đình ổn định, đóng lãi vay và gởi tiết kiệm đều mỗi tháng, hy vọng sẽ sớm trả hết vốn đã vay".
Sau 20 năm hoạt động, có thể khẳng định Nghị định 78/2002 là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội./.
Phúc Duy