(CMO) Sáng 7/11, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội (7/11/1981-7/11/2021). Đại lễ diễn ra bằng hình thức trực tuyến, với chủ đề “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam hội nhập và phát triển cùng đất". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện nhiều ban, ngành Trung ương tham dự.
Dự Đại lễ tại điểm cầu Cà Mau có ông Trần Văn Hiện, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh: ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành và đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau. |
Báo cáo thành tựu Phật sự trọng đạo 40 năm hình thành và phát triển, Thượng toạ TS. Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, khẳng định lịch sử 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Trong giai đoạn Lý - Trần, sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập có thể nói là sự thống nhất các hệ phái đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nhu cầu thống nhất Phật giáo 3 miền được đặt ra. Từ ngày 4 đến 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội (Trụ sở Trung ương GHPGVN ngày nay) đại diện lãnh đạo của 9 tổ chức, hệ phái, giáo hội thành viên đã tiến hành hội nghị thống nhất, thành lập GHPGVN.
Tròn 40 năm, GHPGVN trải qua 8 nhiệm kỳ. Hiện tổ chức GHPGVN có 55.000 tăng ni, 18.000 ngôi chùa và tự viện, hàng chục triệu tín đồ Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài. Hội đồng trị sự điều hành 13 ban, viện và 63 ban trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố. Giáo hội quản lý 10 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Trần Văn Hiện, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, trao lẵng hoa của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ VN tỉnh, chúc mừng Đại lễ. |
Tiết mục văn nghệ chào mừng Đại lễ của Đoàn nghệ thuật Khmer Cà Mau. |
Với tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, các thành viên của GHPGVN các cấp, tăng ni và Phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước, lợi dân. Giáo hội hiện có trên 160 tuệ tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân hằng năm. Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xoá đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, tặng xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sĩ, ngư dân biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc..., số liệu tổng kết trong 40 năm qua ước tính gần 20.000 tỷ đồng.
Tham gia xây dựng hệ thống chính trị, Trung ương Giáo hội và ban trị sự Giáo hội các tỉnh, thành đã giới thiệu tăng ni, Phật tử tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp qua các nhiệm kỳ.
GHPGVN đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, từ cuối năm 2019 đến nay, Trung ương Giáo hội và GHPGVN các cấp, tăng ni, phật tử đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch như: Tham gia tuyến đầu phòng chống dịch, đóng góp vào quỹ vắc xin, hỗ trợ đồng bào vùng dịch, phong toả, cách ly…
Hoà thượng Thạch Hà, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau, cùng các thành viên trong Ban trị sự hỗ trợ lương thực, nông sản cho các khu vực phong toả. |
Phát biểu thông điệp Đại lễ, Hoà thượng Thích Trí Quảng, đại diện Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, GHPGVN, bày tỏ tình cảm sâu sắc và tri ân đến các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức trong nước và bạn bè quốc tế, các tầng lớp nhân dân đã và đang quan tâm giúp đỡ, động viên chia sẻ các hoạt động Phật sự của GHPGVN trong và ngoài nước trong suốt 40 năm qua. Giáo hội coi đây là nguồn động viên khích lệ to lớn để tăng ni, Phật tử và tổ chức Giáo hội các cấp hoàn thành tốt mọi Phật sự ích đạo lợi đời, góp phần xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Định hướng phát triển trong giai đoạn đổi mới, Giáo hội không ngừng trau dồi giới đức của tăng ni, sự trong sáng của đạo pháp và hình ảnh tốt đẹp của Giáo hội. Thành lập các trường tư thục Phật giáo theo tinh thần của Luật tôn giáo, đem tinh hoa của Giáo dục Phật giáo tham gia vào giáo dục quốc dân. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của dân tộc, trong đó có di sản văn hoá Phật giáo, thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển. Không ngừng kêu gọi tăng ni tham gia vào từ thiện xã hội mang tính thiết thực và hiệu quả, góp phần tích cực sự nghiệp xoá đói giảm nghèo. Trước mắt là tập trung tổ chức thành công Đại hội Phật giáo cấp cơ sở năm 2021 tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc khoá IX (2021-2022), làm nền tảng vững chắc phát triển GHPGVN trong giai đoạn mới.
Phát biểu chúc mừng và ghi nhận những đóng góp to lớn của GHPGVN, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn và đặt nhiều niềm tin vào Giáo hội cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; phát huy sức mạnh của tôn giáo, của tín ngưỡng, của văn hóa để phát triển đất nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa đồng bào Phật giáo ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung giáo hội; thực hiện đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và nhân dân cả nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng.
Dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng GHPGVN./.
Mộng Thường