ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 07:10:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai..."

Báo Cà Mau (CMO) Chúng tôi hẹn gặp Bác sĩ Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Người tâm thần tỉnh Cà Mau vào một trưa nắng với lời bỏ ngỏ: "Em muốn viết đôi phần về anh vì đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng". Đáp lại câu nói là giọng cười hiền khiêm tốn: "Sẽ giới thiệu cho các em những nhân vật khác nhé, còn phần anh chẳng có gì để viết đâu. Mình làm công tác xã hội mà, miễn sao tròn trách nhiệm là thấy vui và coi đó là sự nhận lại rồi...".

Nói thì nói vậy, nhưng chỉ sau một vài câu chào hỏi xã giao cùng những câu chuyện được chắp nối, ánh mắt anh chợt sáng lên khi nhắc đến trung tâm -nơi anh đã gắn bó suốt một quãng thời gian dài và từ lâu đã trở thành gia đình với nhiều hoạt động ý nghĩa, nhân văn.

Anh tỉ mỉ giới thiệu từng khu vực chức năng của các khoa, phòng. Nhìn cách anh ân cần khi tiếp xúc những số phận không may trót mang bệnh lý "tâm thần" làm chúng tôi không khỏi bồi hồi. Vị giám đốc này chẳng khác chi người anh, người bạn đồng hành đối với những mảnh đời kém may mắn nơi đây từ rất lâu rồi.

Bác sĩ Nguyễn Văn Biên luôn dành cho các bệnh nhân một tình cảm đặc biệt của người anh, người bạn đồng hành suốt nhiều năm qua.

"Cuộc đời tôi nghĩ lại thật lạ, đi đâu cũng là người tiên phong", anh bắt đầu chia sẻ đôi chút về mình bằng câu nói buông lơi. 

Vào nghề năm 1982, chàng thanh niên quê Nam Định mang nhiều khát vọng về đầu quân lần lượt tại Bệnh viện Đa khoa huyện U Minh và Trạm Y tế xã Khánh An. Đồng lương ít ỏi cộng với những khó khăn thiếu thốn tại các nơi công tác thời đó không ít lần thử thách đam mê. Nhưng chính nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh luôn dặn lòng phải cố gắng trau dồi chuyên môn, y đức để xứng đáng là một thầy thuốc giỏi, phục vụ tốt cho bà con quê nghèo.

Năm 2003, khi Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần tỉnh Cà Mau được thành lập, như một cơ duyên, Bác sĩ Nguyễn Văn Biên nhận được lời mời về công tác với vị trí giám đốc. Anh sẵn sàng gật đầu với suy nghĩ đơn giản: "Nơi đâu cũng là cống hiến, dù ở lĩnh vực nào mình cũng đều có thể chăm sóc sức khoẻ người bệnh". Chính từ lựa chọn này đã mở ra một bước ngoặt mới không ít thử thách nhưng cũng có rất nhiều những kỷ niệm thật đẹp.

Ký ức về những ngày đầu cứ như mạch cảm xúc ùa về trong câu chuyện của anh. Ngày khánh thành, trung tâm chỉ có vỏn vẹn 10 bệnh nhân được đưa vào, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân sự lại ít nên hầu như mọi công việc anh đều nắm vai trò người… tiên phong. Một trong những điều làm cho ý chí tân giám đốc khi ấy có phần lung lay đó chính là thường xuyên nhận được sự ái ngại và cái nhìn dè dặt của những người xung quanh khi nghe đến cái tên của nơi mình công tác.

Anh tâm sự: "Đến nỗi bà xã tôi khi ai hỏi nơi làm việc của chồng cứ nói mé mé là gần trung tâm cai nghiện chứ không dám nói thẳng, giờ nghĩ lại thấy thương hết sức!".

Anh cho biết, việc khám chữa bệnh cho các đối tượng tâm thần những ngày đầu là bài toán nan giải, phần vì đường sá xa xôi lại khó lưu thông, không có xe riêng của cơ quan nên buộc lòng phải tự mua thuốc (thông qua sự đồng ý của Sở Y tế) về và tự tay tiêm cho các bệnh nhân. Kiến thức của một bác sĩ chuyên khoa nội tổng quát cùng kinh nghiệm dày dặn trên 20 năm công tác trong ngành y dường như vẫn chưa đủ để phục vụ chăm sóc cho các bệnh nhân đặc biệt này, đòi hỏi anh phải ra sức mày mò học hỏi, nghiên cứu nhiều tài liệu chuyên sâu nhằm tìm ra các phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Có những trường hợp mới vào trung tâm, nặng đến nỗi mất nhận thức hoàn toàn, phải dùng biện pháp cưỡng chế. Tình trạng các đối tượng vì quá stress dẫn đến tự tử cứ diễn ra thường xuyên, nhưng rồi bằng sự nỗ lực cùng những biện pháp can thiệp kịp thời, không hề có bất cứ hậu quả xấu nào xảy ra, mọi sinh hoạt của bệnh nhân dần đi vào khuôn khổ. Đối với anh đó là những "quả ngọt", những niềm vui không chỉ của riêng bản thân mà là công sức của cả tập thể đã cùng nhau đi qua những ngày gian khó.

"Theo thời gian, lượng bệnh nhân được đưa vào trung tâm ngày một đông hơn, đến hiện tại đã hơn 270 người. Cơ sở vật chất được nâng lên không ngừng, xe ô-tô dùng để vận chuyển bệnh nhân trong mơ ước rồi cũng thành hiện thực. Chính sự chung tay góp sức của xã hội đã làm cho những người công tác nơi đây thấy ấm lòng...", vị giám đốc trung tâm vui mừng chia sẻ.

Gắn bó lâu dài với việc nuôi dưỡng và chăm sóc bệnh nhân tâm thần trong suốt thời gian dài, anh thấu hiểu được những nỗi đau mà bệnh nhân hằng ngày phải trải qua. Bằng tấm lòng của một lương y, anh đã dành cho người bệnh tất cả tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ của mình, chỉ mong bệnh nhân mau chóng phục hồi sức khoẻ. Có rất nhiều bệnh nhân tâm thần mang bệnh ngặt nghèo như ung thư, lao... đến giai đoạn cuối bệnh viện trả về, anh vẫn luôn động viên nhân viên chịu trách nhiệm chăm sóc phải coi như người thân của mình.

Bác sĩ Nguyễn Văn Biên chia sẻ: “Chẳng may người ta mắc bệnh hiểm nghèo, căn bệnh nội sinh này không thể điều trị hết hẳn được nên các phương pháp chỉ là làm sao để gia tăng chất lượng cuộc sống, không nên kỳ thị, phân biệt đối xử với họ mà phải chăm lo và cố gắng hết mình”.

Chính những hành động ân cần và sự tận tâm, anh đã nhận được sự tin tưởng đặc biệt từ các bệnh nhân. Họ cảm nhận được tình yêu thương, sự bao bọc, an toàn mà nơi này đã mang lại. “Vì mang căn bệnh tâm thần trong người nên lúc được trở về nhà đoàn tụ với gia đình, tôi lại bị mọi người xung quanh kỳ thị, không có được sự thoải mái và niềm vui như ở trung tâm”, đó là lời tâm sự rất thật của một vài bệnh nhân thuộc dạng tâm thần nhẹ.

Với cương vị giám đốc, ngoài thực hiện tốt công việc chuyên môn, trong công tác quản lý Bác sĩ Biên luôn được mọi người quý trọng bởi anh luôn biết cách tạo không khí làm việc thoải mái, gần gũi cho đồng nghiệp của mình. Những lời thăm hỏi, động viên tinh thần tuy giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng biết bao tình cảm, chính điều đó đã trở thành động lực lớn để mọi người có nghị lực vươn lên trong công việc.

Những câu chuyện về đời và nghề cứ lần lượt nối tiếp, gửi theo đó những kỷ niệm buồn, vui lẫn biết bao suy tư trăn trở. Tiễn chân chúng tôi ra về khi  xa xa phía sau tiếng hát ca vui đùa cùng những lời í ới xôn xao của những bệnh nhân như thể muốn níu chân khách đến thăm. Hình ảnh vị giám đốc giàu nhiệt tâm, lòng nhân ái và trách nhiệm có dáng người nhỏ nhắn cùng nụ cười tươi chợt hiện lên thật đẹp dưới cái nắng chiều hè oi bức./.

Hơn 35 năm miệt mài cống hiến cho lĩnh vực y tế cũng như công tác xã hội của tỉnh nhà, Bác sĩ Nguyễn Văn Biên vinh dự được tặng bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vào năm 2010, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2013.

Trần Hoàng Phúc - Mĩ Miều 

(*) Lời bài hát "Một đời người, một rừng cây” của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn

Cập nhật các vấn đề thiết yếu trong bệnh lý tim mạch và siêu âm

Chiều 14/9, Phòng khám Đa khoa Thành Lợi phối hợp với Viện Tim mạch TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo cập nhật các vấn đề thiết yếu trong bệnh lý tim mạch và siêu âm.

Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững

Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ của mỗi con người, đặc biệt là trẻ em.

Ðiểm sáng công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình

Với sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, thời gian qua, Phòng khám Ða khoa khu vực xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ), tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng dân số ở địa phương.

Kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh trung thu tại TP Cà Mau

Sáng nay (5/9), theo kế hoạch đã đề ra, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024 có buổi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên toàn địa bàn TP Cà Mau.

Nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số người tử vong do tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong và xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Chọn lựa và bảo quản thực phẩm đúng cách

Thực phẩm luôn được xem là một trong những thứ thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của mọi gia đình. Khi mức sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về thực phẩm sạch, nhất là đối với những loại thực phẩm tươi sống càng cấp thiết hơn. Tuy nhiên, cách chọn lựa và bảo quản thực phẩm như thế nào vừa để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vừa an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến và sử dụng, đòi hỏi người tiêu dùng cần có những kỹ năng cơ bản.   

Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết trung thu 2024

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho mọi người, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết trung thu 2024. Nội dung chính của kế hoạch gồm công tác tuyên truyền và công tác kiểm tra.

Bệnh ung thư và gánh nặng tài chính

Ung thư không những là nỗi ám ảnh từ sự đau đớn về thể xác, tinh thần, tuổi thọ của người bệnh mà còn là gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình bệnh nhân. Bởi thực tế cho thấy, có rất nhiều loại thuốc đặc trị ung thư không nằm trong danh mục được thanh toán theo chế độ của bảo hiểm y tế hiện nay.

Không để lây lan dịch bệnh trong trường học

Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và các bệnh dù có vắc xin phòng bệnh ở trẻ nhưng có thể quay trở lại. Ðể chủ động kiểm soát các loại dịch bệnh truyền nhiễm có thể lây lan trong trường học và bảo vệ sức khoẻ học sinh, trước khi bước vào năm học mới, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Nơi ánh đèn không bao giờ tắt

Đó là Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, nơi các y, bác sĩ, thiết bị y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng, tất cả vì cuộc đua giành lấy sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.