ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 27-7-24 21:30:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ăn Tết miền Tây

Báo Cà Mau (CMO) Trong những ngày năm hết Tết đến, danh hài Tấn Beo bồi hồi nhớ về không khí chạy show diễn ngày xưa ở các tỉnh miền Tây. Thời đó, anh được đón xuân với chính những khán giả của mình ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, say sưa biểu diễn phục vụ bà con với những màn tấu hài rộn ràng, nhộn nhịp hơn cả tiếng pháo vang.

Danh hài Tấn Beo mong mỏi tấu hài được sống lại như ngày xưa. Ảnh: HỒNG THẮM

- Nói tới anh Tấn Beo, nhớ lại giai đoạn hoàng kim của tấu hài, có lúc nào anh ngồi nhớ lại những kỷ niệm về Tết đi biểu diễn ở xa có khán giả mong ngóng?

Danh hài Tấn Beo: Không phải riêng tôi, tất cả anh chị nghệ sĩ chỉ mong ngày Tết. Trước tiên, chúng tôi có thể gặp nhau đầu năm, tay bắt mặt mừng, chúc nhau lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới. Tiếp đó là được phục vụ khán giả. Vào những năm tấu hài còn thịnh, cứ mỗi sáng, anh em lại hào hứng ăn sáng cùng nhau, cùng chuẩn bị tươm tất, chỉnh tề xuất quân ra đường, đến tối mịt mới về. Thời điểm đó, dù là Tết nhưng chúng tôi không còn biết nhà cửa, không nhớ phải ăn Tết ra làm sao, cứ bước ra xe chạy tới khuya là xong một ngày.

Lúc trước, khán giả rất thích hài. Ðến những sân khấu xem chương trình tạp kỹ, 8 giờ sáng đã diễn, người dân đến tụ điểm như Công viên Ðầm Sen, Suối Tiên phải chen chúc rộn ràng như ngày hội. Khi tôi đến, khán giả phát hiện, lời qua tiếng lại hỏi thăm nghe mà phấn khởi. Từ Sài Gòn đến Chợ Lớn, ghé đâu cũng hát được, chỗ nào có điểm hát là lao vô. Ngày xưa làm gì có quảng cáo rầm rộ như bây giờ, xe phóng thanh đi rao và treo biển tại chỗ thôi. Vậy mà khán giả nườm nượp. Vui chỗ đó, nghệ sĩ nào chạy về tới đó vô hát, hát rồi đi, không cần biết lương, cứ người này đi người khác tới, mới kịp. Thời điểm thịnh vượng, một ngày tôi diễn mười mấy chương trình từ sáng đến kết thúc, đi không biết mệt. Có khi vào tụ điểm, tôi chỉ kịp ngồi ngã ra chợp mắt lấy lại sức một chút, đến khi MC gọi, tôi giật mình ra diễn. Khi diễn về, tất cả anh em nghệ sĩ đều quây quần bên nhau, ăn uống chung và chúng tôi mới bắt đầu chúc Tết, lì xì đồng nghiệp, chúc nhau may mắn.

Nghệ sĩ Tấn Beo và em trai - nghệ sĩ Tấn Bo trong một tiết mục tấu hài.  Ảnh: Internet

- Những lần lưu diễn ở miền Tây, anh đón Tết với bà con như thế nào?

Danh hài Tấn Beo: Rất xúc động vì cả năm trời người dân ở đó mới được thấy nghệ sĩ. Như khi tôi diễn ở Cà Mau chẳng hạn. Buổi chiều, tôi phải lên chiếc bobo chạy vào Năm Căn. Cách đây nhiều năm không có đường xe, chỉ có đi tàu. Tôi và má Kim Ngọc dắt díu nhau đi diễn. Hai má con tôi lên chiếc bobo giữ độc quyền cho chúng tôi đi, nghĩ lại cảm thấy sợ vì sông cái lớn quá, bobo chạy cho kịp giờ từ Cà Mau vào khoảng hơn một tiếng rưỡi, tầm hơn 8 giờ tối mới đến điểm diễn. Lúc đó, chúng tôi đâu chỉ hát một điểm, vừa hát điểm này xong xuống kêu bobo qua điểm khác, trời tối đen như mực, bobo chạy ào ào trên sông rộng mênh mông. Lần đầu tiên đi trên sông nước rất vui, nhưng sợ không dám nói chuyện, ngồi làm thinh, chỉ sợ có chuyện gì không biết làm sao. Trong màn đêm, chiếc bobo chơi vơi giữa dòng sông lớn khủng khiếp, đằng trước có vật gì đó, má Kim Ngọc la lên thất thanh. Tôi lấy hết can đảm trấn an má. Tôi tuy là dân miền Tây nhưng không đi thuyền bè nhiều. Ðến điểm diễn, bà con rất mừng, có khi đêm cuối diễn đến ba điểm. Ðiểm đầu sung lắm, nhưng khi chúng tôi hát đến điểm thứ ba thì thấm mệt. Tôi nhìn khán giả mà thương nhiều, mọi người đợi nghệ sĩ mà ngủ gật hết. Tàu vừa cập bến, lên thấy khung cảnh im lặng như không có người. Tôi nghĩ vắng, ai dè vào tới chỗ điểm hát mới biết khán giả thương mình như thế nào. Những em bé, những cô bác lớn tuổi mệt mỏi, nhiều người trải chiếu nằm ngủ. Vừa nghe chúng tôi tới, mọi người giật mình dậy vỗ tay reo mừng. Họ cứ reo lên: “Tấn Beo ơi, tụi tui đợi lâu quá nè”, “Tấn Beo ơi, hát nhiều chút nha”… Nghe mà muốn khóc. Giờ đâu còn cảm giác trân quý đó nữa.

-Có khi nào diễn xong, anh ăn Tết cùng khán giả miền Tây không?

Danh hài Tấn Beo: Có chứ. Những năm trước là tôi và các anh em khác thường xuyên ăn Tết với bà con sau khi diễn xong. Vui lắm, đến nhà nào cũng có cơm, rượu, kẹo bánh, chè xôi đầy đủ. Dưới quê gì cũng thiếu nhưng món ăn dân dã không thiếu. Nghệ sĩ đến sớm được bà con mời vào nhà, châm trà, mời bánh. Khán giả miền Tây thương nghệ sĩ đến mức độ như ruột thịt. Tôi nhớ có lần tôi diễn xong ghé một nhà khán giả ở Cà Mau vì mời quá nhiệt tình. Bà con láng giềng ở gần đó kéo đến sập hàng rào nhà đó làm tôi ái ngại với chủ nhà quá. Mấy cô chú lớn tuổi nhìn tôi rồi ôm, rồi vỗ vai bảo: “Giờ này mới thấy ngoài đời”, “Tấn Beo có một khúc mà thấy cưng”… Tôi được nựng bầm mình bầm mẩy nhưng cươi toe toét vì bà con thương mình mà.

- Thời của anh, nhà nhà, người người rất chào đón, đặc biệt là vào ngày Tết. Nhưng bây giờ tấu hài bị mai một đi. Anh có cảm thấy chạnh lòng không?

Danh hài Tấn Beo: Không phải riêng tôi, nhiều người chạnh lòng, nhưng đó là quy luật, phải chịu, có nói hay góp ý cũng vậy. Mỗi thời điểm khác nhau như cơn sóng lúc trầm lúc bổng. Mình phải chấp nhận và mừng vì văn hoá nghệ thuật càng ngày càng tiến bộ. Cái gì hay phải tiếp tục, phát triển. Ðừng làm quá lố, làm quá khán giả sẽ bội thực. Hiện tại, tôi thấy nhiều chỗ hơi lố và chính khán giả nhận ra điều đó. Họ bắt đầu hoài niệm cái cũ, nhớ về sự chừng mực của nghệ thuật xưa. Hài cũng phải nghệ thuật, có nghệ thuật thì khán giả mới thấm, mới cười. Ðừng hài tào lao, nói nhảm, khán giả coi nản lắm.

- Có rất nhiều nghệ sĩ hài mong mỏi ngày nào đó tấu hài sống lại. Không biết trong lòng anh có nhen nhóm hy vọng đó không?

Danh hài Tấn Beo: Tôi làm nghề vẫn mong điều đó, cái gì trở lại sẽ có chừng mực, không được như xưa nhưng vẫn nằm trong luật lệ, văn hoá đẹp. Tôi vẫn hoài niệm những buổi tấu hài mà cả rạp, cả sân vận động cười rần rần. Thậm chí sau đó, họ còn nhại lại nét diễn của mình.

- Xin cảm ơn anh!

 

Lam Khánh thực hiện

 

NSƯT Kim Tử Long: Mong cải lương trở lại thời hoàng kim

Với vai trò bầu show, người quản lý, NSƯT Kim Tử Long có nhiều cơ hội đầu tư cho vở diễn và quan trọng là tìm kiếm thêm nhiều ngôi sao mới cho cải lương. Ðặc biệt, mong mỏi cải lương có thể trở lại thời hoàng kim.

Cảm nhận cuộc sống tích cực hơn

Quê tỉnh Bình Ðịnh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh, nhưng do trước đây từng có thời gian dài công tác tại Ðà Nẵng, vì làm việc xa nên anh chọn nhiếp ảnh như một thú vui giúp khuây khoả nỗi nhớ nhà, giải toả căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống. Anh là NSNA Trần Hưng Ðạo, sinh năm 1988.

Sức lan toả lớn của giải thưởng sáng tác về chủ đề Học tập và làm theo Bác

Chiều 18/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2023-2024. Lãnh đạo tỉnh dự có đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ghé Thanh Tùng nghe tài tử đờn ca

Ba giờ chiều, quán nước nhỏ ở ấp Cái Ngay của tài tử Hồng Nhanh đã bắt đầu rộn ràng đón những bước chân tìm đến. Nam sơ mi, nữ áo dài, ai cũng tươi rói cho cuộc tạn mặt thanh nhã. Ðằng sau không gian chốc lát nữa là sân khấu, những câu chuyện ríu ran bên khói bếp, chuẩn bị bữa tiệc để thêm thắt chặt thâm tình.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống để cống hiến, sáng tạo

Chiều 13/6, trong không khí ấm áp, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (15/6/1964 - 15/6/2024). Đến dự và phát biểu có đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Văn học nghệ thuật Cà Mau - Hành trình 60 năm không ngừng sáng tạo

Năm 1960, sau Nghị quyết 15 của Trung ương Ðảng, xác định con đường phát triển của cách mạng miền Nam, Tỉnh uỷ Cà Mau ra lời Hiệu triệu kêu gọi Ðồng khởi. Trong khí thế cách mạng dâng trào, Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ chủ trương thành lập Tiểu ban Văn nghệ để trực tiếp lãnh đạo và phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh. Tiểu ban Văn nghệ thành lập Ðoàn Văn công Giải phóng Cà Mau và Tạp chí Lúa Vàng. Ðây chính là mảnh đất ươm mầm và phát hiện, bồi dưỡng cho đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng ở Cà Mau.

Non Khăn Rằn & “Áo Cà Mau có đợi”

Dù công việc chính là phát thanh viên, biên tập viên của Ðài Tiếng nói Việt Nam, nhưng Nguyễn Hữu Nhân lại trót đem lòng say mê âm nhạc. Không chỉ sở hữu chất giọng mộc mạc, truyền cảm, anh còn có khả năng sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca, trữ tình. “Áo Cà Mau có đợi” là một trong những sản phẩm gây chú ý của anh, với biệt danh khá thú vị “Non Khăn Rằn”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Khi lời ca, tiếng hát kết nối trái tim

Ðời sống tinh thần của người khiếm thị khá buồn tẻ, nhiều người chỉ quẩn quanh nhà, tuy nhiên, từ khi tham gia vào câu lạc bộ (CLB) văn nghệ của Hội Người mù tỉnh thì nội tâm họ trở nên phong phú hơn khi được gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ, cùng hoà chung lời ca tiếng hát, đặc biệt là san sẻ những tâm tư, tình cảm với nhau qua sinh hoạt đờn ca tài tử.