(CMO) Trên địa bàn tỉnh hiện có 37 bến khách ngang sông (bến đò và bến phà) được cấp phép hoạt động. Nhiều năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, giáo dục ý thức nên tình hình an toàn giao thông đường thuỷ cải thiện đáng kể, ý thức của chủ bến từng bước được nâng lên.
Phó chủ tịch UBND xã Tắc Vân (TP Cà Mau) Dương Thái Đông Hải cho biết: “Toàn xã hiện có 4 bến khách ngang sông đang hoạt động. Để đảm bảo an toàn tại các bến khách, UBND xã định kỳ kết hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ tiến hành rà soát, kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện thực hiện nghiêm các quy định, thủ tục về an toàn giao thông đường thuỷ. Mặt khác, cử người theo dõi, giám sát, đôn đốc chủ bến, nhờ vậy tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ cơ bản đảm bảo”.
Chở đúng số người quy định để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thuỷ. |
Hộ ông Nguyễn Văn Quới, Ấp 1, xã Tắc Vân, hành nghề lái phà ngang sông hơn 10 năm nay, với tải trọng phà chở mỗi đợt từ 12 khách và 6 xe máy. Bình quân mỗi ngày có hơn 300 lượt khách qua lại.
Vì lưu lượng khách qua lại liên tục, để đảm bảo an toàn cho hành khách, việc tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ được ông Quới đích thân thực hiện, kiểm tra hàng ngày. Ông Quới cho biết: “Trên phà luôn trang bị 12 áo phao cỡ nhỏ, 2 phao lớn, 2 phao tròn, luôn tuân thủ chở đúng số người quy định. Ngoài ra, tôi còn bố trí bình chữa cháy và kèn báo động. Đối với hệ thống máy móc vận hành, cứ 3 tháng tôi tiến hành bảo dưỡng”.
Ông Huỳnh Văn Chơn, Ấp 4, xã Tắc Vân, chia sẻ: “Mỗi tuần ít nhất tôi qua lại bến phà từ 6 lượt (tính cả đi lẫn về). Thấy chủ phà tuân thủ việc niêm yết giá công khai, chở đúng số người quy định nên cũng yên tâm”.
Thực tế đáng lo ngại, do thời gian di chuyển tại các bến khách khá ngắn (từ 5-10 phút) từ điểm xuất phát đến cập bến nên hầu như tâm lý người dân còn chủ quan, đặc biệt là không mặc áo phao...
Bà Trần Thị Đào, Ấp 1, xã Tắc Vân, cho biết: “Tôi thấy trên phà trang bị đầy đủ áo phao đề phòng sự cố, vì phà cũng nhỏ, chở người không nhiều với đa phần đoạn đường ngắn nên không ai mặc áo phao. Mình mặc coi như khác mọi người, mà tôi thấy mặc vào cũng bất tiện, mặc vào cởi ra trong khi đoạn đường đi chỉ tầm 5 phút”.
Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau Lê Thanh Nghị cho biết: “Định kỳ chúng tôi phối hợp với đoàn liên ngành tỉnh đến kiểm tra, nhắc nhở các bến khách trên địa bàn thực hiện ký cam kết về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ. Với các trường hợp như: chở quá số người quy định, không đăng ký đăng kiểm phương tiện, không trang bị phao cứu sinh, cứu đắm, chủ phương tiện không có bằng cấp... sẽ bị xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động khi cần thiết. Bên cạnh đó, bước vào mùa mưa, yêu cầu chủ bến khách xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện và hành khách khi di chuyển”.
Bến khách đóng vai trò rất lớn trong việc giúp người dân, hành khách thuận lợi, rút ngắn khoảng cách di chuyển, đặc biệt đối với những nơi chưa có cầu giao thông hoặc không thể xây cầu còn là phương tiện huyết mạch thông thương. Để siết chặt an toàn, cũng như để các bến khách hoạt động hiệu quả hơn nữa, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Người dân, chủ phương tiện nên tự trang bị kiến thức cho mình bằng cách phối hợp và nghiêm chỉnh thực hiện luật lệ giao thông đường thuỷ khi tham gia giao thông./.
Ngô Nhi