(CMO) An toàn thông tin (ATTT) trong thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số (CĐS) là vấn đề hệ trọng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. ATTT là vấn đề không mới, tuy nhiên, nhận thức và kiến thức của xã hội về tầm quan trọng của nó vẫn còn một số bất cập. Đó cũng là kẽ hở để những kẻ xấu, thế lực đen tối lợi dụng, trục lợi bất chính, thậm chí là len lỏi để thực hiện âm mưu chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước.
Tỉnh Cà Mau vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về ATTT đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Cà Mau” (Kế hoạch), ngày 4/7/2022, tạo ra bước chuyển biến mới trong nhận thức, kiến thức và tầm quan trọng của ATTT.
Ông Nguyễn Văn Đen, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Cà Mau, cho biết, việc ban hành Kế hoạch là để triển khai và tuyên truyền nội dung, giải pháp về ATTT (trong đó có ATTT mạng). Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trong tiến trình thực hiện chiến lược CĐS ở tỉnh, trong đó Sở TT&TT là cơ quan tham mưu và điều phối. Bởi, việc đảm bảo ATTT và ATTT mạng luôn là yêu cầu bức thiết; là điều kiện tiền đề để các tổ chức và doanh nghiệp CĐS thành công.
ATTT là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của các doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0 và xu thế CĐS của xã hội. (Trong ảnh: Vận hành sản xuất tự động hoá bằng hệ thống máy tính tại Nhà máy Đạm Cà Mau). Ảnh: HẢI NGUYÊN |
- Nội dung triển khai Kế hoạch liên quan đến hiểu biết, nhận thức về ATTT vừa ban hành tại Cà Mau có những nội dung gì đáng lưu ý, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đen: Nội dung của Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện các nội dung theo Quyết định số 1907/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm 3 nhóm nhiệm vụ chính.
Nhiệm vụ 1: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và các kỹ năng cơ bản bảo đảm ATTT trên không gian mạng qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội.
Trọng tâm của nhiệm vụ này là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm ATTT; lan truyền những kiến thức, hành động, thông tin tích cực, định hướng thông tin tích cực, định hướng thông tin cho người dùng, tránh ảnh hưởng của thông tin vi phạm pháp luật; kết nối đa kênh, đa nền tảng.
Nhiệm vụ 2: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và các kỹ năng cơ bản đảm bảo an toàn thông tin qua các hệ thống thông tin cơ sở. Cụ thể là thực hiện tuyên truyền theo từng điểm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ mạng hoặc các thiết bị công nghệ thông tin; tại các điểm sử dụng máy tính công cộng, các điểm phủ sóng mạng không dây và truy cập Internet công cộng; trên cơ sở truyền thanh cấp huyện và hệ thống đài truyền thanh cấp xã; các trang thông tin điện tử, mạng nội bộ của các cơ quan, tổ chức Nhà nước.
Nhiệm vụ 3: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng tại các cơ sở giáo dục. Tích hợp, lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh tương tác an toàn trên không gian mạng. Tổ chức các cuộc thi về ATTT, lồng ghép các nội dung ATTT trong các cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tư vấn hướng nghiệp, phân luồng sau trung học cho học sinh (nhất là học sinh lớp 9 và lớp 12) về cơ hội việc làm, tiềm năng, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực ATTT mạng.
Đối tượng học sinh ở Cà Mau sẽ được hỗ trợ nâng cao nhận thức, kiến thức ATTT ngay từ trên ghế nhà trường. (Trong ảnh: Giờ thực hành Tin học tại Trường THCS Phú Tân, xã Phú Tân, huyện Phú Tân). |
- Về phương pháp triển khai, theo ông đâu là những vấn đề cốt lõi nhất để đạt kỳ vọng của kế hoạch này?
Ông Nguyễn Văn Đen: Cùng với cả nước, Cà Mau đang trong giai đoạn CĐS, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn rộng khắp thì các hoạt động đảm bảo an toàn số sẽ luôn gắn liền mật thiết với quá trình này.
Nếu như trước đây, tất cả thông tin, dữ liệu của người dân được sao lưu và dự phòng trong văn bản giấy truyền thống thì khi CĐS diễn ra, mọi thông tin của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều được số hoá và lưu trữ trên những hệ thống phần mềm. Mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp sẽ dựa vào công nghệ, Internet, hạ tầng mạng, phần mềm ứng dụng dịch vụ. Những phát sinh lớn, nhỏ… đều sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động bình thường của tổ chức đó.
Trong giải pháp CĐS, ATTT được xác định là then chốt để CĐS thành công và là vấn đề xuyên suốt, không thể tách rời. Nếu các đơn vị, tổ chức không có chiến lược, không có phương án bảo vệ dữ liệu phù hợp thì nguy cơ về mất ATTT sẽ khiến họ phải sẽ phải trả giá rất lớn. Do đó, tổ chức doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị về nguồn lực, về kỹ thuật, về con người để bảo vệ thông tin, dữ liệu, đồng thời sẵn sàng ứng phó với các sự cố ATTT xảy ra. Đảm bảo được những điều này sẽ giúp các đơn vị, tổ chức cũng như người dân có niềm tin để tham gia môi trường số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
An toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị là tiền đề tiên quyết để quá trình chuyển đổi số thành công, xây dựng nền hành chính số hiện đại vì mục tiêu phục vụ Nhân dân. (Ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính cho công dân tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau).
- Là cơ quan được phân giao vai trò nòng cốt trong việc triển khai và thực hiện kế hoạch, ông có thể cho biết thêm những công việc, kết quả đạt được của Sở TT&TT trong công tác ATTT trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Văn Đen: Sứ mệnh bảo đảm ATTT mạng cho chương trình CĐS quốc gia đã được trao cho Bộ TT&TT. Theo đó, Cà Mau cùng với các tỉnh, thành trong cả nước có trách nhiệm triển khai có hiệu quả đề án của Thủ tướng, những chương trình, kế hoạch được Bộ TT&TT đề ra nhằm thống nhất, cùng chung tay bảo đảm không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh.
Sở đã và đang triển khai những phần việc như: Triển khai hệ thống giám sát ATTT cho các hệ thống dùng chung đặt tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh và cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc quản lý tập trung cho tất cả máy tính đang sử dụng tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh (3.600 user). Tham mưu UBND tỉnh thành lập Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng, đồng thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ về ứng cứu sự cố ATTT mạng cho Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin (nay là Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh Cà Mau).
Đã thực hiện phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ ATTT cho 5/6 hệ thống thông tin cấp độ 3 (do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt) và 4/9 hệ thống thông tin cấp độ 2 (do Giám đốc Sở TT&TT phê duyệt).
Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề xuất cấp độ cho các hệ thống thông tin chưa phê duyệt, trình cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Phối hợp với Cục ATTT tổ chức các lớp tập huấn về ATTT cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin.
Nguồn dữ liệu - tài sản vô giá của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân phải là nhiệm vụ cốt yếu luôn dành sự tập trung bảo vệ cao nhất và chủ động theo dõi khắc phục vấn đề an ninh mạng. Đây cũng là nguồn tài nguyên mà các tội phạm an ninh mạng nhắm vào. Chính vì vậy, chúng ta cần phải chủ động phòng tránh và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Một trong những biện pháp để phòng tránh thất thoát thông tin và dữ liệu quan trọng là các cơ quan, doanh nghiệp nên lựa chọn những đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số uy tín, có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án CĐS trên thị trường ngay từ khi có dự định triển khai CĐS.
- Xin cảm ơn ông!
Hải Nguyên thực hiện