Trong những năm gần đây, tình trạng bơm nước vào heo trước khi giết mổ thường xuyên diễn ra và ngày một diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát bằng nhiều hình thức nhưng số vụ vi phạm vẫn không giảm và tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn ở mức báo động.
Trong những năm gần đây, tình trạng bơm nước vào heo trước khi giết mổ thường xuyên diễn ra và ngày một diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát bằng nhiều hình thức nhưng số vụ vi phạm vẫn không giảm và tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn ở mức báo động.
Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh vừa có Công văn số 5000/UBND-KT ngày 28/7/2016 về việc phân bổ kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ cấp bổ sung kinh phí ngoài dự toán năm 2016 cho Sở NN&PTNT để thực hiện việc giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng số tiền được cấp là 354 triệu đồng. Với số tiền trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức người tiêu dùng, đồng thời lắp 12 camera giám sát ATVSTP tại các cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn tỉnh.
Khi đề án "vướng" luật
Việc xây lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các địa phương đã được UBND tỉnh quan tâm từ gần 10 năm nay. Và đề án Giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2010-2015 được triển khai thực hiện tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, vì nhiều lý do, cả chủ quan và khách quan, mà đề án ấy đã “chết yểu” trên bàn giấy tại nhiều nơi. Ðề án thứ hai được thay thế là đề án “Giết mổ gia súc tập trung giai đoạn 2013-2020”. Ðến nay, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện thì trong toàn tỉnh chỉ có 4 huyện, thành phố là xây dựng được lò giết mổ gia súc tập trung (Thới Bình, Cái Nước, U Minh và TP Cà Mau).
Trong khi đó, Luật Thú y mới vừa bổ sung khâu chế biến sản phẩm động vật vào quy trình kiểm soát giết mổ, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, xem ra rất bất lợi để tiếp tục xây dựng đề án này. Tại Ðiều 64 của luật đã đưa ra các yêu cầu đối với giết mổ động vật để kinh doanh như: động vật phải khoẻ mạnh; có trong danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ và được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kiểm soát theo quy trình; việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật tập trung; trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kiểm soát theo quy trình; trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung thì việc giết mổ động vật được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y.
Như vậy, căn cứ theo Luật Thú y mới này, thì ngoài TP Cà Mau, các huyện không cần phải xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung nữa; các lò mổ nhỏ lẻ tại các địa phương được phép tồn tại trong sự kiểm soát về vệ sinh thú y tại các địa phương.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy bộc bạch: “Căn cứ vào luật này thì xem như những huyện nào chưa xây dựng lò giết mổ tập trung thì không cần phải xây dựng nữa. Theo đó, chắc chắn một điều rằng sẽ có nhiều lò mổ tập trung bị phá sản vì sự tồn tại của các lò mổ nhỏ lẻ. Và cuộc chiến về quản lý giết mổ sẽ ngày càng gay go hơn”.
![]() |
Tình trạng heo bơm nước vẫn diễn ra phức tạp tại các lò giết mổ tập trung trên địa bàn TP Cà Mau. (Trong ảnh: HTX Giết mổ gia súc Phường 4, TP Cà Mau). |
Yếu kém từ quy hoạch
Qua câu chuyện trên ta dễ dàng nhận thấy một điều rằng, công tác lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn tồn tại nhiều vấn đề yếu kém, chồng chéo và không đáp ứng được nhu cầu thực tế tại các địa phương. Ðã 2 lần xây dựng đề án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhưng vẫn không thể thực hiện được và hậu quả gây ra là các lò giết mổ tập trung thực hiện đúng theo quy hoạch sẽ không có đất sống.
Trở lại với kế hoạch gắn camera ở các lò mổ để giám sát ATVSTP hiện nay, trên địa bàn TP Cà Mau và huyện Thới Bình. Theo kế hoạch được phê duyệt, Sở NN&PTNT tỉnh đang phối hợp với Công an tỉnh lắp đặt 12 camera cho 6/12 lò giết mổ tập trung trên địa bàn. Và với những lò còn lại chưa được lắp đặt camera, nhân viên thú y vẫn tiếp tục đứng trực 24/24.
Như vậy, chỉ với 12 lò giết mổ gia súc trên địa bàn huyện Thới Bình và TP Cà Mau thôi ngành chức năng vừa phải tốn chi phí cho việc lắp đặt camera và cả tiền hỗ trợ bồi dưỡng cho người đứng trực tại các lò giết mổ.
Lý giải vì sao UBND tỉnh đã cấp tiền để lắp đặt camera mà vẫn còn phải đứng trực, ông Nguyễn Thành Huy cho rằng: “Do quá trình xây dựng kế hoạch, ngay từ đầu là xin 12 camera cho 12 lò giết mổ trọng điểm trên địa bàn nhưng lại không tính toán đến độ che phủ của camera, nên đến khi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch và sau khi ngành chức năng bắt đầu lắp đặt thì nhận thấy mỗi lò phải lắp 2 camera thì mới quan sát hết được không gian trong lò. Tiền thì đã phân bổ rồi không thể điều chỉnh được nên giờ chỉ có thể lắp được 6/12 lò (ưu tiên lắp đặt cho những lò có công suất lớn), số còn lại vẫn phải canh bằng mắt thường, dự kiến đến năm 2017 sẽ lắp đặt hết".
Như vậy, với việc ra đời của Luật Thú y mới, cộng với quá trình kiểm tra nghiêm ngặt của lực lượng thú y tại các lò mổ tập trung, chắc rằng sắp tới đây sẽ có rất ít lượng gia súc được đem vào các lò mổ tập trung để mổ. Trái lại, số lượng gia súc mổ tại các lò mổ nhỏ lẻ ở các địa phương sẽ ngày một tăng lên, vấn đề ATVSTP sẽ lại vào một cuộc chiến mới đầy cam go./.
Bài và ảnh: Huệ Như