ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 14:33:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Áo phao - áo của sự sống

Báo Cà Mau (CMO) Sau mỗi vụ tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh kinh hoàng và day dứt khôn nguôi. Gánh nặng vật chất đè lên vai người trong cuộc. Xót xa hơn là những mất mát không gì bù đắp được: con mất cha, vợ mất chồng, mẹ mất con, gia đình mất người thân yêu… Trong tận cùng của sự đau đớn, rất nhiều người phải hối hận thốt lên “giá như…”. Nhưng tất cả đã quá muộn.

Nhìn lên tấm bảng báo cáo các vụ tai nạn giao thông đường thủy trong năm, Trung tá Dương Trường Vinh, Đội trưởng Đội Xử lý phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Cà Mau, nói: “Mỗi ngày vào cơ quan, nhìn lên bảng không thấy có thêm vụ tai nạn đường thuỷ nào là tôi mừng ngày nấy. Tai nạn đường thuỷ chiếm chưa được 1% so với tai nạn giao thông đường bộ nhưng hậu quả để lại thì rất nặng nề. Khi xảy ra tai nạn, hơn 90% trường hợp tử vong do đuối nước”.

Đau đáu hai từ "áo phao"

Trung tá Dương Trường Vinh nhớ như in vụ tai nạn tại cầu Sắc Cò hai năm trước. Vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 24/11/2015, tại ấp Sắc Cò, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, anh Lý Sơn (sinh năm 1997, hộ khẩu thường trú tại Ấp 9, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) điều khiển ca nô máy 115CV của dịch vụ ca nô Hồng Hân (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) chở 8 người, trong đó có anh Đặng Phước Đại (sinh năm 1990, là hướng dẫn viên du lịch tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) và 7 người khách đi du lịch Đất Mũi. Khi đến đoạn sông thuộc ấp Sắc Cò thì ca nô đụng vào chân cầu Sắc Cò.

Vụ tai nạn xảy ra khiến chiếc ca nô lật úp và hư hỏng nặng, 9 người trên ca nô cùng ngã xuống sông. 7 khách du lịch có mặc áo phao nên bị thương và được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Riêng tài công Sơn và hướng dân viên Đại không mặc áo phao nên khi bị chấn thương đã ngạt nước dẫn đến tử vong.

Trẻ em vùng sông nước vẫn là những “tay lái lụa” mà cá bậc phụ huynh chưa lượng được hậu quả khi bất chấp để con em mình điều khiển phương tiện.

Nhà của anh Lý Sơn ở Ấp 9, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. Sau khi anh "ra đi", ngôi nhà vắng hẳn tiếng cười, mớ củi lẫn trấu trước sân, gần chục giạ lúa chưa kịp bỏ hết vào bao. Thắp nén nhang cho đứa cháu ngoại vắn số, bà Nguyễn Thị Út (64 tuổi) kể, anh Lý Sơn không cha, cùng mẹ và anh Hai sống với ông bà ngoại. Học hành dang dở nên từ nhỏ, Lý Sơn lăn lộn với đời để tự lập. Từ chạy xe, chạy đò thuê, đến mùa gặt thì về nhà phụ giúp gia đình. Nhưng đã hai mùa lúa trôi qua, Lý Sơn không còn ra đồng với mẹ và anh Hai nữa.

Bà Út lật từng tấm hình kỷ niệm mà không ngăn được dòng nước mắt: “Phải chi lúc đó thằng Sơn đừng chủ quan, mặc áo phao thì khi xảy ra tai nạn nó đâu có chết. Nó mới đủ 18 tuổi, chưa có bằng lái mà chủ ca nô vẫn kêu chạy. Nó nghỉ học sớm nên muốn tìm việc làm phụ gia đình, không ngờ lại xảy ra sự việc đau lòng như vậy. 2 năm rồi, cũng gần tới ngày giỗ nó…”.

Dù gần 6 năm trôi qua nhưng vợ chồng anh Trần Văn Bén (ấp Đá Bạc B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) vẫn chưa nguôi ngoai trước cái chết thương tâm của hai con do tai nạn giao thông đường thuỷ. Tối 25/12/2011, anh Bén chạy xuồng máy chở vợ và hai con đến đoạn sông Kinh Hòn thì bị một phương tiện khác chạy hướng ngược lại đâm vào. Tai nạn bất ngờ khiến hai con của anh Bén rơi xuống sông và tử vong, nguyên nhân không phải do chấn thương nặng mà do ngạt nước.

Anh Bén nén nỗi đau: “Lúc đó, trời tối nên vợ chồng tôi có mở đèn pin điện thoại, nhưng không có mặc áo phao cho con, chỉ vì chủ quan nên mới xảy ra sự việc đau lòng như vậy. Lúc mất thì đứa con trai lớn mới 9 tuổi, đứa con gái nhỏ mới 18 tháng tuổi. Không gì đau lòng hơn khi vợ chồng tôi mất cùng lúc hai đứa con nhỏ”.

Bây giờ vợ chồng anh đã có thêm hai đứa con, nhưng mất mát, đau thương vẫn còn đó. Nhìn đứa con nhỏ vừa tròn một tuổi, giọng chị Lê Thanh Thuý, vợ anh Bén, chua chát: “Bây giờ đi đâu là vợ chồng tôi tranh thủ về sớm, không đi ban đêm nữa. Lúc nào trên xuồng cũng có áo phao, đèn pin hết”.

Ý thức còn “ngủ quên”

Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông đường thuỷ trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ khiến 4 người chết và 7 người bị thương. Con số này sẽ chưa dừng lại nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời từ ngành chức năng và ý thức của người tham gia giao thông.

Những chuyến đò nặng trĩu nỗi lo tai nạn.

Theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành số 5 trong chuyến tuần tra, kiểm soát tại huyện Ngọc Hiển, chỉ trong thời gian ngắn kiểm tra, lực lượng đã ghi nhận có hơn 30 trường hợp chủ phương tiện không mang theo bất kỳ giấy tờ nào có liên quan. Phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có chứng chỉ lái phương tiện nhưng hằng ngày họ vẫn thản nhiên dùng phương tiện đi lại trên sông, kinh, rạch để mua sắm, làm ăn… Họ bất chấp sự nguy và thường biện giải nhiều lý do để đối phó khi phát hiện có lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Đặc biệt, nhiều phương tiện có trang bị áo phao nhưng lại không đủ số lượng theo phương tiện lúc đăng kiểm. Nguy hiểm hơn là nhiều phương tiện chở theo học sinh nhưng lại không mặc áo phao cho trẻ. Khi lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra, anh Trần Hoàng Lâm (ấp Kiến Vàng, xã Tân Ân) giải thích: “Tôi chạy xuồng chở con ra Rạch Gốc mua đồ chuẩn bị nhập học có 10 phút nên không mặc áo phao cho con. Hồi đó giờ cũng không quan tâm vụ giấy tờ vì chạy xuồng gần gần đây để đi chợ, chở con đi học, thấy cũng không có gì nguy hiểm nên tôi mới không trang bị đầy đủ”.

Nhiều phương tiện thủy không trang bị áo phao khi tham gia giao thông đường thuỷ.

Theo nghị định 132/NĐ/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa, kể từ ngày 1/7/2016, hành khách đi tàu, đò ngang sông không mặc áo phao hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh sẽ bị phạt từ 100.000-200.000 đồng. Song, thực tế cho thấy, chủ phương tiện không quan tâm và nhiều hành khách vẫn chưa có ý thức mặc áo phao để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính họ.

Kiểm chứng một số tuyến phà đưa rước khách tại huyện Ngọc Hiển, đa số các phương tiện này chở quá số người quy định. Trong khi đó, dụng cụ phao cứu sinh đã khá cũ, lại được trang bị theo kiểu “minh hoạ” và không đủ số lượng phao cho hành khách trên phà.

Nếu hành khách không mặc áo phao hoặc trang bị dụng cụ nổi cứu sinh, khi xảy ra sự cố chìm tàu hoặc xảy ra tai nạn giao thông trên sông thì sao? Khi được hỏi thì ông Nguyễn Thanh Nhanh, chủ bến phà điểm trường Tiểu học thị trấn Rạch Gốc, lý giải: “Khách lên phà mặc chưa xong áo phao là qua tới bờ rồi. Áo phao trên phà thì sử dụng chung, nên nhiều người ngại dùng chung, không muốn mặc, hoặc là trời nóng thì mặc áo phao vô đổ mồ hôi, khó chịu lắm. Mà đó giờ cũng chưa thấy phạt khách không mặc áo phao trên phà”.

Trong khi đó, nhiều hành khách trên phà thì cho rằng, họ không biết đến quy định xử phạt. Nếu được phát áo phao sẽ sử dụng, nhưng không thấy ai phát nên cũng không đòi hỏi.

Vô vàn lý do được đưa ra để người dân né tránh việc mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy. Vậy không lẽ không còn cách nào để người dân nhận ra mạng sống của họ đang phụ thuộc vào chiếc áo phao?

Vẫn chưa là quá muộn

Ngọc Hiển là một trong những địa phương có số vụ tai nạn giao thông đường thuỷ nhiều nhất trong tỉnh. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông, khiến 3 người chết. Nguyên nhân tai nạn là do không trang bị đèn vào ban đêm, có nồng độ cồn vượt quá mức quy định và không mặc áo phao khi điều khiển phương tiện.

Mặc áo phao cho trẻ là ươm mầm khỏe mạnh cho thế hệ mai sau.

Trung tá Hà Minh Sang, Trưởng trạm Cảnh sát đường thuỷ Năm Căn, cho biết: “Thời gian qua, mặc dù chưa có vụ tai nạn nào đối với các phương tiện chở học sinh trên địa bàn huyện, nhưng ý thức của người tham gia giao thông rất kém, đặc biệt là khi chạy trên các tuyến sông lớn mà không có bất kỳ dụng cụ áo phao nào cho trẻ. Đó là chưa kể các bến đò, bến khách ngang sông đưa rước học sinh vẫn còn tỏ ra chủ quan, lơ là trong việc thực hiện trang bị và khuyến khích các em mặc áo phao do cho rằng tuyến đường ngang sông quá ngắn. Khi kiểm tra, lực lượng cảnh sát đường thuỷ kiên quyết xử lý các trường hợp này đồng thời tuyên truyền, phổ biến quy định nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người lái phương tiện khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, nhằm tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với các em học sinh”.

Trước tình hình trên, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, Phòng Cảnh sát đường thuỷ và lực lượng Thanh tra kiểm soát lưu động tăng cường tuần tra cả ngày lẫn đêm trên các tuyến sông. Qua đó, kiên quyết xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp với các điểm trường, điểm phà, đò đưa rước học sinh và khách ngang sông để tuyên truyền, phổ biến dưới mọi hình thức.

Đồng thời, kiến nghị với cơ quan chức năng cần đưa quy định bắt buộc mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thuỷ vào Luật Giao thông vận tải đường thuỷ nội địa. Chỉ có như vậy mới dần hình thành thói quen mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.

Mỗi chiếc áo phao chỉ đáng giá vài chục ngàn đồng nhưng nó mang trên mình "sứ mệnh" bảo vệ sự sống của người đi trên phương tiện thuỷ. Giá như đã qua, có quy định bắt buộc mặc áo phao khi đi trên phương tiện thuỷ giống như quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy thì gia đình anh Bén, bà Út và những người khác nữa sẽ không phải gánh chịu nỗi đau mất người thân. Chắc hẳn sẽ có ít đi những gia đình mang chung nỗi đau “mất mát vì tai nạn giao thông khi không mặc áo phao”.
Giá như mọi người hiểu được giá trị ngang bằng mạng sống của chiếc áo phao. Giá như…

Thảo Mơ

Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 86.500 phương tiện thuỷ nội địa đang hoạt động. Trong đó, hơn 60% phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm. Trong 7 tháng đầu năm, qua thực hiện thanh tra kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý hơn 4.500 trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa với số tiền xử phạt gần 2,4 tỷ đồng. Qua phân tích của phòng Cảnh sát đường thuỷ tỉnh Cà Mau, các lỗi vi phạm phổ biến là không có giấy chứng nhận đăng ký hoặc không đăng ký lại phương tiện, không chứng chỉ lái phương tiện, không trang bị dụng cụ an toàn, không đèn tín hiệu, chở người và hàng hoá quá vạch dấu mớn nước an toàn...

 

Theo Trung tá Đoàn Thanh Khải, Phó trưởng phòng Cảnh sát Đường thuỷ Công an tỉnh Cà Mau: “Hầu hết phương tiện gây tai nạn là phương tiện thủy nội địa có công suất vừa và nhỏ, dưới 15 CV (vỏ composite). Nguyên nhân chủ yếu là phương tiện đi đêm không có đèn chiếu sáng, vi phạm nồng độ cồn, vi phạm quy tắc tránh vượt. Khi xảy ra tai nạn, đa số các trường hợp tử vong là không trang bị áo phao. Do nạn nhân bị chấn thương và ngất xỉu tạm thời, nếu không được cứu vớt kịp thời sẽ chết do ngạt nước”.
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Bằng cho biết: “Hiện việc triển khai quy định bắt buộc người tham gia giao thông đường thuỷ mặc áo phao cần nhanh chóng được thực hiện. Khi việc mặc áo phao đã trở thành thói quen thì sẽ không cần đến chế tài xử lý vi phạm. Từ đó, người dân sẽ ý thức được việc mặc áo phao cũng chính là bảo vệ tính mạng của họ, dần trở thành một thói quen trong văn hoá giao thông vùng sông nước”.

 

Ô tô lưu thông giờ cấm gây mất an toàn trước cổng trường

Theo phản ánh của một số người dân Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, hiện nay, tuyến đường Thái Thanh Hoà xuất hiện tình trạng nhiều ô tô, trong đó có cả ô tô tải lưu thông vào giờ cấm. Ðiều này đã gây ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông (ATGT) tại khu vực, nhất là vào giờ cao điểm, phụ huynh đưa đón học sinh tan học tại điểm Trường Tiểu học Ngô Bình An.

Học sinh vi phạm giao thông giảm

Theo đánh giá chung của các cơ quan chức năng, sau hơn 1 tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh, tình hình chấp hành luật giao thông trong học sinh chuyển biến tích cực, nhất là hạn chế tình trạng lỗi vi phạm không đủ điều kiện điều khiển xe máy tham gia giao thông. Từ những kết quả đạt được, các ngành chức năng, các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác này trong những tháng còn lại của năm, với quyết tâm không để xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đối với lứa tuổi học sinh.

Không giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi

Hiện nay, thực trạng học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông diễn ra phổ biến tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh. Ðể giải quyết thực trạng này, ngoài sự phối hợp đồng bộ giữa phụ huynh học sinh (PHHS) và nhà trường thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự giám sát, quản lý chặt con em mình ngay từ gia đình của PHHS, người giám hộ, trong đó có việc không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chở hàng cồng kềnh, nguy cơ tai nạn

Thời gian gần đây, trên các tuyến lộ từ nông thôn đến thành thị, xuất hiện ngày càng nhiều xe máy, xe tự chế chở hàng hoá, vật dụng có kích thước dài vượt quá quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ va quẹt, tai nạn giao thông khó lường.

Tra cứu phạt nguội trước khi đăng kiểm xe cơ giới

Theo Thông tư 30/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, các phương tiện bị “phạt nguội” (vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát) chưa thực hiện việc chấp hành xử phạt vi phạm hành chính sẽ không được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Ðây là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các chủ phương tiện trước khi đăng kiểm xe. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện vẫn chưa nắm rõ quy định này, khi đến hạn đăng kiểm, bị từ chối thì mới vỡ lẽ mình vi phạm.

Cao điểm xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Thực hiện tháng cao điểm xử lý vi phạm giao thông (VPGT) đối với học sinh của Cục Cảnh sát giao thông, trong những ngày vừa qua, lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường nhiều biện pháp quyết liệt xử lý vi phạm đối với đối tượng học sinh tại các điểm trường.

Biển chỉ dẫn giao thông gây… mất an toàn

Ðó là biển chỉ dẫn trước cổng Trường Tiểu học Ðông Hưng 2, ấp Giá Ngự, xã Ðông Hưng.

Siết chặt quản lý vận tải đường bộ

Hiện nay, tổng số xe thuộc các đơn vị đăng ký kinh doanh hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hoá trên địa bàn tỉnh là hơn 3.100 xe, gồm xe buýt, xe tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng, xe trung chuyển và xe tải, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo.

Phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông

Sáng 5/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam tổ chức lễ phát động trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước về việc học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, năm học 2024-2025. Điểm cầu tỉnh Cà Mau được đặt tại Trường THPT Cái Nước (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước).

Dừng, đỗ xe cần đúng luật và văn minh

Hiện nay, tại các khu vực nội thị TP Cà Mau, các loại phương tiện giao thông đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là đối với xe ô tô. Ðiều này đang tạo áp lực lên hạ tầng giao thông, cùng với đó là nhiều vấn đề phát sinh. Trong đó, chuyện đậu, đỗ xe nơi công cộng đã và đang là đề tài nóng, bởi có nhiều chuyện đáng bàn đằng sau vấn đề này.