Bị tật bẩm sinh hai chân, mọi sinh hoạt đều phải có sự đỡ đần của cha mẹ và người thân, nhưng cô học trò nhỏ Âu Kiều Phương (lớp 2A, Trường Tiểu học Vương Nhị Chi, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) vẫn kiên trì đến lớp và có thành tích học tập tốt.
Bị tật bẩm sinh hai chân, mọi sinh hoạt đều phải có sự đỡ đần của cha mẹ và người thân, nhưng cô học trò nhỏ Âu Kiều Phương (lớp 2A, Trường Tiểu học Vương Nhị Chi, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) vẫn kiên trì đến lớp và có thành tích học tập tốt.
“Kiều Phương rất chăm ngoan, lễ phép và nghị lực trong học tập. Những lúc bạn bè chạy nhảy giờ giải lao hay học thể dục ngoài trời, em lặng lẽ ngồi tại bàn học nhìn các bạn vui đùa, thấy thương lắm. Cứ tưởng Kiều Phương sẽ mặc cảm, sẽ từ bỏ, nhưng em đi học rất đều đặn, sức học tốt, nhất là môn Chính tả và Toán”, giáo viên chủ nhiệm Lâm Ngọc Lạnh nhận xét.
Đôi chân tật nguyền, bất tiện trong mọi sinh hoạt, nhưng không cản nổi ý chí nuôi chữ để trở thành cô giáo của Kiều Phương. |
Chăm chú nghe lời giảng của cô, cẩn thận cắt dán biển giao thông cấm xe đi ngược chiều theo hướng dẫn, không may bị rớt chiếc kéo, Kiều Phương cố gập người, một tay với lấy chiếc kéo, một tay bám cạnh bàn để không bị lật úp vì đôi chân đang thòng xuống đất mà không thể chịu lực. Chị Nguyễn Cà Phê (mẹ Kiều Phương) vội bước đến nhặt kéo đưa cho con, mỉm cười an ủi, rồi đứng nép ngoài cửa phòng học.
“Con bé luôn cố làm mọi việc để không phiền sự giúp đỡ của người khác, nhưng quá khó với cháu. Ở nhà bé ngồi suốt trên bộ ván, có lúc bé gắng sức bò xuống đất muốn tự làm gì đó nhưng đôi chân không có sức, vướng víu nên chỉ lê được đoạn là người lấm lem”, chị Cà Phê nói về con mà nghe xót xa. Suốt hai năm học qua, chị phải “đi học” cùng Kiều Phương. Sáng 6 giờ chị bơi xuồng 3 km chở Phương và con trai lớn Âu Văn Khải (hiện học lớp 5 cùng trường) đến lớp. Khải khoẻ mạnh nên không cần mẹ giúp, còn Phương, chị phải ẵm và ở lại suốt buổi học để kịp giúp Phương trong mọi sinh hoạt cá nhân.
Gia cảnh khó khăn, đất đai cầm cố hết, cha Phương làm thuê cho một hãng nước đá ở TP Cà Mau, thu nhập là tiền công sản phẩm được bán ra: 500 đồng/cây nước đá. Sáu ngày, cha Phương mới về một lần đem tiền về cho mẹ em trang trải chi phí gia đình. Ngoài lo cho hai đứa con tuổi ăn tuổi học, chị Cà Phê còn phải coi sóc ông nội Phương mắc bệnh tiền liệt tuyến đã 10 năm và bà nội 85 tuổi, vì vậy cuộc sống gia đình hết sức chật vật. Buổi chiều không đưa con đi học, chị Cà Phê lặn lội kiếm con cá, mớ rau cho bữa cơm gia đình đỡ tốn kém.
“Mẹ ráng ẵm con học hết lớp 10 nghen mẹ!”, chị Cà Phê thuật lại câu nói Kiều Phương mà rưng rưng. Kiều Phương nghĩ, khi học hết lớp 10 sẽ có thể làm cô giáo, có việc làm để cha mẹ không phải nhọc nhằn nữa. Cứ thế, mỗi ngày với Kiều Phương là sự cố gắng và nỗ lực không ngừng để học tốt, đó cũng là niềm vui lớn nhất đối với em.
Tổng Phụ trách Đội Nghiêm Xuân Quân cho biết, Âu Kiều Phương là tấm gương biết vượt lên số phận, nghị lực học tốt. Tháng 10/2015, em được Hội LHTN Việt Nam huyện U Minh tuyên dương trong chương trình “Toả sáng nghị lực Việt”. Đây là động lực để em vươn lên học tập tốt trong năm học mới./.
Bài và ảnh: Băng Thanh