TP Cà Mau đang hoàn thiện hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị đạt các tiêu chí của đô thị loại 2 và tiến tới đô thị loại 1 vào năm 2020. Tuy nhiên, trên 40 tuyến phố văn minh, tuyến phố không rác đã được các phường đăng ký xây dựng, thời gian gần đây, trật tự vỉa hè, lòng, lề đường đang rất bất ổn.
TP Cà Mau đang hoàn thiện hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị đạt các tiêu chí của đô thị loại 2 và tiến tới đô thị loại 1 vào năm 2020. Tuy nhiên, trên 40 tuyến phố văn minh, tuyến phố không rác đã được các phường đăng ký xây dựng, thời gian gần đây, trật tự vỉa hè, lòng, lề đường đang rất bất ổn.
Góp phần không nhỏ trong sự “nhếch nhác” đường phố là những xe bán hàng rong. Ngoài những xe bán thực phẩm tươi sống, rau quả di động, trên các tuyến đường, không ít xe bán cá cảnh, cá viên chiên, trái cây… gần như “thường trực” dưới lòng đường Lý Thường Kiệt, An Dương Vương, Hùng Vương (xung quanh Công viên Hồng Bàng). Dẫu rằng thời gian qua, lực lượng bảo vệ dân phố các phường kết hợp với quản lý đô thị thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, song tình trạng tái chiếm lại diễn ra ngay sau các đợt ra quân của lực lượng chức năng.
Xử phạt và giam xe vài ngày để giảm nhiệt xe đẩy hàng rong, nhưng tình hình vẫn diễn ra phức tạp. (Ảnh chụp tại sân UBND phường 7, TP Cà Mau). |
Có ý kiến cho rằng, hầu hết những người mua bán hàng rong là người nghèo, nếu tìm một chỗ bán ổn định tại các chợ dân sinh, hay nơi phù hợp trên hè phố thì họ phải trả tiền thuê mặt bằng. Mặt khác, bán nơi lòng đường người mua thuận tiện ghé vào mà giá cả cũng thấp hơn trong các chợ (vì không phải trả tiền thuê chỗ). Và cũng chính vì giá rẻ và thuận đường, người tiêu dùng thích hơn nên gần đây tình trạng bán trái cây bên lề đường Lý Thường Kiệt (đối diện Công viên Hồng Bàng), đường Phan Ngọc Hiển (phía trước Công ty Xổ số kiến thiết)… cũng phát sinh nhiều hơn.
Thiết nghĩ, mưu sinh chỉ là một khía cạnh, vấn đề là ý thức tôn trọng pháp luật của người mua bán, người tham gia giao thông. Và nâng cao ý thức thì tuyên truyền phải song hành với xử phạt răn đe, mà tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các phường giáp ranh thì mới tạo chuyển biến tích cực. Có lần chúng tôi nhìn thấy chị bán trái cây ở lề đường Lý Thường Kiệt, khi lực lượng kiểm tra của phường 5 xuất hiện, chị bưng hàng chạy qua phía Công viên Hồng Bàng, lúc sau chị quay lại chỗ cũ bán tiếp.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường 5, phường đạt chuẩn văn minh đô thị đầu tiên của TP Cà Mau, giải quyết tình trạng xe hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường thuộc địa bàn phường quản lý, hiện phường đã chỉ đạo các khóm hướng dẫn người bán hàng rong đẩy xe trên đường, khi có khách mua phải đậu xe trên vỉa hè (phía trong vạch quy định) và nếu thoả thuận được với chủ nhà, người bán thức ăn chế biến sẵn có thể để xe bán cố định nơi đã được phân vạch, phải đảm bảo vệ sinh khu vực xung quanh. Riêng về phần xử lý những điểm bày bán trái cây nơi lề đường, phường 5 cần có sự hỗ trợ của các phường lận cận để chấm dứt tình trạng “chạy”, “đuổi” như đã qua.
Bên cạnh những biện pháp xử lý riêng biệt của từng phường theo điều kiện của địa bàn mình, theo ông Bùi Tứ Hải, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau: “Tạo bộ mặt thành phố thực sự văn minh, sạch đẹp, hiện phòng đang tham mưu cho UBND thành phố quy hoạch tuyến đường Lê Ðại Hành (ranh giới giữa phường 5 và phường 6) làm nơi tập trung các xe bán hàng rong, miễn thu tiền mặt bằng và hỗ trợ điện sinh hoạt công cộng đối với những xe bán thức ăn chế biến sẵn”.
Ông Hải cảnh báo: “Khi thành phố đã tạo nơi buôn bán cho những người đẩy xe hàng rong, những người cố tình không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm”./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha