(CMO) Những ngày này, đội bóng đá tỉnh Cà Mau đang thi đấu Giải bóng đá tập huấn hạng Nhì (do tỉnh Bình Thuận tổ chức) nhằm cọ sát lực lượng, sẵn sàng tái ngộ “mái nhà xưa” Giải hạng Nhì quốc gia năm 2017 (dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới).
Ông Đỗ Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện, Đào tạo và Thi đấu thể dục thể thao (HL-ĐT-TĐTDTT) tỉnh Cà Mau, cho biết: Sau khi đội bóng của tỉnh “rớt” Giải hạng Nhất quốc gia năm 2016, Công ty Cổ phần Phát triển bóng đá Cà Mau đã tiến hành các bước thủ tục giải thể theo luật doanh nghiệp. Đội bóng đá tỉnh được bàn giao về cho trung tâm quản lý và hoạt động từ nguồn kinh phí Nhà nước do tỉnh cấp hằng năm như trước đây.
Đội bóng tỉnh Cà Mau tập luyện thi đấu tại Giải bóng đá tập huấn hạng nhì. |
Do kinh phí hạn hẹp (khoảng 1,5 tỷ đồng), nên thời gian tập luyện của đội bóng không nhiều. Đầu tháng 2 vừa qua, đội bóng mới tập trung các cầu thủ để huấn luyện. Và sau khi kết thúc Giải hạng Nhì thì giải tán, đến khoảng tháng 2 năm sau mới tập trung trở lại.
Nhẩm tính, bình quân tổng thu nhập của một cầu thủ (bao gồm lương, tiền ăn, tiền tập luyện…) là khoảng 9 triệu đồng/tháng. Bước vào thi đấu giải chính thức thì tiền ăn sẽ phải tăng thêm, rồi tiền thuê phòng nghỉ, phương tiện vận chuyển… Liệu 1,5 tỷ đồng có đáp ứng nhu cầu? Thời gian tập trung huấn luyện quá ngắn, có đảm bảo chuyên môn kỹ thuật thi đấu để thực hiện đạt mục tiêu trụ hạng?
Vấn đề đặt ra, ông Đỗ Đăng Khoa phân trần: “Bóng đá hạng Nhì vừa mang tính chất phong trào, vừa có tính chất chuyên nghiệp, nhưng nó không phải là bóng đá đỉnh cao. Vì vậy, không chỉ Cà Mau mà nhiều tỉnh, thành khác tham gia chủ yếu là để duy trì phong trào. Do vấn đề kinh phí, có tỉnh đội bóng duy trì hoạt động thường xuyên (mức đầu tư khoảng 2,2 tỷ đồng/năm), nhưng cũng có tỉnh chỉ đầu tư khoảng 700 triệu đồng/năm".
Nghĩa là địa phương không cần phải tuyển chọn vận động viên năng khiếu, tập trung huấn luyện trước khi tham gia giải, mà qua giải bóng đá vô địch thì địa phương chọn các vận động viên xuất sắc và tập hợp thành đội bóng rồi tham gia giải.
Biết vậy, nhưng bóng đá là môn thể thao đồng đội, trong đó các cầu thủ phải hiểu biết nhau về lối chơi và kết thành một tập thể. Tuy nhiên, sau khi giải tán, các cầu thủ phải lao động mưu sinh bằng nhiều ngành nghề khác. Đến lúc đội bóng tập trung trở lại thì có em không muốn tham gia (do điều kiện lao động hiện tại đang thuận lợi), hoặc có em thể lực sa sút không đáp ứng chuyên môn… Mặt khác, mỗi lần tập trung thì phải có thời gian nhất định để các em làm quen lối chơi của nhau, tập luyện chiến thuật thi đấu... nên đòi hỏi tinh thần “màu cờ sắc áo” rất cao trong từng thành viên của đội bóng.
“Năm nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như chủ trương của Sở VH-TT&DL và Kế hoạch của Trung tâm HL-ĐT-TĐTDTT, đội bóng sẽ không thuê tân binh mà chủ yếu là sử dụng “cây nhà lá vườn”, song song với đẩy mạnh công tác đào tạo tuyến trẻ. Như vậy, với mức kinh phí 1,5 tỷ đồng, tuy có chật vật nhưng việc trụ hạng đối với đội bóng đá tỉnh là không khó thực hiện”, huấn luyện viên Dương Hữu Cường phấn khởi chia sẻ.
Huấn luyện viên Dương Hữu Cường cho biết thêm: “Sau đợt tham gia giải bóng đá tập huấn hạng Nhì, dự kiến đội bóng sẽ tổ chức Giải bóng đá Tứ hùng (mời các đội bóng tỉnh bạn tham gia với hình thức vận động xã hội hoá) để các cầu thủ tiếp tục cọ sát và “trình làng” lối chơi của đội với người hâm mộ tỉnh nhà, trước khi lên đường tập huấn lần hai tại TP Hồ Chí Minh và bước vào thi đấu chính thức mùa giải mới”.
Ngoài nỗ lực trụ hạng của đội bóng đá tỉnh, năm nay, Trung tâm HL-ĐT-TĐTDTT tỉnh tiếp tục công tác đào tạo U17, U13. Dịp hè, trung tâm sẽ kết hợp với Nhà Thiếu nhi tổ chức Giải bóng đá Nhi đồng, qua tuyển chọn vận động viên năng khiếu để tập trung chăm bồi, chuẩn bị lực lượng tham các giải nhi đồng trong khu vực và toàn quốc. “Nguồn kinh phí có giới hạn mà đào tạo bóng đá các tuyến U thì tốn kém rất nhiều, nên hiện tại chỉ có U17 là được đào tạo chuyên sâu, còn U13, U11 thì trung tâm chỉ đào tạo theo thời điểm để chuẩn bị lực lượng tham giải các giải phong trào dành cho thiếu niên, nhi đồng”, ông Đỗ Đăng Khoa cho biết.
Mỹ Pha
Năm 2017, kinh phí dành cho hoạt động thể thao của Trung tâm HL-ĐT-TĐTDTT khoảng 7,7 tỷ đồng, trong đó có hoạt động của bóng đá hạng Nhì, thể thao thành tích cao và đào tạo năng khiếu. Ngoài những môn năng khiếu đã, đang và tiếp tục đào tạo gồm: Taewondo, Vovinam, Boxing, điền kinh và bóng đá, trung tâm dự kiến sẽ đào tạo 3 môn mới gồm: đua thuyền, cử tạ và bắn cung. |