Những chiếc cổng cưới đậm chất cây nhà lá vườn, vốn là một phần ký ức của thế hệ 8X, 9X, nay được chính các bạn trẻ của Câu lạc bộ Kỹ năng Thanh niên Cà Mau (CLB) tái hiện bằng đôi tay khéo léo.
Ở miền Tây, những chiếc cổng cưới mang một nét độc đáo riêng của miệt vườn sông nước. Khác với những loại cổng cưới hiện đại với nhiều loại hoa tươi và các loại hạt ngọc, pha lê đính kết tạo nên sự lộng lẫy, lung linh cho ngày trọng đại của các cặp đôi, cổng cưới miền Tây ngày xưa lại tận dụng những vật liệu từ thiên nhiên như: lá dừa, lá chuối, bông đủng đỉnh, hoa trái có sẵn trong vườn... để tạo nên nét dân quê.
Khéo léo trang trí cho cổng cưới có nét thẩm mỹ hơn.
Mỗi khâu làm xong được nối ghép ngay để đỡ mất thời gian.
Cổng cưới theo phong cách miệt vườn này có kiểu dáng, mẫu mã không hề theo khuôn mẫu nào, mà dựa vào sự sáng tạo, gu thẩm mỹ của chính người làm. Một chiếc cổng cưới có khi phải làm đến vài ngày vì độ kỳ công và vô số khâu đan kết để được thành phẩm. Người làm phải tìm kiếm và lựa chọn từng cái cây, nhánh lá mang về kết hình hoa, trái tim, chim chóc... để trang trí sao cho hài hoà với tổng thể. Các nguyên liệu có sẵn tại nhà hoặc có thể xin láng giềng đều là cây trái của thiên nhiên.
Các bạn trẻ của CLB đã hào hứng và thể hiện sự khéo léo của mình qua từng khâu làm cổng cưới đậm chất dân dã. Các bạn nam được phân chia các công việc cần nhiều sức như: chặt cây ráp khung, chặt lá đan cổng... Các bạn nữ khéo tay sẽ phụ trách phần tết hoa, làm cào cào, chữ... để đính kết lên chiếc cổng cưới. Vừa làm, các bạn vừa học được thêm nhiều kỹ năng về đan đát, thắt dây sao cho vừa chặt, vừa bền, đẹp. Sự phân chia, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý tạo nên hiệu suất cao trong công việc, đây cũng là tinh thần làm việc nhóm, làm việc đồng đội mà các bạn mong muốn thực hành nhiều hơn trong cuộc sống.
Khâu cắt lá phải hết sức tỉ mỉ, sơ sẩy một chút sẽ phá hỏng thành phẩm đan kết.
Các bạn trẻ học kỹ thuật đan và kết để trang trí hoa lá cho chiếc cổng cưới thêm xinh.
Với đôi bàn tay khéo léo của các bạn trẻ, sự đa dạng nguyên vật liệu, chiếc cổng ngày xuân mộc mạc thuở nào đã được tái hiện lại hợp thời, lộng lẫy, sang trọng không thua kém cổng cưới “công nghiệp”. Sự giao thoa về văn hoá góp phần cho những chiếc cổng cưới “handmade 100%” có thêm nhiều chi tiết đặc sắc, khó lẫn. Mỗi chiếc cổng thế này chi phí dao động từ 900 ngàn đến 2 triệu đồng, tuỳ vào độ khó và số lượng nguyên liệu nhiều hay ít.
Chiếc cổng cưới ngày xuân hoàn thành vừa đậm chất miền Tây vừa rất “độc” và đẹp.
Những chiếc cổng cưới thiên nhiên đơn sơ, giản dị nhưng đậm nét riêng biệt của miền Tây sông nước đã trở thành một phần ký ức ngọt ngào trong ngày trọng đại của nhiều thế hệ. Ở thời hiện đại, những chiếc cổng này không chỉ là cổng cưới, mà các bạn trẻ còn tận dụng để làm những cổng chào khuôn viên nhà mình cho thêm rộn ràng không khí ngày Tết đến, xuân về./.
Lam Khánh