(CMO) Tưởng chừng bị mai một bởi những chiếc cổng cưới cầu kỳ bằng khung sắt, hoa giả, thế nhưng vài năm gần đây những chiếc cổng cưới lá dừa truyền thống đã sự xuất hiện trở lại ở miền Tây sông nước.
Đến ấp An Thường, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, hỏi anh Võ Văn Vũ, một nghệ nhân làm nghề trang trí cổng cưới lá dừa lâu năm, ai cũng biết. Từ năm 1990 anh đã thành thạo "nghề" này.
Anh Võ Văn Vũ, tác giả của những chiếc cổng cưới đẹp nao lòng. |
“Năm 2000, tôi còn làm cho một số nơi, dần dần do người ta không chuộng nữa, bởi cứ ra tiệm thuê đồ cưới, thuê cổng sắt, hoa giả chỉ vài trăm ngàn. Một thời gian sau tôi nghỉ làm, suốt hơn 15 năm. 2 năm trước có đứa em gần nhà ở nước ngoài về cưới vợ, nhờ tôi làm cổng cưới lá dừa. Sau lần đó, nhiều người thấy thích cổng cưới truyền thống và tôi làm lại nghề này cho đến nay”, anh Vũ bộc bạch.
Là một người làm cổng cưới có tay nghề khá hiếm hoi tại xứ sở Cù Lao Dung, mỗi khi nhà nào có đám hỏi, đám cưới, anh Vũ lại bỏ ra mấy ngày công giúp làm đẹp cho chiếc cổng. Nguyên liệu chính là những tàu lá dừa và cây cờ bắp (đọt dừa nước) mà chúng ta dễ dàng tìm thấy ở miền Tây sông nước. Để tạo ra chiếc cổng cưới hoàn chỉnh đòi hỏi tính công phu và sự tập trung cao độ của người làm. Vì thế, anh Vũ phải dành hẳn 5 ngày để chuẩn bị, 3 ngày đầu anh tập trung vào thiết kế sườn, ngày tiếp theo làm hoa văn trang trí và ngày cuối cùng là lắp ráp.
Anh Vũ cho biết: “Do nghề này rất ít người biết làm nên những năm về trước, mọi khâu chuẩn bị đều tự mình tôi đảm nhận, có hôm phải thức trắng đêm để tranh thủ làm cho kịp thời gian”.
Đôi bàn tay khéo léo, tính tỉ mỉ vốn có, sự sáng tạo vô hạn là một trong những yếu tố giúp anh Vũ thành công trong việc làm cổng. “Bây giờ nhà người dân đa số là sân xi-măng chứ không phải sân đất như ngày trước, không thể nào đào hố để chôn chân cột được, vì thế tôi thiết kế thêm khung sắt để sân đất hay sân xi-măng cổng đều có thể đứng vững”, anh Vũ chia sẻ.
Cổng cưới lá dừa. |
Làm nên chiếc cổng cưới cho ngày vui của các cặp đôi là niềm đam mê lớn nhất, vì thế khi được hỏi về tiền công của một chiếc cổng cưới, anh Vũ nói ngay: “Lúc trước tôi tự làm một mình thì không lấy tiền công, chỉ để vui là chính, còn giờ có thêm một số anh em làm chung, đôi khi phải nhờ vận chuyển giúp vì nhà xa, tôi chỉ lấy tiền xăng và tiền công vận chuyển để chia cho anh em”.
Có thể nói, sự trở lại của cổng cưới lá dừa đã trở thành tín hiệu vui trong việc duy trì, gìn giữ nét văn hoá dân gian. Chiếc cổng cưới tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng chính là biểu tượng của hồn quê đôn hậu, một nét đẹp dân dã, bình dị của đám cưới miệt vườn xưa./.
Diễm Mi