Ngày 27/06, Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban của HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm tra văn bản trình kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khoá X.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải; Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi tham dự hội nghị.
Theo đó, Ban Văn hoá – Xã hội thông qua các nội dung thẩm tra gồm: Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo; Báo cáo công tác của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 do Văn phòng UBND tỉnh soạn thảo; Dự thảo Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế nhưng không phải là đối tượng khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Cà Mau do Sở Y tế soạn thảo; Dự thảo Nghị quyết quy định mức chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện do Sở Tài chính soạn thảo.
Hoạt động an sinh xã hội trong tỉnh 6 tháng qua được triển khai có hiệu quả; góp phần ổn định đời sống hộ nghèo, hộ khó khăn.
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị: “6 tháng đầu năm, tỉnh ta có cái khó chung là giá tôm nguyên liệu bấp bênh, giảm sâu, từ đó ảnh hưởng đến ngành thuỷ sản cũng như cả chuỗi sản xuất của ngành nông nghiệp. Sau đại dịch, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có phần chựng lại, cụ thể là lĩnh vực sản xuất kinh doanh; số đăng ký kinh doanh mới chưa cao, đây là một trong những vấn đề mà lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành quan tâm”.
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.
Bà Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau lo lắng: “Nguyên nhân vì sao trang thiết bị dạy học thiếu như hiện nay, đã xuất hiện tình trạng dạy “chay”; số lượng tiêm chủng ở trẻ thấp do thiếu vắc-xin; phát triển du lịch ảnh hưởng do thái độ phục vụ của nhân viên ngành du lịch như phản ánh của khách du lịch thời gian qua tại Khu du lịch Mũi Cà Mau đã được giải quyết đến đâu; vì sao diễn ra tình trạng ngư dân khai thác trái phép vùng biển nước ngoài...".
“Toàn tỉnh hiện có 142 sản phẩm OCOP của 68 chủ thể, tăng so với cùng kỳ; nhưng chất lượng sản phẩm OCOP là vấn đề được quan tâm. Chúng ta nên xem xét, đánh giá nguyên nhân vì sao có những sản phẩm OCOP hết hạn nhưng không được công nhận lại. Vấn đề nợ xấu cần được quan tâm hơn; công tác quản lý đất đai, việc giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất… còn chậm và chưa được nhiều. Việc sắp xếp lịch học cho học sinh tiểu học còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc đưa đón của phụ huynh học sinh, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa như Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi…”, ông Nguyễn Minh Đương, Phó ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, quan tâm.
Nhiều ý kiến đại biểu là thành viên Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh gửi đến hội nghị.
“Thực trạng sản xuất OCOP hiện nay, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất là vấn đề khó nhất, không đáp ứng nhu cầu sản xuất thực tế; sản xuất theo chuỗi còn gặp khó từ các chủ thể”, ông Nguyễn Phương Đông chia sẻ.
Tình hình phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được quan tâm; đặc biệt là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Hội nghị cũng đã thông qua Dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Dự thảo Nghị quyết quy định mức thu một số dịch vụ phục vụ hoạt động bán trú tại các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh soạn thảo. Dự thảo Nghị quyết về phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau do Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh soạn thảo.
Những ý kiến, băn khoăn của các đại biểu đã được lãnh đạo sở, ngành có liên quan, lãnh đạo UBND tỉnh thông tin, giải đáp thoả đáng; đây là cơ sở quan trọng để công tác chỉ đạo, điều hành có hiệu quả trong thời gian tới.
Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại hội nghị: “Có những việc, qua 6 tháng chúng ta cũng chưa có cơ sở để đánh giá toàn diện. Từ những vụ việc cụ thể của xã hội mà đại biểu đưa ra tại hội nghị, thông qua công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, tôi mong muốn chúng ta cần giải thích, tuyên truyền với người dân nên gắn trách nhiệm, vai trò cầu nối của cử tri vào hoạt động, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước”.
Các ý kiến đại biểu đặt ra tại hội nghị, cơ quan soạn thảo văn bản tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo sau thẩm tra để trình kỳ họp lần thứ 14 HĐND tỉnh khoá X./.
Phú Hữu