ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 6-2-25 05:58:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bàn về thành ngữ, tục ngữ hiện có ở Cà Mau

Báo Cà Mau Tục ngữ, thành ngữ là những câu nói ngắn gọn, quen thuộc được sử dụng phổ biến trong một cộng đồng và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Vùng đất Cà Mau với thiên nhiên đặc thù sông nước mênh mông đã góp phần hình thành tính cách con người cởi mở, phóng khoáng, hào sảng, nghĩa tình. Ðây là môi trường lý tưởng để tiếp nhận, sản sinh và lưu truyền nhiều loại hình văn học dân gian, trong đó có những câu tục ngữ, thành ngữ.

Tục ngữ, thành ngữ là những câu nói ngắn gọn, quen thuộc được sử dụng phổ biến trong một cộng đồng và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Vùng đất Cà Mau với thiên nhiên đặc thù sông nước mênh mông đã góp phần hình thành tính cách con người cởi mở, phóng khoáng, hào sảng, nghĩa tình. Ðây là môi trường lý tưởng để tiếp nhận, sản sinh và lưu truyền nhiều loại hình văn học dân gian, trong đó có những câu tục ngữ, thành ngữ.

Dân gian thường coi tục ngữ, thành ngữ là cái túi khôn của loài người, chứa đựng trong đó những kinh nghiệm ứng xử con người với con người, giữa con người với xã hội và giữa con người với thiên nhiên. Những câu nói ngắn gọn, bình dị mà sâu xa, thâm thuý, được góp nhặt, đúc kết qua một quá trình có khi đến hàng trăm năm.

Sông nước Cà Mau.

Dấu ấn sâu đậm nhất đối với những thế hệ dân cư đầu tiên đến vùng đất Cà Mau khai phá có lẽ là điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt với “rừng thiêng, nước độc”, “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh”, cùng với các loài thú dữ luôn chực chờ cướp đi sinh mạng con người. Câu thành ngữ “cọp Cà Mau, hàu Ðá Bạc” khẳng định sự nổi danh hung dữ của cọp ở Cà Mau, cũng như loài hàu ở Hòn Ðá Bạc thơm ngon nổi tiếng. Và cũng chính môi trường thiên nhiên ấy đã rèn luyện, hun đúc con người gan dạ, kiên cường “nhất chém sơn lâm, nhì đâm hà bá” và có bản lĩnh chống chọi, thích nghi “xuống sông hốt trứng sấu, lên bờ xỉa răng cọp”…

Thiên nhiên tuy khắc nghiệt nhưng vô cùng ưu đãi con người, mảnh đất “trên cơm dưới cá”, “cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn”, một thời Cà Mau tự hào là “rừng vàng biển bạc”, đến nỗi “chim trời, cá nước, ai bắt được nấy ăn”. Ðây cũng là nơi “đất biết sinh và rừng biết đi” do đặc điểm bồi lấn tại mũi Cà Mau mỗi năm mỗi tiến dần ra biển…

Quy luật biển tiến - biển lùi cũng gắn liền với quy luật sinh sôi, phát triển của hệ sinh thái rừng ngập mặn “mắm trước, đước sau, tràm theo sát/sau hàng dừa nước mái nhà ai”. Thiên nhiên rồi đến con người đã được phản ánh sinh động trong văn học dân gian Cà Mau qua thành ngữ, tục ngữ.

Chính hoàn cảnh lịch sử kết hợp với điều kiện tự nhiên đã hình thành lối sống đặc trưng của con người vùng sông nước này, đó là lối sống phóng khoáng, tự do, hào hiệp, nghĩa tình, không lo xa, không cần tiết kiệm, không tích cốc, phòng cơ, đôi khi có phần dễ dãi. Trong đối nhân xử thế, người Cà Mau vốn “trọng nghĩa khinh tài”, không “phân biệt sang hèn”, không “địa vị”, sẵn sàng bảo bọc những người “sa cơ lỡ vận” với tinh thần “thi ân bất cầu báo”. Họ thích “ăn ngay nói thẳng”, không thích “vòng vo tam quốc”, cũng không “câu nệ tiểu tiết”, nhưng lại rất ghét những người “ăn đằng sóng, nói đằng gió”, hoặc có tính “nói đi, nói lại”, “nói tới, nói lui”, “nói một đường, làm một nẻo” giống như “cái lưỡi không xương nhiều đường lắc léo, cái miệng không vành nó méo tứ tung”, hoặc những người hay “ăn cơm hớt”, suốt ngày “ăn cơm nhà nói chuyện hàng xóm”…

Trong công việc, đã làm là “làm hết mình”, “làm cố xác”, “làm bất kể chết” còn chơi thì “chơi tới bến”, “chơi hết lốc”, “chơi thả ga”, có khi “chơi xả láng, sáng giang máy cày về sớm”. Kiểu người lười biếng “ăn như xáng múc, làm như lục bình trôi”, hoặc “lánh nặng, tìm nhẹ”, làm “qua loa chiếu lệ” theo kiểu “bảy lần ba hai mươi mốt” thường bị người đời chê cười.

Những tính xấu của con người cũng được dân gian đúc kết nên thành ngữ, tục ngữ. Tiêu biểu như cụm từ “đá cá, lăn dưa” chỉ tính cách của người suốt ngày “lêu lổng” ở “đầu đường, xó chợ”, thấy con cá của người ta nhảy ra khỏi mâm (ở chợ cá) thì lén dùng chân đá, khều con cá đi chỗ khác để bắt, thấy trái dưa rớt ra khỏi xịa (ở chợ rau dưa) thì tìm cách lăn trái dưa về chỗ mình… Giống kiểu “ăn cắp vặt”, “trai tứ chiến gặp gái giang hồ, chàng đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai”, loại người “đá cá, lăn dưa” cũng bị người đời xa lánh.

Trong đời sống hằng ngày, người Cà Mau đề cao đạo đức “ở đời có đức, mặc sức mà ăn”. Ngoài ra phải biết “liệu cơm gắp mắm”, tránh “bắt cá hai tay, có ngày ăn muối”. Quan trọng nhất là “an cư, lạc nghiệp” và “chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở”, cất nhà thì phải “nhất cận thị, nhị cận giang”, “trên bến, dưới thuyền” để thuận lợi cho sinh hoạt, chọn chỗ “đất bồi thì ở, đất lở thì đi”, cất kiên cố tránh kiểu “nhà đá, nhà đạp” tạm bợ như phường “trôi sông lạc chợ”.

Trong sinh hoạt thích nghi với tự nhiên “ăn ở trần, mần mặc áo”, món ăn “nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc”, “có cá thì tha gắp mắm”. Nhà ở gần sông nước nên “một bước xuống xuồng”, “dầu vội chẳng lội qua sông”, đi lại phải chú ý “đi sông theo hướng, vô xóm theo đường”, cũng có khi “đi quanh xa lắc, đi tắt tới liền” nếu biết đường đi, đến ngã tư thì “cắm sào đợi nước” theo “con nước lớn ròng” không thì “chèo xuồng nước ngược” đường dù gần cũng thành “xa lắc xa lơ”.

Trong lao động sản xuất, kinh nghiệm cho thấy “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, “chó giống cha, gà giống mẹ”, đào ao nuôi cá cần chú ý “ao sâu tốt cá”, “cạn đìa mới biết lóc, trê”. Không chăn nuôi được thì đánh bắt cá tôm “cùng nghề đi tát, mạc nghề đi câu”, cũng phải dựa theo quy luật “tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông”, “sông thẳng cá đi, sông cong cá ở”. Bên cạnh đó, nghề trồng trọt tuy vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng là nghề bền vững, nếu siêng năng thì có “của ăn của để”, thậm chí “không ốm, không đau làm giàu mấy chốc”. Trồng lúa thì phải biết “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” bởi vì “không nước, không phân, chuyên cần vô ích”; những cây khác cũng vậy: “mận gặp mưa, dưa gặp nước”, “mít chặt cành, chanh chặt rễ”… Làm ăn cũng phải biết tính toán “dám nghĩ, dám làm”, dân gian thường nói “một người tính bằng chín người làm”, “có chí làm quan, có gan làm giàu” là vậy.

Có thể nói thành ngữ, tục ngữ Cà Mau được tiếp nhận, hình thành và lưu truyền trong điều kiện lịch sử và môi trường văn hoá rất đặc trưng của vùng đất mới. Tiếp tục tìm kiếm những câu thành ngữ, tục ngữ có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đất Cà Mau là việc nên làm, qua đó góp phần phát hiện, lưu giữ, khẳng định giá trị để làm giàu thêm văn hoá của địa phương./.

Bài và ảnh: Huỳnh Thăng

Làng quê khởi sắc

Ngọc Hiển vinh dự là 1 trong 2 huyện được tỉnh phê duyệt Ðề án xây dựng huyện nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2021-2025. Sau thời gian quyết liệt triển khai thực hiện, địa phương đã có những bước tiến phấn khởi, diện mạo nông thôn khởi sắc, kinh tế, đời sống người dân ngày càng nâng lên. Ðây là tiền đề, là động lực để cả hệ thống chính trị và Nhân dân huyện quyết tâm, dốc sức hoàn thành mục tiêu về đích huyện NTM đúng hẹn.

Vì thế hệ tương lai

Phong trào hiến đất xây trường học đã và đang lan toả, mang lại giá trị lâu dài đối với sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện Cái Nước. Hành động này không chỉ thể hiện tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp vì sự nghiệp giáo dục mà còn giúp con em địa phương có điều kiện tốt hơn trong học tập và cơ hội phát triển tương lai.

Tự tin bước vào năm mới

Năm 2024, huyện Cái Nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, cả năm đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu chủ yếu theo nghị quyết đề ra.

Ðầu xuân nói chuyện ấm no

Trong hành trình rút ngắn khoảng cách giữa hộ giàu với hộ nghèo, người dân huyện U Minh từ chỗ chỉ biết gắn bó với cây tràm thâm canh, 1 vụ lúa/năm, nay đã áp dụng nhiều mô hình đa cây, đa con, chuyển đổi từ vụ lúa sang vụ tôm - lúa trên cùng diện tích. Ðặc biệt là không còn độc tôn cây tràm, thay vào đó là phát triển mạnh cây keo lai, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định. Ðây là câu chuyện mở hướng thoát nghèo của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn huyện trong hơn 1 thập kỷ qua.

Vùng quê trù phú

Tuyến lộ “xương sống” nối từ Quốc lộ 1 đến đô thị biển Cái Ðôi Vàm mở rộng thông thoáng, là động lực cho huyện ven biển Phú Tân tăng tốc phát triển. Theo đó, trên 1.100 km lộ nông thôn được kết nối về đến những vùng quê trù phú, yên bình. Năm 2024, huyện Phú Tân tiếp tục ghi nhận sự vươn lên ngoạn mục trong phát triển hạ tầng, kinh tế, xã hội và đời sống người dân.

Bừng sáng đô thị Năm Căn

Qua rà soát, đến cuối tháng 10/2024, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) đã đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh (ÐTVM), với 52/52 nội dung theo Quyết định số 04/2022/QÐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ðịa phương đã hoàn thiện việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM, với 99,91% tổng số hộ dân đồng thuận. Ðây là kết quả đáng tự hào sau thời gian dài nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, là cơ sở để UBND huyện Năm Căn công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM trong năm 2024.

Xã Lý Văn Lâm trước thềm nông thôn kiểu mẫu

Mùa xuân đang đến gần, người người, nhà nhà hân hoan đón chào năm mới với nhiều hy vọng mới. Ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, không khí mùa xuân càng thêm rộn ràng khi diện mạo quê hương đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên.

Sức bật đô thị cực Nam

TP Cà Mau, trung tâm tỉnh lỵ đang chuyển mình mạnh mẽ. Từ những nghị quyết, định hướng mang tính chiến lược, đúng đắn của Ðảng bộ thành phố, diện mạo đô thị cực Nam ngày càng tươi mới với nhiều niềm tin, khát vọng.

Lễ sớt bát đầu năm mới

Như đã thành thông lệ, vào ngày mùng 1 tết âm lịch hằng năm, tại chùa Monivongsa, Phường 1, TP Cà Mau đều diễn ra lễ sớt bát, thu hút nhiều phật tử, chư tăng, cư sĩ, phật tử… từ các ngôi chùa Khmer trong tỉnh Cà Mau đến tham dự.

Ðất lạ hoá quê hương

Có nhiều lý do đưa họ đến với Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Song, điều khiến họ gắn bó là do đất lành mang đến cuộc sống ấm no và tình người ấm áp. Trên quê hương thứ hai, họ góp sức khai phá, dựng xây, biến vùng đất hoang sơ thuở nào trở thành vùng đất trù phú, đa dạng về cách phát triển kinh tế.