ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 23-10-24 19:16:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Báo động sạt lở ven sông

Báo Cà Mau (CMO) Kể từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn xã Trần Thới, huyện Cái Nước, xảy ra 4 vụ sạt lở đất ven sông tại ấp Mỹ Hoà và ấp Ðầm Cùng với tổng chiều dài lên đến khoảng 70 m, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình lộ bê tông. Hiện nay, nguy cơ sạt lở vẫn luôn tiềm ẩn trên nhiều địa bàn huyện, phần đất bờ sông trở nên mềm yếu, sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ông Trần Chí Tài, ấp Mỹ Hoà, xã Trần Thới, cho biết: “Kể từ đầu mùa mưa đến nay, phần đất bờ sông của gia đình xảy ra liên tiếp 2 vụ sạt lở với tổng chiều dài gần 40 m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình lộ bê tông quy mô mặt lộ rộng 3 m đi ngang qua”.

Ðáng chú ý là tại khu vực xảy ra sạt lở, trước đó hộ ông Trần Chí Tài đã đầu tư xây dựng bờ kè bằng bê tông cốt thép khá chắc chắn, thế nhưng sạt lở đã nhấn chìm bờ kè kiên cố của gia đình xuống lòng sông.

Sạt lở đất ăn sâu vào lộ bê tông, không đảm bảo an toàn cho người lưu thông. (Ảnh chụp tại ấp Mỹ Hoà, xã Trần Thới, huyện Cái Nước).

Hiện tại, gia đình ông Tài tiếp tục đầu tư gần 150 cây cừ tràm chiều dài 5 m và thuê cơ giới gia cố, tiếp tục bảo vệ công trình lộ bê tông, hạn chế tối đa thiệt hại. Khu vực sạt lở độ sâu rất lớn, cừ tràm tuy có chiều dài lên đến 5 m nhưng sau khi gia cố chỉ còn cách mặt nước khoảng 30 cm. Thêm vào đó, phần đất sạt lở rớt xuống sông bị cuốn trôi gần như hoàn toàn, việc khắc phục nền móng đất đen bảo vệ công trình lộ bê tông hiện hữu là rất khó. Phần lộ nơi này có thể sụp lở bất cứ lúc nào, nguy hiểm cho phương tiện xe 2 bánh lưu thông.

Ông Phan Trường Hận, Trưởng ấp Mỹ Hoà, cho biết: “Do sạt lở hết sức nghiêm trọng, địa phương kiến nghị UBND xã khẩn trương di dời con lộ bê tông vào bên trong nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông, đề phòng tai nạn do sạt lở gây ra. Ðồng thời, đề xuất cấp trên hỗ trợ người dân xây dựng bờ kè bê tông cốt thép kiên cố, phòng ngừa sạt lở đất ven sông để bảo vệ hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn”.

Tương tự, kể từ đầu tháng 5 đến nay, tại tuyến sông Bào Chấu, ấp Ðầm Cùng, xã Trần Thới, liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở đất ven sông, tổng chiều dài hơn 30 m, ăn sâu vào bên trong công trình lộ bê tông rộng 3 m; lộ có thể sụp xuống sông bất cứ lúc nào (nhất là khi hiện nay đang bước vào mùa mưa, mặt bằng công trình lộ đất đen trở nên mềm yếu, kết hợp thuỷ triều dâng cao khi con nước lớn, sạt lở càng trở nên nghiêm trọng hơn).

Địa phương cắm biển cảnh báo sạt lở trên tuyến sông Bào Chấu thuộc ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới.

Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiên lưu thông an toàn qua khu vực sạt lở, chính quyền địa phương lắp đặt biển cảnh báo và hạn chế phương tiện xe 4 bánh lưu thông. Ông Trần Hùng Việt, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Ðầm Cùng, cho hay: “Vào thời điểm cuối mùa mưa năm 2022, nơi đây xảy ra vụ sạt lở đất bờ sông làm ảnh hưởng công trình lộ bê tông quy mô mặt lộ rộng 3 m đi qua địa bàn. Người dân tự khắc phục bằng giải pháp dùng cừ tràm gia cố. Ðầu mùa mưa năm nay, lại tiếp tục xảy ra 2 vụ sạt lở và một số nơi đang có dấu hiệu rạn nứt, nguy cơ sạt lở bờ sông sẽ còn tiếp diễn”.

Qua tìm hiểu thực tế, tại 2 khu vực xảy ra sạt lở bờ sông thuộc ấp Mỹ Hoà và ấp Ðầm Cùng, xã Trần Thới, có một điểm chung đó là tuyến sông có nhiều đoạn cong, dòng chảy không được thông thoáng. Tại các khu vực xảy ra sạt lở, dòng chảy bị lệch tâm và hướng vào bờ, gây ra hiện tượng xói mòn ăn sâu vào bên trong phần đất ven sông, mà người dân còn gọi là “bị đứt chân cơ”. Khi mùa mưa đến, phần đất ven sông trở nên yếu, kết hợp biên độ thuỷ triều dao động lớn, tác động lên bờ sông dẫn đến sạt lở. Ðể bảo vệ diện tích nuôi trồng thuỷ sản và hạ tầng giao thông nông thôn, ngành chức năng nên nghiên cứu xử lý những đoạn sông bị cong, làm cho dòng chảy thông thoáng và không bị lệch tâm gây xói mòn bờ sông, góp phần hạn chế sạt lở đất ven sông mỗi khi mùa mưa đến./.

 

Huỳnh Việt

 

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, nhiều năm qua việc thu quỹ PCTT luôn đạt thấp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang chậm trễ trong việc nộp quỹ.

Kiểm soát chặt, thích ứng nhanh

Những tháng cuối năm, vùng biển phía Nam là nơi thường xuyên xuất hiện bão, mưa lớn và gió mạnh. Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân trang bị những thiết bị cần thiết trên tàu cá.

Sạt lở ven sông chưa có điểm dừng

Những ngày qua, tình trạng sạt lở đất ở khu vực ven sông trên địa bàn huyện Năm Căn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Ðã có nhiều công trình lộ giao thông và nhiều căn nhà bị sụp xuống lòng sông; hiện tại, nhiều hộ dân sống ven sông vẫn đang thấp thỏm lo âu.

Chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “ 4 tại chỗ”

Theo báo cáo của UBND huyện U Minh, những tháng đầu năm 2024, khô hạn đã làm cho 1.057 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, sạt lở, sụp lún 36 đoạn đê ven song với chiều dài trên 1 km, đã khắc phục 353 m, còn 711 m đang tiếp tục khắc phục; dông lốc làm sập và tốc mái 34 căn nhà, ước thiệt hại gần 1,7 tỷ đồng.

Chủ động hơn khi mưa bão kéo dài

Theo dự báo, từ nay đến tháng 11, trên biển Ðông có khả năng xuất hiện từ 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), trong đó có khoảng 3-4 cơn đổ bộ vào đất liền và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Cùng với đó, dự báo đỉnh triều ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Sự kết hợp của 2 hiện tượng thời tiết này sẽ tạo ra nguy cơ gây ngập úng, sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất, tài sản của người dân và Nhà nước, nhất là ở các vùng trũng.

Cảnh giác, chủ động phòng chống thiên tai

Từ đầu năm đến nay, thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là sạt lở, lốc xoáy, gây thiệt hại nặng nề. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương vào cuộc, chủ động trong phòng, chống thiên tai (PCTT) nhằm giảm thấp nhất thiệt hại.

Chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời

Phải chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai nên chuyện thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Do đó, bên cạnh những giải pháp nhằm giúp người dân chủ động thích ứng, giảm thiểu thiệt hại, thì công tác giúp dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống luôn được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm.