Tỉnh Cà Mau có khoảng 278.615 ha nuôi tôm, trong đó có 6.503,70 ha nuôi công nghiệp. Thời gian qua, người dân ở các huyện: Ngọc Hiển, Ðầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước, Phú Tân, U Minh... rất bức xúc khi nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp xả nước thải, chất thải không qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn héc-ta tôm nuôi sinh thái cũng như nguồn nước sản xuất, sinh hoạt.
- Giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm
- Ðất Mũi nan giải bài toán môi trường
- Bảo vệ môi trường biển
Ðược biết, hầu hết các hộ nuôi công nghiệp tuy có đầu tư ao lắng để xử lý nước đầu vào để nuôi, tuy nhiên, quy trình xử lý nước sau vụ nuôi, quá trình nuôi gặp sự cố... chưa chặt chẽ; nước thải, chất thải thức ăn tôm, bùn xả trực tiếp ra sông, làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Khu nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao tại Ðầu Hạt, Ấp 4, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn, có hàng chục ao nuôi hiện đại. Nhưng nhìn từ trên cao, dòng nước đen ngòm đang xả ra sông, đáng báo động.
Cũng tại khu nuôi tôm công nghiệp Đầu Hạt, Ấp 4, xã Hiệp Tùng này, nguồn nước thải, chất thải đen như mực, bốc mùi thối, đang xả trực tiếp ra kênh xáng Cái Ngay, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Cách Đầu Hạt không xa, đoạn khu vực gần cầu kênh Sào Luỹ (Ấp 4, xã Hiệp Tùng), hộ nuôi tôm công nghiệp dùng máy bơm hút chất thải từ đáy ao đưa ra sông, người dân trong khu vực rất bức xúc.
Nhiều hộ dân tại ấp Phú Quý, xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, rất bức xúc với nguồn nước từ các khu nuôi tôm công nghệ cao xả thải, ảnh hưởng đến tôm nuôi quảng canh truyền thống trong khu vực.
Tại tuyến đê khu vực xã Khánh Tiến, huyện U Minh, có 1 hộ nuôi tôm công nghiệp đang xả nước đen ngòm trực tiếp qua đê biển Tây.
Các ngành chức năng cần có biện pháp kiểm tra thường xuyên, kiên quyết xử lý các hộ nuôi không chấp hành nghiêm ngặt việc xả thải sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến người nuôi tôm công nghiệp nói riêng, hàng ngàn hộ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh nói chung.
Anh Duy thực hiện