Sáng 10/11, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo Đánh giá quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh không xả thải tại tỉnh Cà Mau. Đây là mô hình được 2 đơn vị thử nghiệm thành công tại huyện Cái Nước và Đầm Dơi.
Hội thảo có sự tham gia của 50 hộ có thâm niên nuôi tôm trong tỉnh và các chuyên gia đầu ngành, chủ dự án.
Mô hình nuôi tôm không xả thải hay còn gọi là nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn sử dụng công nghệ tuần hoàn, ít thay nước và an toàn sinh học. Dự án do tổ chức CIRAD và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tài trợ và được triển khai thực hiện từ tháng 5/2023 đến nay tại hộ ông Huỳnh Thái Nguyên (ấp Rau Dừa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) và hộ ông Nguyễn Thanh Bá (ấp Nam Chánh, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi).
Ông Huỳnh Thái Nguyên chia sẻ: “Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm không xả thải, chỉ sau khoảng 2,5 tháng thả, gia đình đã thu hoạch tôm đạt kích cỡ 39 con/kg. Còn về nhân công thì giảm từ 4 nhân viên xuống còn 2 người”.
“Gia đình đã đầu tư 4 ao nuôi, mỗi ao 4.500 m2 và ao dèo; hệ thống tuần hoàn nước gồm: 2 ao giá thể, 1 ao nuôi cá, 3 ao rong biển (diện tích 6.500m2) và 1 ao cấp bù nước khi hệ thống nước trong ao bị rò rỉ, với tổng chi phí trên 2,1 tỷ đồng. Mô hình này không cần tốn chi phí thay nước, đặc biệt không xả nước ra ngoài môi trường như trước mà thay vào đó chỉ châm bù nước vào các ao do trong quá trình nuôi nước bị rò rỉ”, ông Nguyên chia sẻ về quá trình thực hiện mô hình.
Chỉ sau khoảng 2,5 tháng thả nuôi, gia đình ông Huỳnh Thái Nguyên, ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước thu hoạch tôm đạt kích cỡ 39 con/kg.
Một ưu điểm nữa là việc thực hiện theo công nghệ nuôi thuỷ sản tuần hoàn (RAS) và chia theo 3 giai đoạn: Ương giống giai đoạn 1 khoảng từ 20-25 ngày, sau đó chuyển sang nuôi giai đoạn 2 và 3 thông qua hệ thống tuần hoàn nước. Đây là hệ thống khép kín và tái sử dụng nước >90%, giúp giảm tối thiểu lây truyền bệnh từ quá trình cấp nước.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi, người nuôi tôm bổ sung các chất chế phẩm sinh học, thảo dược vào thức ăn hàng ngày để tạo hệ thống miễn dịch và phòng vi khuẩn trên tôm. Từ đó, thời gian nuôi được rút ngắn, tỷ lệ tôm sống đạt ≥ 80%; sản lượng đạt hơn 20%/ao so với trước đây; chỉ sau khoảng 2,5 tháng thả nuôi, thu hoạch tôm đạt kích cỡ 39 con/kg. Đặc điểm vượt trội nữa là màu tôm rất đẹp, chất lượng tôm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường ngoài nước và được đánh giá đạt 22 chỉ tiêu của nhà máy xuất khẩu thuỷ sản.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II thử nghiệm thành công “Quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh không xả thải” tại huyện Cái Nước và Đầm Dơi.
"Mặc dù chi phí đầu tư cao gấp 3 lần so với nuôi tôm siêu thâm canh truyền thống nhưng tôi thấy hiệu quả mang lại cũng không nhỏ, nhất là, trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm hiện nay. Mô hình này giúp kiểm soát được yếu tố môi trường, đảm bảo năng suất, chất lượng tôm nuôi theo hướng an toàn sinh học", ông Nguyên thông tin thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Nhứt, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản II, Chủ nhiệm dự án, cho biết: “Với hình thức nuôi này, hệ thống ao nuôi hoạt động liên tục, điều đó đồng nghĩa với lượng dinh dưỡng cho hệ vi sinh phát triển một cách liên tục, chính vì thế phù hợp với nuôi tuần hoàn nước dùng lọc sinh học. Từ ưu thế này, người nuôi có thể thả tôm liên tục từ 6-8 vụ/năm, sản lượng nuôi bình quân đạt từ 60-70 tấn/ha/vụ".
Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chia sẻ: “Mô hình nuôi tôm không xả thải áp dụng công nghệ mới, với mục tiêu nuôi tôm bền vững, thân thiện với môi trường là một hướng mở trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn dự án sẽ tiếp tục được triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh”.
Phú Hữu