Vĩnh Thanh là xã duy nhất của tỉnh Cà Mau đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành tựu ấy là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là trong việc đổi mới phương thức sản xuất theo hướng cơ giới hoá toàn diện, ứng dụng công nghệ cao.
Sau khi sáp nhập 2 đơn vị hành chính là Hưng Phú và Vĩnh Thanh (cũ), xã Vĩnh Thanh đã chủ động rà soát các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới. Tính đến thời điểm này, đây là xã duy nhất của tỉnh Cà Mau đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Những năm gần đây, diện mạo nông thôn Vĩnh Thanh có nhiều thay đổi rõ nét. Các tuyến đường liên ấp, liên xã được bê-tông hoá 100%, thuận tiện cho giao thương, đi lại. Hệ thống trường học, trạm y tế được sửa chữa, nâng cấp khang trang. Các thiết chế văn hoá - thể thao hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá, tinh thần của người dân.
Ông Nguyễn Văn Gương, người dân ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh, chia sẻ: “Bây giờ đời sống của người dân trong xã có nhiều thay đổi rõ rệt, kinh tế phát triển, người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng; đường sá sạch sẽ, bà con cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường”.
Trong phát triển sản xuất, Vĩnh Thanh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu về áp dụng cơ giới hoá vào nông nghiệp. Nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư, liên kết sử dụng các loại máy móc hiện đại như: máy cày, máy xới đất, máy gặt đập liên hợp và cả máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh, cho biết: “Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, bà con ở đây chủ yếu áp dụng thiết bị thông minh chứ không phải sử dụng sức lao động nhiều".
Máy bay không người lái được người dân xã Vĩnh Thanh sử dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật.
Vĩnh Thanh hiện có 2 mô hình ứng dụng cơ giới hoá trong các khâu sản xuất lúa chất lượng cao, từ làm đất, gieo sạ, phun thuốc, rải phân đến thu hoạch đều do máy móc tiên tiến thực hiện, giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Trên địa bàn xã có 15 máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật; 10 máy gặt đập liên hợp; 304 máy cày, máy xới đất, từ đó việc sản xuất nông nghiệp của nông dân được áp dụng cơ giới hoàn toàn. Ngoài ra còn có 6 công ty, doanh nghiệp và 3 hợp tác xã ký kết bao tiêu gần 2.360 ha sản xuất lúa, giúp người dân yên tâm sản xuất, giảm rủi ro về thị trường.
Xã Vĩnh Thanh hiện nay sử dụng cơ giới hoá hoàn toàn trong sản xuất nông nghiệp.
Hiệu quả sản xuất thể hiện rõ qua thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 76,4 triệu đồng/năm. Ðặc biệt, xã Vĩnh Thanh được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau chọn thực hiện thí điểm 50 ha mô hình sản xuất lúa phát thải thấp thuộc “Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Ðây là bước đi cụ thể hoá mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Ông Ngô Nguyên Phong, Bí thư Ðảng uỷ xã Vĩnh Thanh, cho biết: “Ðể giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu, hiện nay chúng tôi đang kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã. Sau khi kiện toàn bộ máy, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương mình, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực, để góp phần giảm chi phí, giảm phát thải nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản".
Vĩnh Thanh ngày nay không chỉ phấn đấu để giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu, mà còn đang từng bước khẳng định vai trò chủ lực vùng sản xuất tiên tiến, hiện đại, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của địa phương nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung./.
Trúc Linh - Phong Nguyên - Anh Tuấn