Những năm gần đây, drone hay còn gọi là máy bay không người lái trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức cho công tác quản lý.
Drone hiện đang là trợ thủ đắc lực của nông dân trong hoạt động sản xuất.
Thiếu tá Phan Văn Ðiện, trợ lý Ban Phòng không, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, drone mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đặc biệt, thiết bị này là trợ thủ đắc lực của nông dân, đặc biệt là giảm lượng giống, tăng năng suất và giảm thiểu tác động môi trường, giảm sức lao động...
Tuy nhiên, việc quản lý thiết bị công nghệ này còn nhiều khó khăn, bất cập; thực tế cho thấy đã bắt đầu xuất hiện những nguy cơ mất an toàn khi thiết bị bay này được vận hành bởi những người chưa qua đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng an toàn và khoảng cách hạ, cất cánh không theo quy định của cơ quan chức năng. Ðể khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ này, cần có hệ thống quản lý chặt chẽ, đảm bảo các thiết bị được sử dụng đúng mục đích và tuân thủ quy định pháp luật".
Nông dân xã Khánh Bình sử dụng drone phun xịt thuốc bảo vệ trà lúa hè thu.
Cách đây chưa đầy một tháng, vụ tai nạn hy hữu đã xảy ra; cánh quạt của drone chém trúng khiến ông T.V.H, ở Ấp 8, xã Khánh Lâm bị gãy xương mũi, xương cằm và chấn thương nặng mắt phải, ảnh hưởng đến thị lực. Theo lời kể của nạn nhân, trong lúc ông đang điều khiển xe máy chạy trên đường thì bất ngờ bị một chiếc drone phun thuốc trừ sâu cho ruộng lúa bay thẳng vào người, không kịp tránh né.
Ngoài vụ tai nạn này, một vụ tai nạn tương tự xảy ra, làm chết người tại tỉnh An Giang, cho thấy sự cấp bách của việc quản lý chặt chẽ hơn loại thiết bị này. Mặc dù đã có các quy định, nhưng việc triển khai và tuân thủ vẫn còn nhiều bất cập.
"Theo quy định, mọi tổ chức, cá nhân muốn sử dụng thiết bị bay không người lái phải xin phép bay từ cơ quan có thẩm quyền. Một trong những bất cập lớn nhất trong quản lý drone hiện nay là khung pháp lý chưa thực sự đồng bộ và chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ. Hiện tại, việc quản lý drone chủ yếu dựa trên Nghị định số 36/2008/NÐ-CP và Nghị định 79/ 2011/NÐ-CP ngày 5/9/2011 của Chính phủ, về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và các văn bản hướng dẫn liên quan. Nghị định này ban hành đã lâu, trong khi đó, Luật Phòng không nhân dân 2024 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, nhưng hiện chưa có văn bản, thông tư, nghị định nào hướng dẫn thi hành, nên tỉnh chưa thể cấp phép cho các tàu bay không người lái. Do đó, đến nay Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn còn cấp phép bay cho các phương tiện không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ", Thiếu tá Phan Văn Ðiện cho biết thêm.
Drone hiện đang là trợ thủ đắc lực của nông dân trong hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, nguồn nhân lực chuyên trách quản lý và kiểm soát drone còn thiếu, đặt ra không ít thách thức trong kiểm soát thiết bị này. Việc quản lý còn chồng chéo, liên quan đến nhiều bộ, ngành; sự phối hợp giữa các đơn vị đôi khi còn chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến tình trạng phân tán trách nhiệm, lơ là với nhiệm vụ quản lý.
Ðể ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc và đảm bảo an toàn cho cộng đồng, cần có các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về sử dụng drone đến người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi drone nông nghiệp phát triển mạnh. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng vận hành an toàn và các quy tắc bay cho người sử dụng drone. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.
Ðể quản lý hiệu quả hoạt động của drone, các chuyên gia kỳ vọng khi Luật Phòng không nhân dân 2024 chính thức có hiệu lực, với nhiều điểm mới, sẽ quản lý chặt chẽ đối với thiết bị này. Ðồng thời, luật cũng quy định người điều khiển drone phải được đào tạo, tập huấn bài bản và tuân thủ đúng các quy định về không phận bay.
Trung Ðỉnh