ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 12:47:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bảo tồn nghệ thuật dù kê

Báo Cà Mau (CMO) Bảo tồn phát triển nghệ thuật dù kê là một trong những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu trong Ðề án 06 của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau. Ðề án đang được đẩy mạnh thực hiện trong năm nay.

Hàng loạt khó khăn sẽ đối mặt

Sân khấu truyền thống Khmer nói chung và nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam Bộ nói riêng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần. Hơn nữa, dù kê là loại hình nghệ thuật thể hiện rõ nét sự giao lưu văn hoá của dân tộc Khmer và dân tộc Kinh - Hoa. Ðó là loại hình kịch hát dân tộc độc đáo của người Khmer mà người Campuchia gọi là “Lkhôn Ba Sắc” (kịch hát ở vùng Ba Sắc, Sông Hậu). Dù kê là sự tổng hoà các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, độc đáo gồm: ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hoá trang, hội hoạ, ẩm thực….

Hiện tại, nghệ thuật dù kê đang bị mai một và đối mặt với nhiều nguy cơ mất dần trong chính cộng đồng người Khmer. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin - truyền thông; sự du nhập ồ ạt của các trào lưu văn hoá. Cộng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với nhiều cơ hội và đầy thách thức như hiện nay thì việc giữ gìn văn hoá dân tộc là điều không đơn giản…

Trong khi nguồn lực tại chỗ chưa mang lại hiệu quả cao, số nghệ nhân, nghệ sĩ người Khmer giỏi, tinh thông nghệ thuật hiện còn lại rất ít và theo năm tháng sẽ mất dần đi. Ðáng lo nhất là lớp thanh niên người Khmer ít được tiếp cận và có xu hướng thay đổi thị hiếu vì tiếp xúc với quá nhiều môn nghệ thuật hiện đại, hấp dẫn khác. Họ không còn mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Ông Hữu Trung, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, cho biết: “Khán giả xem sân khấu dù kê ngày càng ít dần. Vì dù kê đã lâu không biểu diễn nên chỉ thế hệ lớn tuổi mới nhớ và có tình yêu sâu sắc. Chưa kể, dù kê đang không còn lớp kế thừa mới. Những người viết kịch bản, dựng tuồng, nắm vững âm điệu… trong từng vở dù kê cũng không còn nhiều. Việc dựng một vở dù kê cũng không dễ dàng, vừa mất công sức, mất nhiều thời gian. Hiện chỉ có Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau và Câu lạc bộ (CLB) Nhạc trống lớn ở xã Hồ Thị Kỷ là vẫn còn tập thường xuyên và mang đi biểu diễn vào các dịp lễ hội, để khơi gợi sự yêu thích của khán giả mọi lứa tuổi đối với môn nghệ thuật này!”.

Ðể bảo tồn nghệ thuật dù kê, cần lắm một đội ngũ am hiểu và viết kịch bản chắc tay. Ảnh: NHẬT MINH

Ông Hữu Văn Kel, thành viên CLB Nhạc trống lớn, ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, cũng trăn trở về cách bảo tồn nghệ thuật dù kê ở chính nơi mình sinh sống: “Người Khmer muốn lưu giữ nghệ thuật dù kê cho con cháu nhưng rất khó. Ở đây, mỗi dịp lễ, Tết quan trọng của người Khmer, tôi đều cố gắng tập trung những anh chị em có thể ca diễn, có khả năng nhớ tuồng, viết tuồng… để làm sao dựng được một vở dù kê biểu diễn cho đồng bào Khmer xem. Vào những buổi tập, bà con kéo đến nhà tôi xem đông lắm. Nội dung vở diễn dù kê ít có sự đổi mới, cần người am hiểu các điển tích, các giai điệu…. Nhưng tôi sợ sắp tới sẽ không còn người ca diễn hay viết tuồng, vì họ lớn tuổi rồi!”.

Giải pháp bảo tồn

Ðể bảo tồn nghệ thuật dù kê cần nhiều yếu tố, trước tiên là kịch bản, vì thường gắn với các tuồng tích xưa cổ. Trong giai đoạn hiện nay, nhiều tuồng tích dù kê gắn liền với đời sống xã hội, Ðoàn Nghệ thuật Khmer lấy từ điển tích chống giặc ngoại xâm nhưng thể hiện ý tưởng bảo vệ chủ quyền biển đảo; tuồng tích về đời sống sinh hoạt trong cộng đồng. Vấn đề này thời gian qua đã được Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau thực hiện.

Ðặc biệt, thời gian qua, nghệ thuật dù kê được đồng bào Khmer quan tâm và có ý thức bảo tồn, nhất là sự chỉ đạo, hỗ trợ của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch về bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu dù kê.

Nghệ thuật dù kê là loại hình kịch hát dân tộc độc đáo của người Khmer. Ảnh: NHẬT MINH

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trước tiên, để bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghệ thuật dù kê, phải ưu tiên đầu tư về nguồn nhân lực. Chúng tôi sẽ đồng thời đào tạo cho cả lực lượng viết tuồng, diễn viên, nhạc công".

Theo ông Hùng, song song đó là tổ chức sưu tầm, ghi hình, ghi âm các tiết mục dù kê, đặc biệt phỏng vấn nghệ nhân viết tuồng dù kê, nghệ sĩ ca - diễn, nhạc công... gắn với biểu diễn phục vụ để vừa thị phạm truyền nghề, vừa góp phần phục dựng, giới thiệu, lan toả nghệ thuật dù kê trong đồng bào dân tộc Khmer. Khuyến khích thành lập các CLB nghệ thuật quần chúng trong đồng bào dân tộc Khmer để vừa giữ gìn văn hoá nghệ thuật truyền thống, vừa phát huy nghệ thuật dù kê. Tổ chức các lớp dạy chữ Khmer, thiết kế và trình diễn thời trang dân tộc Khmer... đưa nội dung này vào trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Ðưa nội dung nghệ thuật dù kê vào Liên hoan Văn hoá - Thể thao 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer của tỉnh; tích cực tham gia liên hoan nghệ thuật dù kê của các tỉnh, thành phố trong cả nước; tạo điều kiện cho lực lượng chuyên và không chuyên được đi thực tế, trao đổi kinh nghiệm với các đoàn nghệ thuật Khmer của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Khâu tuyển diễn viên cho sân khấu dù kê cũng đang được quan tâm. Giải pháp hiện nay là tập trung dàn dựng các vở dù kê cho Ðoàn Nghệ thuật Khmer đi trình diễn, giới thiệu, qua đó tuyển chọn những diễn viên năng khiếu để đào tạo theo kế hoạch của tỉnh. Ðồng thời, phối hợp với Trường Ðại học Trà Vinh mở lớp trung cấp về sân khấu dù kê để cán bộ, diễn viên Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, diễn viên các CLB nghệ thuật quần chúng và học sinh có nguyện vọng tham gia. Bên cạnh đó, tuyển chọn các em có năng khiếu để tiếp tục huấn luyện, đào tạo chuyên sâu, tạo ra lớp trẻ kế thừa.

Trong Ðề án 06 có khá nhiều nội dung cần thực hiện như: tu bổ 2 di tích, chùa khoảng 1,7 tỷ đồng; mua sắm nhạc cụ, tổ chức phục dựng lễ hội, tập huấn, trình diễn các hoạt động thể thao hơn 1 tỷ đồng. Trong khi, mức đầu tư cho một vở diễn dù kê từ 500-600 triệu đồng... Từ đó có thể thấy, nghệ thuật dù kê đã và đang được các ngành chức năng quan tâm, nhằm tạo điều kiện bảo tồn và phát triển. Vấn đề còn lại là sự chung tay lan toả tình yêu môn nghệ thuật dù kê từ mỗi người dân Khmer trong cộng đồng và trong sinh hoạt văn hoá ngay tại nơi mình sinh sống, nhất là đối với thế hệ trẻ./.

 

Lam Khánh

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).