Ngành giáo dục không chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ dạy mà còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Sở GD&ÐT Cà Mau đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020.
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai!
Ngành giáo dục không chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ dạy mà còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Sở GD&ÐT Cà Mau đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch được xác định là tăng cường các giải pháp đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; chủ động phát hiện, trợ giúp học sinh có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực học đường. Theo đó, mục tiêu cụ thể là: học sinh, giáo viên và quản lý trong nhà trường có khả năng nhận biết, thông báo, xử lý các hình thức xâm hại và bạo lực đối với trẻ em; xây dựng hệ thống hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trong trường học; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, hướng dẫn cơ chế, quy trình các hoạt động bảo vệ trẻ em trong trường học; kế hoạch này áp dụng đối với quản lý, giáo viên, nhân viên, trẻ em, học sinh đang học tại các nhà trường trong tỉnh, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; trẻ em, học sinh là người dân tộc thiểu số đang sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Trường Tiểu học 1 thị trấn Năm Căn là trường đạt chuẩn quốc gia, đã áp dụng mô hình Giáo dục mới VNEN mang lại hiệu quả và chất lượng cao. Ảnh: BĂNG THANH |
Các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định trong kế hoạch. Trước hết là nâng cao nhận thức, năng lực của học sinh, giáo viên, phụ trách công tác Ðoàn - Ðội và quản lý các cơ sở giáo dục về phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hình thức xâm hại trẻ em.
Tổ chức khảo sát, đánh giá nhận thức, năng lực của học sinh, giáo viên, phụ trách công tác Ðoàn - Ðội, đội ngũ quản lý về công tác phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ học sinh có nguy cơ và học sinh bị xâm hại, bạo lực học đường; xử lý các hành vi bạo lực học đường.
Ðẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, bao gồm cả giáo dục pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em; tập huấn nâng cao năng lực cho học sinh, giáo viên, phụ trách công tác Ðoàn - Ðội, quản lý các cơ sở giáo dục về công tác phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ học sinh có nguy cơ và học sinh bị xâm hại, bạo lực học đường; xử lý các hành vi bạo lực học đường (các kỹ năng về phát hiện, đánh giá rủi ro, hỗ trợ tâm lý, kết nối chuyển gửi).
Tổ chức tập huấn cho học sinh, giáo viên, phụ trách công tác Ðoàn - Ðội, quản lý các cơ sở giáo dục về phương pháp kỷ luật tích cực, bao gồm các chủ đề như: tự nhận thức, kiến thức về quyền trẻ em, các giai đoạn phát triển của trẻ, sử dụng giao tiếp tích cực, kỷ luật tích cực, biện pháp hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật, tầm quan trọng của môi trường học tập của trẻ em, cũng như hiểu rõ vai trò của các nhóm đồng đẳng của trẻ.
Xây dựng sổ tay hướng dẫn bảo vệ trẻ trong trường học với nội dung thực hiện kỷ luật trẻ em bằng các phương pháp tích cực để làm cơ sở xác định các hành vi có vấn đề, phát hiện các vấn đề bạo lực thể chất, tinh thần và tình cảm ở những trẻ em bị xâm hại. Hướng dẫn giáo viên, phụ trách công tác Ðoàn - Ðội bổ sung kiến thức, kỹ năng về kiểm soát hành vi và giải pháp hỗ trợ trẻ em phục hồi sau các tình huống bạo lực.
Xây dựng và hỗ trợ hình thành mạng lưới phối hợp tích cực giữa cha mẹ hoặc người giám hộ, giáo viên để cùng thống nhất các nguyên tắc giáo dục học sinh (giao tiếp tích cực, kỷ luật tích cực...).
Nhiệm vụ thứ hai là tăng cường hệ thống hỗ trợ và bảo vệ trẻ em trong trường học.
Tổ chức thí điểm thành lập tổ công tác xã hội ở các trường mầm non, trường phổ thông nhằm tăng cường nguồn lực, kỹ thuật đối với công tác bảo vệ trẻ em, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh khuyết tật; tạo sự kết nối, chia sẻ với mạng lưới hỗ trợ trong hệ thống giáo dục và ngoài cộng đồng, góp phần tạo nên môi trường giáo dục thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Tổ chức thí điểm các mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực học đường trong các trường phổ thông, giúp học sinh nâng cao năng lực tự bảo vệ mình và kỹ năng nhận diện, phòng tránh các tình huống nguy hiểm. Xây dựng quy trình bảo vệ trẻ em trong trường học, bao gồm: phát hiện, thông báo, chuyển gửi, hỗ trợ để giúp giáo viên và học sinh loại bỏ bạo lực trong trường học, hỗ trợ giáo viên, học sinh trong việc đối phó với các tình huống bạo lực. Tăng cường các hoạt động tham vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng sống, quản lý trường hợp. Tổ chức các hội nghị, hội thảo kỹ thuật tham vấn kinh nghiệm về quy trình cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trong trường học.
Nhiệm vụ thứ ba, tăng cường cơ sở pháp lý hướng dẫn bảo vệ trẻ em trong trường học.
Ðể thực hiện những nhiệm vụ trên, ngành giáo dục đề ra một số giải pháp cơ bản. Bố trí nhân lực và các điều kiện về cơ sở vật chất cho việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ trẻ em.
Phối hợp với Sở LÐ-TB&XH để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật; báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện kế hoạch này; phối hợp tổ chức đánh giá liên ngành về công tác bảo vệ trẻ em trong trường học.
Tăng cường xã hội hoá công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh, cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vào các hoạt động bảo vệ trẻ em cùng với các nhà trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.
Chúng ta tin tưởng và hy vọng, trẻ em đang học tập, rèn luyện trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ được bảo vệ và chăm sóc an toàn, chu đáo. Ðó cũng là niềm mong ước của các bậc cha mẹ học sinh./.
Bùi Quang Viễn