Đột quỵ (hay còn được gọi là tai biến mạch máu não) chính là tình trạng của não bộ khi đã bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu lên não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến cho não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.
Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau, cho biết: “Bệnh tăng huyết áp và tiểu đường là hai căn bệnh gây nên tình trạng đột quỵ phổ biến nhất hiện nay, chiếm một tỷ lệ khá cao trong cộng đồng. Bởi những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng sẽ bị tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và tỷ lệ cholesterol xấu trong máu cao hơn những người không mắc bệnh. Ngay cả những người bị rối loạn đường huyết ở giai đoạn tiền tiểu đường cũng có nguy cơ đột quỵ cao hơn mức bình thường”.
Bác sĩ Trạm y tế xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển) kiểm tra huyết áp định kỳ cho bệnh nhân bị tăng huyết áp.
Thật ra, bệnh đái tháo đường và huyết áp cao là hai bệnh lý hoàn toàn riêng lẻ, độc lập nhưng lại có mối liên quan khá mật thiết với nhau. Vì khi đã mắc 1 trong 2 căn bệnh nói trên thì người bệnh cũng sẽ có xu hướng mắc phải căn bệnh còn lại.
Trên thực tế, cả hai căn bệnh này đều tiến triển âm thầm và gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Tỷ lệ mắc bệnh luôn tăng theo lứa tuổi. Thông thường, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị tăng huyết áp cao gấp 2 lần người bình thường.
Bệnh tiểu đường là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, lượng đường glucose trong máu tăng khó kiểm soát. Nguyên nhân chính là tuyến tụy trong cơ thể tiết ra ít hoặc không tiết ra được insulin hoặc tế bào trong cơ thể đề kháng insulin. Do đó, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng tiểu đường lên thận, thần kinh, xương khớp, tim mạch, làm cho huyết áp tăng cao… Trong khi bệnh huyết áp cao lại chính là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho tim như: suy tim, trụy tim, nhồi máu cơ tim, mạch vành tim, tai biến mạch máu não…
Bác sĩ Đinh Hoàng Nhớ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Đột quỵ xảy ra khi một hay nhiều mạch máu cấp máu cho não bộ bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn. Nếu tình trạng này kéo dài trên 6 phút, tế bào não bắt đầu chết. Có hai loại đột quỵ là đột quỵ xuất huyết do động mạch bị vỡ và đột quỵ do thiếu máu cục bộ, hay còn gọi là động mạch bị tắc nghẽn. Các mạch máu nhỏ trực tiếp nuôi dưỡng nhu mô não cũng có thể bị thoái hóa do tiểu đường, dẫn đến xơ cứng, giảm đàn hồi, dễ bị vỡ và gây xuất huyết não”.
Tùy vào tình trạng bệnh hiện tại của bệnh nhân mà bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho phù hợp. Ngoài ra, việc kiểm soát bệnh tiểu đường và duy trì một lối sống lành mạnh cũng sẽ giúp cho người bệnh tiểu đường giảm nguy cơ bị đột quỵ. Theo dõi huyết áp của bản thân thường xuyên để có thể điều chỉnh chế độ ăn và sử dụng thuốc khi cần thiết.
Thực tế cho thấy, việc kiểm soát huyết áp đã được chứng minh có hiệu quả trong quá trình ngăn ngừa đột quỵ ở cả người mắc bệnh tiểu đường và người không mắc bệnh tiểu đường. Theo các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, mục tiêu lý tưởng là nên kiểm soát huyết áp ở tình trạng dưới mức 140/90 mmHg bất kể tình trạng tiểu đường.
Ngoài ra, việc tập thể dục thường xuyên (từ 5 lần trở lên mỗi tuần) cũng có thể giúp làm giảm nguy cơ bị đột quỵ. Giải pháp tốt nhất là nên hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt, thịt bò, xúc xích, bánh nướng… vì bản thân của các loại thực phẩm này đều có chứa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, tạo các mảng lipid bám lấy động mạch gây xơ vữa động mạch, dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao; bên cạnh đó, nên giảm lượng muối ăn trong một ngày, hạn chế việc sử dụng rượu bia và tuyệt đối là không nên hút thuốc lá.
Bệnh tiểu đường làm tăng khả năng bị đột quỵ, có thể làm hỏng mô não, gây tàn tật, thậm chí là tử vong. Để ngăn ngừa đột quỵ, những người mắc bệnh tiểu đường nên kiểm soát lượng đường trong máu, kiểm soát huyết áp thường xuyên đạt ở mức cho phép, kiểm soát cholesterol và cân nặng, bởi đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe của người bệnh./.
Phương Vũ