(CMO) Thời gian qua, lực lượng chức năng tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Qua đó, đã phá nhiều vụ án và bắt được nhiều đối tượng liên quan đến tín dụng đen trên địa bàn tỉnh. Song, đây chỉ là bề nổi, vì đường dây tín dụng đen vẫn âm thầm hoạt động, biến tướng với nhiều hình thức tinh vi hơn.
Tổ chức tín dụng đen còn công khai treo biển quảng cáo trên các trục đường chính, có số điện thoại để người cần dễ dàng liên hệ. |
Tập trung rà soát từng đối tượng tình nghi
Qua rà soát trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 1 tổ chức, 4 đối tượng hoạt động liên quan đến tín dụng đen. Phát hiện 23 vụ việc có liên quan đến tín dụng đen, xử phạt 24 vụ, 20 đối tượng và 13 cơ sở vi phạm với số tiền trên 100 triệu đồng. Tăng 15 vụ so với cùng kỳ, tăng 6 đối tượng.
Qua đó cho thấy, tín dụng đen đang ẩn nấp hoạt động với nhiều hình thức, diễn biến phức tạp. Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian qua, nhiều đối tượng ngoài tỉnh móc nối với người trên địa bàn rồi tìm người để cho vay. Trong năm 2020, Công an tỉnh đã tiếp nhận và khởi tố 2 vụ, liên quan đến 3 bị can cho vay nặng lãi trong giao dịch nhân sự liên quan đến người ngoài tỉnh.
Ðiển hình như vụ việc xảy ra vào ngày 23/3/2020 tại Khóm 5, Phường 6, TP Cà Mau liên quan đến 2 bị can là người từ Hà Nội đến Cà Mau để hoạt động. Một vụ xảy ra vào ngày 10/6/2020 tại Khóm 3, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, liên quan đến 1 bị can, đối tượng này từ tỉnh Ninh Bình đến Sông Ðốc để thực hiện giao dịch.
Ðẩy mạnh tuyên truyền
Theo nhận định của ngành chức năng, các đối tượng thông qua các hình thức quảng cáo cho vay tiền trên mạng xã hội, phát tờ rơi tại các nơi công cộng, rải giấy trước nhà các hộ gia đình... Hình thức cho vay tiền chủ yếu là lập hợp đồng mua bán trả góp, cho thuê xe, trên hợp đồng cho vay không ghi lãi suất, làm giả hợp đồng của một số ngân hàng, công ty tài chính để cho vay. Ðiều mới là chúng có thể mua lại nợ xấu của các công ty tài chính sau đó tiến hành đòi nợ.
Những đối tượng vay rất đa dạng, hầu hết cần vốn kinh doanh, người lao động và nhiều đối tượng là mại dâm, cờ bạc... Mặc dù biết lãi suất cho vay rất cao (từ 145-450%) nhưng do tính tiện lợi, nhanh chóng, nhận tiền ngay, nên khi cần gấp để giải quyết công việc nhiều người vẫn chấp nhận vay. Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp trên địa bàn tỉnh sau khi vay không có khả năng trả nợ, bị các đối tượng đe doạ, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản phải cầu cứu cơ quan chức năng hoặc bỏ trốn khỏi địa phương.
Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, thời gian qua lực lượng chức năng đã phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong giao dịch nhân sự. Thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật... để mọi người dân nâng cao ý thức. Không tham gia cho vay lãi nặng, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong năm 2020, Sở Tư pháp đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức 9 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho gần 800 lượt cán bộ, hội viên và Nhân dân tại các xã có hiện tượng tín dụng đen.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Với thủ đoạn không nêu rõ lãi suất trong hợp đồng vay, khi người vay đến hạn nhưng không trả nợ thì các đối tượng cộng cả gốc và lãi vào tổng số tiền vay để tính lãi của kỳ tiếp theo. Song, khi vay người vay phải thế chấp giấy tờ tuỳ thân, có trường hợp người đi vay bán tài sản cho các đối tượng rồi sau đó lập hợp đồng thuê lại, chia nhỏ các gói vay để thu lời thấp nhằm tránh bị xử lý hình sự. Ðồng thời, để che mắt ngành chức năng, các đối tượng này cất giấu những hợp đồng ở những nơi rất kín đáo, dễ tiêu huỷ, tẩu tán nhanh khi bị phát hiện.
Một điểm đáng lưu ý là khi các đối tượng thực hiện hành vi đòi nợ đã dùng rất nhiều đầu số điện thoại khác nhau để nhắn tin, gọi điện đe doạ, khi bị phát hiện thì bỏ sim, xoá tài khoản.
Mặt khác, người vay vì bị hăm doạ nên không dám báo với ngành chức năng, mặc cảm và lo sợ vì không có khả năng chi trả nên trốn khỏi địa phương...
Hình thức đòi nợ thuê cũng có nhiều biến tướng, ngoài việc đổ chất bẩn, chất thải, kéo đông người đến nhà riêng để gây áp lực thì bọn chúng còn sử dụng mạng xã hội, như Zalo, Facebook để đăng tải thông tin không có lợi của con nợ, xuyên tạc, bịa đặt bôi nhọ danh dự, nhân phẩm. Từ đó tạo áp lực để đòi nợ mà người thân của người vay vô tình cũng trở thành điểm công kích cho bọn chúng.
Tuy nhiên, nhìn nhận chung của ngành chức năng hiện đang là thời điểm nhạy cảm, tình hình dịch bệnh hoành hành, diễn biến phức tạp. Công việc làm ăn, kinh doanh khó khăn, nhiều người dân không có việc ổn định... nên rất cần vốn để xoay xở. Ðây là điều kiện để tội phạm hoạt động.
Ðể ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân chỉ đạo cần thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Tập trung điều tra, khám phá nhanh, giải quyết dứt điểm các vụ việc, vụ án có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, không để xảy ra phức tạp, gây mất ANTT trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh phối hợp với Viện Kiểm sát, Toà án để đưa ra xét xử công khai nhằm tuyên truyền, cảnh giác đến các tổ chức, cá nhân, vừa để răn đe, phòng ngừa tội phạm. Ðồng thời, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, thông báo các thủ đoạn của tội phạm để toàn dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa./.
Kim Cương