ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 5-11-24 14:55:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Biểu tượng của niềm tin

Báo Cà Mau

Tranh: MT

Năm 1969, được tin Bác Hồ từ trần, Mỹ - nguỵ hí hửng, xem cách mạng Việt Nam như rắn không đầu. Chúng cho máy bay Ðacota gắn máy phóng thanh cực lớn bay khắp vùng nông thôn loan tin Bác mất, đồng thời tiến hành nhiều chiến dịch bình định lấn chiếm gây khó khăn, tổn thất cho ta, trong đó có chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”. Chúng xem đây là cơ hội cuối cùng tiêu diệt lực lượng ta.

Từ tháng 9/1969 đến cuối năm 1970, địch cho B52 ném bom huỷ diệt trong tỉnh Cà Mau đến 8 lần, làm chết hàng trăm người. Thời điểm cuối năm 1968, huyện Trần Văn Thời chỉ còn 3 đồn, đến cuối năm 1971 địch chiếm đóng đến 64 đồn, trong đó có 4 căn cứ kiên cố. Xã Khánh Lâm (cũ) không ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Ðịch dùng bom đạn tách dân ra vùng chiến lược, hàng vạn người trong cảnh màn trời, chiếu đất.

Khi làm lễ truy điệu, thọ tang và học tập Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, mọi người đều ghi nhớ lời khẳng định của Bác: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Ðó là một điều chắc chắn”. Niềm tin tất thắng đối với Bác trở thành tượng đài uy nghi trong tim mọi người. Bất kỳ ai cũng muốn làm điều gì đó để bày tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Bác, quyết biến đau thương thành hành động cách mạng.

Làm sao có thể hình dung được chỉ trong 7 tháng, ngay sau khi Bác Hồ từ trần tháng 9/1969-4/1970, huyện Duyên Hải, tỉnh Cà Mau (nay là huyện Năm Căn và Ngọc Hiển) xây dựng đến 9 ngôi Ðền thờ Bác Hồ, bởi đền thờ trở thành biểu tượng niềm tin rực rỡ nhất trong tim mọi người lúc bấy giờ:

1. Ngày 3/9/1969, được tin Bác mất, 9 ngày sau (12/9/1969), Ðền thờ Bác Hồ được xây dựng và khánh thành tại Hậu Nà Chim, gần ngã ba Kinh Ðào, ấp Trại Lưới, xã Viên An, huyện Duyên Hải (nay là xã Lâm Hải, huyện Năm Căn). Ðây là ngôi Ðền thờ Bác Hồ đầu tiên được hình thành ngay sau khi Bác Hồ từ trần. Vợ chồng ông Ba Thu, nhà ở gần đền, người hương khói mỗi ngày. Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào khi đi ngang qua đền đều ghé đốt hương kính viếng Bác. Ý tưởng đầu tiên do ông Ngô Văn Khá, Bí thư Chi bộ ấp Trại Lưới, xã Viên An, nhờ ông Nguyễn Tài Bá, cán bộ Tỉnh đội tìm một tấm ảnh Bác Hồ để đem về lập bàn thờ Bác. Nhưng sau khi bàn bạc, trong đó có các ông Nguyễn Văn Tiến (Ba Một), Bí thư Ðảng uỷ xã Viên An và Bảy Lễ, cán bộ Tỉnh đội đã đi đến thống nhất xây dựng ngôi đền.

2. Ngày 6/9/1969, Hội Phụ lão ấp Ông Trang, xã Viên An, huyện Duyên Hải (nay là huyện Ngọc Hiển) đề xuất với đồng chí Trần Văn Thế, Bí thư Chi bộ ấp Ông Trang xây dựng Ðền thờ Bác Hồ. Ý kiến này được Chi bộ ấp Ông Trang và Xã uỷ xã Viên An thống nhất cao. Chi bộ phân công đồng chí Tạ Văn Nghĩa, Bí thư Chi đoàn ấp, tổ chức lực lượng vào rừng đốn đước. Ngày 22/9/1969, Ðền thờ Bác Hồ được dựng lên tại ngã năm Ông Bộng, ấp Ông Trang. Bên trong đền trang trí rất đẹp mắt. Hai bên bàn thờ có 2 câu liễng đối:

“Chí khí tráng sơn hà, cứu quốc anh hùng duy hữu nhất

Minh tinh quang vũ trụ, Á, Âu hào kiệt thị vô song”

3. Ngày 10/9/1969, các đồng chí Tạ Văn Phước, Lê Văn Ðeo đề xuất với Chi bộ ấp Trại Xẻo xây dựng Ðền thờ Bác Hồ tại Xẻo Lạch, ấp Trại Xẻo, xã Viên An, huyện Duyên Hải (nay là xã Lâm Hải, huyện Năm Căn). Ðồng chí Trương Văn Khứng, Bí thư Chi bộ ấp và các đảng viên cùng thống nhất bàn kế hoạch tiến hành. Sau hơn 1 tháng xây dựng, ngày 15/10/1969, Ðền thờ Bác Hồ tại ấp Trại Xẻo khánh thành.

4. Trong những ngày tang lễ Bác Hồ ở Nhà Hội, xã Tân Ân, huyện Duyên Hải (nay là xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển) từ xã đến ấp, từ cơ quan, đơn vị đến từng gia đình đồng bào đều lập bàn thờ trang trọng, tổ chức nhận băng tang và dành những giây phút thiêng liêng nhất để tưởng niệm và ghi khắc công ơn như trời cao, biển rộng của Bác Hồ. Cuối năm 1969, đồng chí Ðái Phước Xem (Năm Thới), Huyện uỷ viên, Bí thư Xã uỷ Tân Ân, tổ chức họp dân bàn việc xây cất đền thờ. Tất cả đều thống nhất và khởi công vào ngày 25/12/1969 âm lịch để kịp rước Bác đón giao thừa. Chiều 29 Tết, từng đoàn xuồng ở các xóm xung quanh Nhà Hội, Bông Súng, lặng lẽ kéo tới. Ảnh Bác Hồ được rước về đặt giữa ngôi đền. Mỗi người một chuyện, cùng nhau gợi lại công lao to lớn và tình cảm sâu nặng của Bác đối với Nhân dân cả nước và đồng bào miền Nam…

5. Tháng 9/1969, Ðền thờ Bác Hồ được xây dựng tại Ðồng Ong Nghệ, ngọn rạch Ngã Quát, ấp Hàm Rồng, xã Năm Căn, huyện Duyên Hải (nay là xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn). Ðền cất hình chữ đinh, lót sàn gỗ đước. Người hương khói là chú Năm Tấn và chú Hai Minh. Ðồng Ong Nghệ cách sông Bảy Háp và đồn giặc ở Ðầm Cùng chừng 2 cây số. Ðây là khu rừng đước bạt ngàn, giao đu phủ kín con rạch Cái Trăn, bắt nguồn từ sông Bảy Háp. Nơi đây xưa kia có rất nhiều ong nghệ, Nhân dân thường lấy tổ ong để làm mồi câu cá. Trong kháng chiến chống Pháp, Ðồng Ong Nghệ là nơi xây dựng cơ quan ấn loát đặc biệt của Nam Bộ để in tiền Cụ Hồ.

6. Cũng trong tháng 9/1969, một ngôi đền được xây dựng ở Kinh Tắc Năm Căn, xã Năm Căn, huyện Duyên Hải (nay là xã Năm Căn, huyện Năm Căn). Ðội “Du kích tí hon” của xã tình nguyện canh giữ Ðền thờ Bác Hồ. Một lần địch càn tới, em Liêm trong đội du kích cầm lựu đạn và la lớn: “Nếu tiến tới tôi quăng lựu đạn chết chịu”. Bọn chúng lùi lại… Mặc dù nhiều lần địch tìm cách phá Ðền thờ Bác Hồ tại Kinh Tắc nhưng đều bị lực lượng ta đẩy lui.

7. Ðền thờ Bác Hồ ở Kinh Cạn, xã Tân Ân, huyện Duyên Hải (nay là huyện Ngọc Hiển). Ðền rộng lớn, sàn bằng cây đước, có bắc cầu đi ba phía, dài hơn cây số để bà con đến cúng Bác và dự lễ. Ông Lữ Văn Vạn, công tác binh vận, đã vận động sĩ quan, binh lính gởi bình bông, nhang đèn và hoa quả vào cúng Bác. Bà Nguyễn Thị Lếnh và ông Ngô Văn Phóc lo việc hương khói tại Ðền thờ Bác.

8. Ðền thờ Bác Hồ ở Kinh Sâu, xã Tân Ân, huyện Duyên Hải (nay thuộc huyện Ngọc Hiển) do các ông Châu Văn Nới, Châu Văn Ðính, Nguyễn Văn Dưỡng, Lưu Văn Thường, Huỳnh Văn Cấm khởi công vào tháng 2/1970. Ðền cất rộng, cột vuông, sơn xanh, đỏ, có chân đèn bằng thau, lư hương và một bộ lư đồng. Các mẹ Nguyễn Thị Thắm, bà Thợ Ba, bà Sáu Quí cùng các chị Bảy Tiết, chị Châu vận động tiếp tế, tổ chức lễ giỗ Bác Hồ rất chu đáo. Ngôi đền khánh thành ngày 19/5/1970.

9. Tháng 4/1970, hơn 100 gia đình đồng bào ở Máng Chim, ấp Cái Xép, xã Viên An, huyện Duyên Hải (nay là huyện Ngọc Hiển) cùng các ông Tạ Văn Dĩ, Lý Văn Nữa, Hứa Minh Bảnh, Dương Văn Bóng và Chi bộ ấp Cái Xép xây dựng ngôi Ðền thờ Bác Hồ tại ngã sáu Cá Mú. Ðền thờ xây dựng bằng cột đước, có chái bắc dần, rộng hơn 60 m2. Phía trước đền có nhà mát, có hành lang. Sàn lót bằng cây đước rất rộng. Phía trước và phía sau đền đều có cầu thang lên xuống. Từ khi ấp Cái Xép có đền thờ, mọi sinh hoạt của chi bộ và các đoàn thể đều tổ chức tại đây. Các ngày lễ, Tết, các lần ra quân đánh giặc, kết nạp đảng viên, đoàn viên, truy điệu liệt sĩ, phóng thích tù binh, đón tiếp binh sĩ địch về với cách mạng; vui chơi, ca hát, văn công biểu diễn, Hội phụ nữ tặng khăn tay cho chiến sĩ… đều được tổ chức long trọng tại Ðền thờ Bác Hồ với thể thức vô cùng tôn kính. Các đồng chí Mã Văn Tến, Phan Quốc Việt, Tạ Việt Thành được kết nạp vào Ðoàn tại ngôi đền này.

Biết Duyên Hải có nhiều Ðền thờ Bác Hồ, địch liên tục tìm cách đánh phá nhưng quân dân ta xem đây là nơi thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Ðánh địch để bảo vệ đền thờ là quyết tâm sắt đá của các lực lượng vũ trang tại vùng Ðất Mũi - Cà Mau.         

“Không ai có thể đánh đổ biểu tượng niềm tin của một dân tộc”. Ðó là chân lý thực tiễn. Do có niềm tin tất thắng nên trong thời gian không lâu (1969-1975), quân dân ta đồng loạt phản công như bão táp giành thắng lợi cuối cùng. Ðến năm 2010 tỉnh Cà Mau vừa trùng tu, tôn tạo, vừa xây dựng mới 21 ngôi Ðền thờ Bác Hồ, quả là con số kỷ lục khẳng định ý chí của những con người mãi mãi đi theo con đường của Bác./.

 

Trường Sơn Ðông

 

Nhớ những ân tình trên đất Bắc

Trong rất nhiều câu chuyện của các cô chú đi tập kết 1954, mỗi người một độ tuổi, một vị trí công tác và ở những địa phương khác nhau, nhưng hầu như câu chuyện nào cũng nhắc đến sự cưu mang, nhường cơm sẻ áo của đồng bào miền Bắc.

Công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc - Các hạng mục đã cơ bản hoàn thành

Công trình xây dựng Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2024, với diện tích hơn 10 ha.

Hồ sơ đi B - Xúc động đường về

Lúc tôi đến nhà và thông tin với Bác sĩ Nguyễn Văn Thể (Phường 2, TP Cà Mau), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang giữ hồ sơ đi B của ông và sẽ liên hệ trao trả, ông hết sức ngỡ ngàng. Cách đây hơn 50 năm, khi về Nam (gọi là đi B), ông đã gửi lại tất cả giấy tờ, hồ sơ cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương, cứ nghĩ những hồ sơ ấy theo thời gian đã bị hư hao và tiêu huỷ.

Những nữ đại biểu dân cử vì dân

Thực hiện chiến lược về bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỷ lệ nữ và nâng cao chất lượng hoạt động của các nữ đại biểu HÐND các cấp, qua đó giúp phụ nữ khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội.

“Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” trong trường học

Nằm trong khuôn viên của Trường THCS Phan Ngọc Hiển, Khóm 4, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” vừa được Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Năm Căn phối hợp với các đơn vị thực hiện và xây dựng. Ðây là mô hình đầu tiên được triển khai trong khuôn viên trường học trên địa bàn tỉnh.

Nghĩa tình phụ nữ xứ Thanh

Cách đây 70 năm, năm 1954, thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, tỉnh Thanh Hoá đón nhận con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc học tập, để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và cả nước sau này. Tại Sầm Sơn, chị em trên địa bàn tỉnh, từng đoàn người đã đem theo cơm ngô, cơm khoai đi đón tiếp. Khi xuống thuyền, nhiều chị tự nguyện cõng thương binh vào bờ, đỡ từng cái ba lô, từng túi gạo; các mẹ đến quạt cho bộ đội, thiếu nhi... như đón người thân trở về.

Sưu tầm được nhiều tư liệu, hiện vật quý

Thực hiện Kế hoạch số 96/KH-BCÐ ngày 6/8/2024 của Ban Chỉ đạo các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, Bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị cho nhiệm vụ triển lãm hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và thành tựu phát triển của tỉnh. Phóng viên Báo Cà Mau trao đổi với ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, xung quanh công tác này.

Bạn cùng trường

Chiếc xuồng giao liên đưa tôi vào con rạch, gọi là Rạch Hàng, con rạch dẫn sâu vào rừng U Minh, để nhập trường, Trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Văn Tố.

“Hẹn ngày trở về” - Nguồn cảm hứng với văn nghệ sĩ

Sau hơn 2 tháng phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc và bài ca vọng cổ Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) với chủ đề “Hẹn ngày trở về”, do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, đã nhận được 85 tác phẩm (trong đó có 61 bài ca vọng cổ và 24 ca khúc).

Tạo cơ hội để cán bộ nữ phát triển, cống hiến

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác phụ nữ: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng. Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ”. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, TP Cà Mau luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển quê hương.