(CMO) Với điều kiện tự nhiên có 3 mặt giáp biển, cùng với bờ biển dài 254 km trải rộng từ Đông (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) sang Tây (xã Khánh Tiến, huyện U Minh), trước áp lực và ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, thời gian qua, bờ biển Cà Mau đang bị bào mòn nghiêm trọng và dự báo sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Nhiều giải pháp kè hộ đê nhưng chưa mang lại hiệu quả an toàn cho đê biển. |
Theo con số thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 189 km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, bên bờ biển Tây bình quân sạt lở từ 20-25 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm, bờ biển Đông bình quân sạt lở từ 45-50 m/năm.
Tại những vị trí có hệ thống đê, kè hộ đê (huyện U Minh và Trần Văn Thời), liên tiếp những năm qua, khi vào mùa mưa bão, cùng với thời điểm triều cường dâng cao đã gây áp lực rất lớn, dẫn đến việc tỉnh phải ban bố tình huống thiên tai nhằm xử lý kịp thời những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Hệ thống đê biển Cà Mau, mà hiện nay được hình thành trên tuyến bờ Tây từ Sông Đốc đến Tiểu Dừa thuộc huyện Trần Văn Thời và U Minh dù đã được kè khá kiên cố nhưng vẫn tiếp tục sạt lở, vẫn tiếp tục “vá đê” với nguồn lực lớn về tài chính. (Ảnh chụp tại tuyến Đá Bạc - Kênh Mới). |
Rừng tại những vị trí đã có giải pháp kè hộ đê vẫn tiếp tục mất đi. Điều này thể hiện rõ nhất tại các xã: Khánh Bình Tây, Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời), Khánh Tiến (huyện U Minh). Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý Bảo vệ đê điều tỉnh, nhìn nhận, thực trạng này đã làm “hở sườn” đê biển, xuất hiện những vị trí có khả năng dẫn đến nguy cơ vỡ đê.
“Tuyến từ Đá Bạc đến cống Kênh Mới thuộc xã Khánh Bính Tây và bờ Nam cống thuộc xã Khánh Hải trước đây còn những vạt rừng, nhưng rồi cuối cùng cũng không trụ vững. Sóng biển vì thế tiến thẳng vào thân đê, gặp những khi triều cường có thời điểm vượt qua mặt đê, làm xuất hiện những vị trí xói mòn mái đê, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào”, ông Đông lo lắng.
Trong tháng 7 vừa qua, tuyến đê biển Tây đã xuất hiện 5 vị trí nguy cơ bị vỡ rất cao, tỉnh phải ban bố tình huống thiên tai, kịp thời có giải pháp công trình theo cơ chế khẩn cấp với nguồn kinh phí gần 37 tỷ đồng.
Hình ảnh cảnh báo này ngày càng xuất hiện với mật độ dày đặc trên tuyến đê biển Cà Mau, càng làm cho bức tranh ứng phó thiên tai của địa phương thêm phần ảm đạm. |
Hiện, trên bờ Tây, từ Rạch Chèo (huyện Phú Tân) đến Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) vẫn chưa có hệ thống đê kiên cố, cũng như tuyến kè hộ đê bên ngoài. Rừng phòng hộ trên tuyến này mất đi ngày càng nhanh và đã xuất hiện những vị trí sạt lở nghiêm trọng tại các cửa biển. Nguồn lực đầu tư giải pháp công trình cho tuyến này hiện vẫn đang trong quá trình huy động từ nhiều nguồn khác nhau.
Trong khi đó, trên tuyến bờ Đông, việc triển khai các dự án kè bảo vệ bờ biển được phân bổ "nhỏ giọt" qua từng năm, theo từng giai đoạn, tại những vị trí đang sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, làm cho việc triển khai giải pháp công trình kéo dài, nhất là đoạn từ cửa Vàm Xoáy đến vàm Kênh 5 (xã Đất Mũi đến Viên An, huyện Ngọc Hiển). Nhiều vị trí cửa biển trên tuyến bờ Đông hiện sạt lở nghiêm trọng mà chưa có nguồn kinh phí thực hiện giải pháp công trình.
Bên bờ biển Đông, sóng biển hàng ngày vẫn tiến vào phá huỷ và bào mòn các cửa sông, cửa biển. (Ảnh chụp tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển). |
Vùng ven biển Đông thuộc xã Tam Giang Đông ngay tại cửa Bồ Đề (huyện Năm Căn) bị bào mòn nghiêm trọng. |
Việc ứng phó thiên tai tại vùng ven biển của tỉnh Cà Mau thời gian qua và hiện nay là… sạt lở ở đâu, đến mức nghiêm trọng, cực kỳ nguy hiểm thì tiến hành kè bảo vệ chỗ đó theo kiểu “vá đê”. Nguồn lực không đủ mạnh nên vì thế mà suốt thời gian qua tỉnh vẫn cứ hụt hơi chạy theo phía sau nhằm khắc phục hậu quả.
Thiên tai ngày càng khốc liệt và diễn biến khó lường, đồng nghĩa bờ biển bị bào mòn nghiêm trọng, đất và rừng ven biển sẽ vẫn còn tiếp tục mất đi và ngày càng lớn rộng hơn, để lại những hậu quả nặng nề và nghiêm trọng, khó có thể khắc phục./.
Trần Nguyên thực hiện