ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 5-7-25 16:26:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bổ sung 04 dự án luật, 01 dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Báo Cà Mau Sáng 11/12, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Trình bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị bổ sung một số dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Cụ thể: Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp đối với Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Đồng thời, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Luật sư (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.

Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã nêu rõ nội dung các đề nghị xây dựng luật, nghị quyết nêu trên. Trong đó, tập trung phân tích sự cần thiết ban hành, các nhóm chính sách lớn và thứ tự ưu tiên, thời điểm trình.

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung dự án Luật Phá sản (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 năm 2025, thông qua tại kỳ họp tháng 10 năm 2025.

Trình bày Tờ trình, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Kết luận số 19- KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 755/NQ- UBTVQH15 ngày 27/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV;... Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Phá sản năm 2014.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng.

Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phá sản (sửa đổi) đề xuất 05 chính sách, gồm: Xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; Xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; Xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quản tài viên, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản; Hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản để khắc phục vướng mắc, bất cập và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cân nhắc thời điểm trình dự án Luật Luật sư (sửa đổi)

Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết bổ sung 04 dự án luật và dự thảo Nghị quyết vào CTXDLPL năm 2025 với những lý do được nêu tại các Tờ trình của Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao; đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chỉ thị số 33-CT/TW và Kết luận số 69-KL/TW của Ban Bí thư, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật.

Hồ sơ đề nghị xây dựng các luật, nghị quyết cơ bản đáp ứng quy định của Luật BHVBQPPL; đồng thời, đề nghị tiếp tục hoàn thiện một số tài liệu trong hồ sơ như được nêu trong các Báo cáo thẩm tra đầy đủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về các chính sách được đề nghị của dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự án Luật Phá sản (sửa đổi), dự án Luật Luật sư (sửa đổi).

Về thời điểm trình, đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị, chưa bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 mà sẽ xem xét, đưa dự án Luật  vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh vào năm 2026.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ 9, khối lượng công tác lập pháp của Quốc hội là rất lớn. Do đó, để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa phù hợp với quỹ thời gian và cân đối khối lượng công việc Quốc hội tại 01 kỳ họp, bảo đảm chất lượng luật được Quốc hội thông qua, căn cứ ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và ý kiến tại phiên họp thẩm tra, kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về thứ tự ưu tiên, thời điểm trình đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Bổ sung 04 dự án luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung 04 dự án luật (dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự án Luật Phá sản (sửa đổi)) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), để ưu tiên các dự án luật có tính chất cấp bách hơn, bảo đảm chất lượng thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận đề xuất của Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tới yêu cầu đổi mới tư duy, quy trình xây dựng pháp luật. Đặt trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với nhiều vấn đề mới phát sinh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, công tác xây dựng pháp luật phải kịp thời, khẩn trương, phúc đáp được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, Bộ Tư pháp cần tham mưu Chính phủ, quán triệt các Bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo kỹ lưỡng, chất lượng ngay từ khâu trình dự án Luật, dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, xây dựng luật theo tư duy đổi mới; tiến hành đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện; phân tích làm rõ các chính sách đề xuất đảm bảo tính khả thi, hiệu quả;...

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Luật sư nhưng về thời điểm trình lùi sang năm 2026. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung 04 dự án là Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với nội dung cơ bản của các chính sách do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp.

Về tiến độ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và dự án Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đối với dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và dự án Luật Phá sản (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị hồ sơ các dự án luật, dự thảo Nghị quyết bảo đảm chất lượng; hoàn chỉnh đánh giá tác động, xây dựng luật theo tư duy đổi mới, làm rõ các chính sách đề xuất;...

UBTVQH biểu quyết về việc bổ sung các dự án luật vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. 

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, với 100% thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc bổ sung các dự án luật vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Uỷ ban Pháp luật hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; thực hiện các thủ tục theo quy định để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết./.

 

Theo quochoi.vn

 

Hướng dẫn xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội

Chính phủ ban hành Nghị định số 192/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị quyết số 201/2025/QH15 ngày 29/5/2025 của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Dự báo thời tiết: Tối ngày 3 và sáng 4/7

Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh, thời tiết trên địa bàn tỉnh đêm 3, ngày 4/7 có mây thay đổi, nắng gián đoạn, nhiều nơi sẽ xuất hiện mưa rào và dông, trong đó có điểm có thể mưa vừa, mưa to.

Ứng dụng mạnh mẽ trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

“Muốn làm được việc phải hiểu việc; phải có kế hoạch cụ thể, từng bước đi, sâu sát, thực tiễn cuộc sống; phải vào cuộc với sự chủ động, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đổi mới đất nước và hội nhập sâu rộng cùng thế giới”. Tổng Bí thư Tô Lâm nêu tại Phiên họp lần 3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về kết quả thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN, ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) 6 tháng đầu năm 2025, sáng 2/7.

Nghị định về đăng ký doanh nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 168/2025/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Các ông Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Đức Hiển làm phó Ban Chính sách, chiến lược Trung ương

Ông Nguyễn Anh Tuấn, bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh (cũ) và ông Nguyễn Đức Hiển, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Cà Mau (cũ), được bổ nhiệm làm phó Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.

Đoàn kết, hợp lực, xây dựng quê hương vươn mình

Ngày 1/7 đánh dấu bước khởi đầu quan trọng khi tỉnh Cà Mau chính thức vận hành bộ máy chính quyền cấp xã và cấp tỉnh sau sắp xếp. Trong không khí hân hoan, đội ngũ cán bộ, công chức, cùng giới nhân sĩ, trí thức, doanh nghiệp trên địa bàn đều thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm hợp lực, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, vững bước trong chặng đường mới.

Công bố Quyết định thành lập Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cà Mau

Sáng 1/7, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị công bố Quyết định thành lập Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau và triển khai công tác cán bộ.

Khí thế phấn khởi ngày làm việc đầu tiên

Hôm nay, ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp xã, phường mới của tỉnh Cà Mau chính thức đi vào hoạt động sau sắp xếp. Với tinh thần chủ động và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính diễn ra thông suốt, chu đáo ngay từ ngày làm việc đầu tiên.

Kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh Cà Mau mở ra chặng đường lịch sử mới

Sáng 1/7, HĐND tỉnh Cà Mau khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, trọng thể tổ chức Kỳ họp thứ Nhất. Đây là kỳ họp mang tính lịch sử sau khi hợp nhất tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu để công bố các quyết định về công tác cán bộ và thông qua một số vấn đề thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh.

Đoàn công tác Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 1/7, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.