ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 28-9-24 08:28:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bức xúc tình trạng xuống cấp trường đạt chuẩn

Báo Cà Mau Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân (bìa phải) kiểm tra và chỉ đạo khắc phục tình trạng xuống cấp tại Trường THCS Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, Cà Mau đưa ra chỉ tiêu hoàn thành đạt chuẩn 70% (trong tổng số hơn 500 trường học) vào năm 2015. Nhiệm vụ này đã được toàn tỉnh nhìn nhận một cách khách quan là “không thể thực hiện”.

Ông Cao Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT, lo lắng: “Số tiền đầu tư để trường được công nhận đạt chuẩn tương đối lớn. Nỗi lo của ngành là làm sao duy trì mức độ đạt chuẩn ở các trường, bởi thực tế nhiều trường đạt chuẩn đang xuống cấp, có nguy cơ không được công nhận khi kiểm tra lại”.

Trần Văn Thời là địa phương có quy mô ngành giáo dục lớn nhất tỉnh, tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, nhất là ở các trường đạt chuẩn.

Di dời học sinh để đảm bảo tính mạng

Trường Mầm non Sơn Ca, Ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã hoàn thành 2 tháng cuối của năm học 2015-2016 theo một cách không giống ai: dời toàn bộ hơn 200 học sinh, mượn phòng học tạm tại Trường THCS Nông trường Quốc doanh U Minh ở kế bên.

Cô Ðoàn Thị Mận, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Được xây dựng cách đây hơn 20 năm, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2011. Nhiều năm qua, chúng tôi đã cố gắng sửa chữa, gìn giữ để đảm bảo công tác giảng dạy, nhưng tới thời điểm này thì hết cách rồi”.

Theo lời cô Mận, 11 lớp học và các phòng dãy hiệu bộ đều bị bong tróc tường, có nơi lộ ra lõi sắt gỉ sét. Nền trường cũng bị sụt lún nghiêm trọng, cá biệt có những vết nứt lớn xuất hiện trên tường. Cô Mận khẳng định: “Hiện giờ trường có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào, chúng tôi phải di dời để đảm bảo tính mạng học sinh”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân (bìa phải) kiểm tra và chỉ đạo khắc phục tình trạng xuống cấp tại Trường THCS Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.

Toàn huyện Trần Văn Thời hiện có 85 trường thuộc Phòng GD&ÐT quản lý. Theo đánh giá của ông Võ Quốc Thống, Phó Chủ tịch UBND huyện: “Hệ thống trường, lớp hiện có đáp ứng được theo yêu cầu tối thiểu của ngành. Tuy nhiên, số phòng học xây dựng cách đây trên 20 năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Ðặc biệt, có 19 điểm trường với 118 phòng học bức xúc nhất cần sửa chữa và xây mới thì mới đảm bảo việc dạy và học cho năm học kế tiếp”.

Cũng theo ông Thống, huyện Trần Văn Thời cần kinh phí để sửa chữa và xây mới 44 nhà vệ sinh để phục vụ cho các trường học. Kinh phí mà huyện Trần Văn Thời đề xuất cho các kiến nghị nêu trên vào khoảng 12 tỷ đồng. Ông Thống nhấn mạnh: “Ðây là yêu cầu bức thiết, trong khi đó nguồn kinh phí của địa phương không thể đảm đương”.

Trường THCS Nông trường Quốc doanh U Minh kề bên cũng trong tình trạng không mấy khả quan. Thầy Trần Bá Tạo, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường đạt chuẩn năm 2005, dãy phòng cũ nhất xây từ năm 1994 đã xuống cấp và không thể tiếp tục sử dụng. Các dãy phòng khác hơn chục năm cũng bắt đầu hư hỏng và cần phải sửa chữa, nâng cấp ngay, nếu không thì năm tới sẽ không đảm bảo việc giảng dạy. Nền, gạch lót đều bị hư hỏng".

Sân trường THCS Khánh Bình Tây cũng bị sụt lún, xuống cấp, gây khó khăn cho sinh hoạt ngoài trời của giáo viên và học sinh.

Riêng tại Trường THCS Khánh Bình Tây, xã Khánh Bình Tây, thầy Ðặng Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, thắc mắc: “Trường mới xây năm 2007 mà bây giờ xuống cấp ghê quá”. Cô Nguyễn Thị Thu Nga, giáo viên nhà trường, nhìn nền lún, bể không thể kê bàn ghế cho học sinh ngồi mà ngao ngán: “Trường đạt chuẩn quốc gia mà cơ sở vật chất thế này thì biết làm sao”.

Tại một số điểm trường ở huyện Trần Văn Thời, khách quan nhìn nhận thì việc cơ sở vật chất xuống cấp sau nhiều năm sử dụng là điều dễ hiểu. Nhưng người ta không khỏi băn khoăn về tình trạng xuống cấp nhanh như thế. Tại sao công việc bảo quản, sửa chữa nhỏ lẻ lại không được các trường chủ động làm mà cứ “trình lên trên xin kinh phí”? Chưa biết câu trả lời thế nào, nhưng cả 3 trường nêu trên đều đã đạt chuẩn và nỗi lo lớn nhất là sẽ mất chuẩn nếu không có tiền tu bổ, xây mới.

Bài toán hóc búa

Trước thực tế nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân đã chỉ đạo ngay trước khi kết thúc năm học 2015-2016: “Riêng huyện Trần Văn Thời phải rà soát thật kỹ, chỉ sửa chữa những điểm thật sự bức thiết và phải làm theo đúng phân cấp ngân sách”.

Theo quy định, bậc mầm non và tiểu học là thuộc ngân sách của huyện và THCS là của tỉnh, nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cũng thừa nhận: “Kinh phí để đầu tư, xây mới của cả tỉnh là quá lớn, trong tình hình khó khăn, ngân sách không thể đảm đương được”. Ðối với huyện Trần Văn Thời, có thể tính đến giải pháp xã hội hoá ở những hạng mục sửa chữa nhỏ. Cũng cần nêu cao hơn nữa ý thức giữ gìn, bảo quản và chủ động của từng đơn vị trường học để đảm bảo cơ sở vật chất.

Theo nhìn nhận của ông Cao Minh Hồng, thì: “Tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất của các trường học, trong đó có rất nhiều trường đạt chuẩn là thực trạng chung, phổ biến của tỉnh Cà Mau”. Ông Hồng khẳng định: “Nhu cầu xây mới, sửa chữa là quá lớn, ngành không thể đảm đương nổi, cần phải có giải pháp để khắc phục tình trạng này”.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Ðầu tư tỉnh Cà Mau Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Kinh phí xây dựng một trường đạt chuẩn trên 10 tỷ đồng. Tốn kém nhất là ở các phòng chức năng và thiết bị. Trên thực tế, tần suất hoạt động và phát huy công năng của các phòng chức năng, thí nghiệm là rất thấp, thiết bị thì hư hỏng và không sử dụng được. Ngành giáo dục cần tránh tình trạng đầu tư nôn nóng, tràn lan, dẫn đến việc mất đi nguồn đầu tư từ ngân sách Trung ương. Nguồn ngân sách của Cà Mau đang rất khó khăn, vì vậy chỉ có thể cân đối ở những điểm thật sự bức xúc và có giới hạn”.

Trước mắt, ông Hồng cho rằng, việc gom các điểm lẻ không còn nhu cầu lại cũng là một cách để giảm nhẹ áp lực về cơ sở vật chất. Trong nhiều năm qua, các điểm lẻ được đầu tư theo kiểu “rải mành mành”, thực chất là giải pháp tình thế để giúp con em vùng nông thôn khó khăn được đến lớp. Hiện nay, hạ tầng giao thông, điều kiện sống của người dân được nâng lên thì vai trò các điểm lẻ đã đến lúc kết thúc.

Tại huyện Trần Văn Thời, 85 trường thì có 85 điểm lẻ, tập trung chủ yếu ở bậc tiểu học. Vấn đề nằm ở chỗ, theo phân cấp ngân sách, huyện cần tiền để xây mới, sửa chữa cho 56 điểm trường, nhưng theo ông Võ Quốc Thống là huyện sẽ “không thể kham nổi”. Ðây mới chỉ là tính toán của một huyện, còn nhu cầu thực tế của toàn tỉnh lớn đến đâu thì chưa thể hình dung nổi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết: “Tỉnh sẽ thành lập các đoàn để kiểm tra, đánh giá nhu cầu xây mới, sửa chữa trường học của tất cả các địa phương, từ đó có cái nhìn tổng quát, cụ thể và tính toán, cân đối sao cho hợp lý để đảm bảo công tác chuẩn bị cho năm học mới”.

Xem ra bài toán xây dựng trường đạt chuẩn vẫn còn đang trong giai đoạn thắt ngặt, nay lại phát sinh thêm chuyện trường đã đạt chuẩn nhưng xuống cấp. Trong chặng đường phía trước, ngành giáo dục Cà Mau sẽ còn lắm nỗi lo toan./.

Bài và ảnh: Phạm Nguyên

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.