Sử dụng kỹ năng, lợi thế cá nhân, nhiều sinh viên tại TP Cà Mau đã tận dụng thời gian ngoài việc học kiếm thêm thu nhập, tích luỹ kinh nghiệm từ công việc bản thân yêu thích.
Điển hình như một số sinh viên năm 2 ngành Công nghệ thông tin tại Trường Ðại học Bình Dương phân hiệu Cà Mau.
Như nhiều sinh viên, Nguyễn Tường Vy muốn tìm một công việc để có thêm trải nghiệm và thu nhập, ngoài thời gian học. Sau khi tìm hiểu về nhu cầu và từ sở thích của bản thân, Vy quyết định chọn việc chụp và chỉnh sửa ảnh.
Vốn có ấn tượng với nghề nhiếp ảnh, lại may mắn có người anh họ cũng đang hoạt động ở lĩnh vực này nên Tường Vy quyết định tìm hiểu. Ðược sự hỗ trợ thiết bị và truyền nghề từ người anh, sau vài tháng, Vy đã tự tin nhận chụp ảnh tại các sự kiện, chân dung, ảnh kỷ yếu cho khách hàng. Nguồn thu từ công việc này đủ để Vy chi trả tiền thuê trọ mỗi tháng.
Nguyễn Tường Vy tự tin nhận chụp ảnh tại các sự kiện, ảnh kỷ yếu, chân dung, tiệc cưới... (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“Việc làm thêm hiện tại vừa đúng sở thích, vừa giúp tôi có thêm thu nhập cho bản thân và hơn hết vẫn chủ động được thời gian. Tôi nhận việc khi rảnh nên không ảnh hưởng đến việc học tập”, Vy chia sẻ.
Với Huỳnh Anh Tài, trước đây nhận việc phụ quán kiếm tiền trang trải cho việc học, sau đó thì Tài chọn cách làm thêm mới là livestream bán hàng trên mạng xã hội.
"Lịch học dày nên tôi khó duy trì công việc phụ quán. Tôi thử lập kênh bán hàng trên TikTok. Kinh nghiệm bán hàng chủ yếu tự đúc kết sau những lần xem live của các kênh khác. Ðiện thoại có sẵn, mình chỉ mua thêm 1 micro là xong”, Tài cho biết.
Huỳnh Anh Tài duy trì khung giờ live cố định mỗi ngày từ 17-19 giờ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sẵn có nguồn thực phẩm khô từ chị ruột, Tài quyết định bắt đầu với mặt hàng này. Những ngày đầu chỉ vài lượt xem và chẳng có đơn hàng nào, Tài vẫn kiên trì, đều đặn từ 17-19 giờ mỗi ngày, tự chuẩn bị mọi thứ rồi tiến hành phiên live. Hôm nào có thêm thời gian, Tài tranh thủ tăng giờ live vào buổi sáng. Sau nhiều ngày cũng xuất hiện vài đơn hàng đầu tiên, tuy rất ít nhưng đã tạo cho chàng sinh viên nhiều động lực.
Sau 3 tháng hoạt động, kênh của Tài đạt gần 5 ngàn người theo dõi, có phiên live lượt xem lên đến 1 ngàn người. “Mỗi công việc đều có cái khó riêng, chủ yếu là mình thấy hợp và có lợi thế ở lĩnh vực nào thì chọn làm công việc đó. Công việc nào cũng mang đến nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm hay”, Tài chia sẻ.
Không dừng lại đó, Tài còn ấp ủ dự định lớn hơn là dựa vào kiến thức chuyên ngành để lập trang web bán hàng riêng. Tài cho biết: “Nếu thành công, mình hy vọng có thể chia sẻ công việc này với các bạn”.
Cũng phát huy, biến sở trường trở thành công việc, bạn Vương Nguyễn Vân Anh từ thời học cấp 3 đã nhận vẽ tranh chân dung để kiếm thêm thu nhập. Kinh nghiệm vẽ chủ yếu được tích luỹ từ học hỏi qua các hội nhóm trên mạng xã hội. Cách thể hiện tranh chân dung của Vân Anh khá đa dạng, như: tranh chì, tranh màu, tranh vẽ bằng những dấu chấm, tranh vẽ bằng cách ghép nhiều chữ... trên nhiều khổ giấy. Giá tranh tuỳ thuộc vào độ khó, kích thước, chất liệu. Tranh chân dung vẽ chì, khổ giấy A4 thường có giá 180 ngàn đồng/bức, tranh màu cùng khổ thì giá 250 ngàn đồng/bức. Mỗi tháng, Vân Anh có khoảng 6, 7 đơn hàng.
Tự trau dồi kỹ năng thông qua mạng xã hội, Vương Nguyễn Vân Anh nhận vẽ thuê tranh chân dung từ những năm học phổ thông. (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Mạng xã hội và khách quen truyền tai là hai phương thức chính giúp Vân Anh mở rộng khách hàng. Thời gian hoàn thành một tác phẩm khoảng 2 ngày hoặc 1 tuần tuỳ theo độ khó. Mọi công đoạn từ giao dịch, nhận ảnh đều thông qua mạng xã hội.
Với công việc tay trái hiện tại, Vân Anh có nguồn thu nhỏ từ thời gian rảnh mà không làm ảnh hưởng đến việc học. Không chỉ vậy, cô sinh viên trẻ còn linh động tham gia nhiều hoạt động của lớp, của trường.
Biết được thế mạnh của bản thân, đồng thời sử dụng hiệu quả lợi ích mà mạng xã hội mang lại để làm đầy kỹ năng, các bạn sinh viên đã sử dụng tốt quỹ thời gian nhàn rỗi để phát triển bản thân song song với việc học. Ðây là bước đệm tốt cho nhiều sinh viên trước khi chính thức bước chân vào thị trường lao động khi ra trường./.
Minh Thừa