Khi tôi chưa tròn 2 tuổi, vì nghèo nên mẹ tôi đành bóp bụng gởi tôi cho hàng xóm giữ giùm để đi làm kiếm tiền. Tôi lại bệnh tật triền miên, bà ngoại thấy vậy nên đem tôi về Cà Mau sống với ngoại. Bên ngoại tôi cũng chẳng khá gì hơn, vì đông con nên những năm lúa thất, mấy dì, mấy cậu phải ăn khoai lang độn cơm.
Khi tôi chưa tròn 2 tuổi, vì nghèo nên mẹ tôi đành bóp bụng gởi tôi cho hàng xóm giữ giùm để đi làm kiếm tiền. Tôi lại bệnh tật triền miên, bà ngoại thấy vậy nên đem tôi về Cà Mau sống với ngoại. Bên ngoại tôi cũng chẳng khá gì hơn, vì đông con nên những năm lúa thất, mấy dì, mấy cậu phải ăn khoai lang độn cơm.
Ngày đó, Cà Mau cá còn rất nhiều. Chỉ cần tát cái ao nước bé tẹo là bắt hoài không hết cá. Ðủ loại cá, nào là cá rô, cá lóc, cá phi, cá thác lác... Nhiều cá như thế nên ngoại tôi làm khô để ăn được lâu. Món cá khô ngoại làm có vị thật đậm đà, có mùi thơm của tỏi và vị cay nồng của tiêu. Mỗi lần ngoại làm khô là phơi cả mấy chục cái sịa, mùi thơm bay khắp cả nhà. Ngoại nhìn dì cháu tôi đang đỏ mắt thòm thèm nhắc: “Chưa có ăn được đâu nghen, phải phơi mấy nắng nữa mới được”. Cứ như thế tôi lớn lên theo từng đợt cá khô của ngoại.
Minh hoạ: H.V |
Giờ đây tôi đã là sinh viên năm cuối ở Sài Gòn, tôi cũng không còn được ở chung với ngoại và ăn cá khô ngoại làm hằng ngày như trước nữa. Hôm nay đứa bạn thân của tôi từ Cà Mau lên Sài Gòn đi học, nó đem đồ đến phòng trọ của tôi và bảo: “Quà của bà ngoại mầy đó!”. Tuy món quà được gói rất kỹ bằng nhiều lớp bọc ni-lông sẫm màu, nhưng tôi vẫn ngửi thấy mùi cá khô thơm nồng, và tôi dám chắc đó là cá khô của ngoại không thể nhầm lẫn được. Tôi mở từng lớp ni-lông ra, những con khô cá lóc đỏ au lộ ra, thơm nồng cả khoang mũi, mắt tôi cay xè vì cảm động. Tôi khóc oà khi nhớ về những năm tháng sống cùng ngoại. Có lẽ vị cá khô của ngoại đã trở thành sợi dây tình cảm thiêng liêng gắn kết tình cảm của ngoại và tôi, cũng như tình cảm mà người ta dành riêng cho mảnh đất cuối trời Tổ quốc
Kim Thoa