(CMO) Tại Cà Mau, hạn hán đã làm thiệt hại và sẽ có nguy cơ gây thiệt hại hơn 41 ngàn ha lúa, hơn 20 ngàn hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt; đê biển bị sạt lở; ở vùng ngọt nhiều tuyến lộ nông thôn bị sụp lún nghiêm trọng... Đó là những khó khăn mà tỉnh Cà Mau đang đối mặt, dù rất quyết liệt triển khai nhiều biện pháp khắc phục mang lại hiệu quả, nhưng để giải quyết triệt để, căn cơ thì cần có sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Có công bố thiên tai hay không? Điều kiện để công bố thiên tai như thế nào đang được tỉnh Cà Mau tính đến bởi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sụp lún, sạt lở đê biển tại tỉnh đã và đang rất nghiêm trọng. Qua rà soát của ngành chức năng, đến thời điểm này, hạn hán đã làm thiệt hại và nguy cơ thiệt hại hơn 41 ngàn ha các trà lúa. Hiện có hơn 20 ngàn hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. Một số khu vực lâm phần mực nước xuống thấp, có nơi đã khô hoàn toàn, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Tổng diện tích khô hạn trên toàn tỉnh đến nay là hơn 43 ngàn ha, trong đó báo động cấp IV, cấp V là 26.566 ha. Khô hạn cũng làm sụp lún các tuyến đường nông thôn với tổng chiều dài 21.583m. Tỉnh đang chỉ đạo ngành chức năng phối hợp các cơ quan chuyên môn thực hiện giám định tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Là địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Lê Phong thông tin: “Hiện phần lớn các con sông, kênh rạch trên địa bàn đã khô kiệt, sụp lún ở các tuyến giao thông nông thôn nghiêm trọng. Tình hình này rất cần ngành chức năng, cơ quan chuyên môn đưa ra giải pháp khắc phục”.
Ngày 26/2, đoàn công tác của Bộ NN và PTNT, do Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2020. Trước đó đoàn đã khảo sát tình hình phòng cháy chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ và tình hình sụp lún đê biển Tây. Qua kiểm tra thực tế đoàn cũng đã ghi nhận những khó khăn mà Cà Mau đang đối mặt.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử thông tin với Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn và đoàn công tác của Bộ NN và PTNT về tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh. |
Tình hình sụp lún tại vùng ngọt Trần Văn Thời đã có nhiều ý kiến đưa ra là nên đưa một lượng nước mặn vừa phải vào để khắc phục, bởi tình trạng sụp lún nguyên nhân lớn nhất là do thiếu nước. Huyện Trần Văn Thời cũng đã khảo sát ý kiến người dân và đa số đồng tình với phương án này, tuy nhiên vấn đề lớn nhất được đặt ra là "hậu hạn mặn có giữ được vùng ngọt hoá hay không nếu người dân tự chuyển dịch sang nuôi tôm nên chỉ mới đặt ra và chưa quyết định".
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải: “Trước tình hình hạn hán nguy cơ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề, UBND tỉnh Cà Mau đã đề xuất đưa nước mặn vào một số tuyến kênh để hạn chế thiệt hại do sụp lún đất. Ngành chức năng địa phương đã lấy ý kiến người dân, tham khảo nhiều chuyên gia và đánh giá rất kỹ để đưa ra phương án này. Tuy nhiên, lãnh đạo Tỉnh uỷ không đồng ý phương án này”.
Về công tác PCCCR của tỉnh thời gian qua, thành viên trong đoàn công tác đánh giá rất cao kết quả thực hiện của Cà Mau bởi qua nhiều năm không có vụ cháy lớn dù thời tiết cực đoan đã gây cháy rừng ở nhiều tỉnh khác.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN và PTNT Hà Công Tuấn kiểm tra công tác PCCR tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: Hoàng Vũ |
Tuy nhiên có một nghịch lý mà thành viên trong đoàn cũng đề cập là khi đề xuất nguồn quỹ cho Cà Mau thực hiện công tác này vẫn còn nhiều vướng mắc bởi nguyên nhân “Cà Mau trong nhiều năm không có cháy rừng nên chưa cấp”. Thực tế nguồn quỹ được cấp cho tỉnh Cà Mau cho công tác PCCCR còn hạn chế, do đó đoàn công tác đề nghị Cà Mau cần có kế hoạch sử dụng nguồn quỹ này đúng mục đích và có hiệu quả để làm cơ sở đề nghị Bộ, ngành cấp thêm kinh phí trong thời gian tới.
Liên quan tới sự cố đê biển Tây đoạn thuộc huyện Trần Văn Thời đang diễn biến phức tạp khi các phần tiếp nối đoạn sụp có nguy cơ tiếp tục sụp, đoàn công tác đề nghị tỉnh Cà Mau cần xử lý theo Luật Đê điều để triển khai phương án hộ đê cùng với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công... Điều này các ngành chức năng liên quan cần tham mưu cho tỉnh. Tuy nhiên, trước mắt cần thực hiện song song phương án hộ đê và phương án xử lý khắc phục, khôi phục lại các đoạn đê này. Đoàn công tác cũng gợi ý là hiện Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh còn khoảng 19 tỷ thì cần sử dụng tối đa nguồn quỹ này để xử lý các sự cố cấp bách về đê điều và hỗ trợ thiếu nước.
Đoàn công tác của Bộ NN và PTNT khảo sát tình trạng sụp lún đê biển Tây. Ảnh: Hoàng Vũ |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đề nghị, Cà Mau đặc biệt quan tâm vấn đề nước ngọt phục vụ người dân trong mùa hạn hán, trong bất cứ trường hợp nào cũng không để người dân thiếu nước. Còn trong lĩnh vực sản xuất, tỉnh Cà Mau cần chủ động tái cơ cấu lại cho phù hợp: “Tái cơ cấu cũng hết sức quan trọng. Vùng trữ ngọt của Cà Mau phổ biến đang canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Kể cả màu cũng phải dùng nước, còn vụ lúa trong mùa khô phải bơm toàn bộ lượng nước trong kênh mương lên. Đáng ra, đó là lượng nước để dự trữ. Cà Mau có thể phải giãn vụ hoặc chuyển đổi qua cây trồng khác”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn lưu ý.
Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thuỷ văn, tình hình hạn hán, thiếu nước sẽ còn tiếp tục diễn biến gay gắt hơn trong thời gian tới. Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm trình Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác khắc phục thiệt hại; có chế độ chính sách đảm bảo cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ở các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng để đảm bảo công tác bảo vệ rừng. Dự kiến tỉnh cần hơn 192 tỷ đồng để phục vụ cho công tác phòng chống hạn hán, phục vụ sản xuất./.
Đặng Duẩn