(CMO) Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, đến ngày 5/3 toàn tỉnh xảy ra lún, sụt gần 25 km đường giao thông.
Trong đó, tuyến đường do cấp tỉnh quản lý sụt lún 7 điểm với tổng chều dài 200 m. Nghiêm trọng nhất xảy ra trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc. Toàn tuyến này khoảng 29 km đã có 4 điểm sụt lún với tổng chiều dài 95 m và tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc có 3 điểm sụt lún với tổng chiều dài 105 m, cùng nhiều vết rạn nứt có nguy cơ sụt lún bất cứ lúc nào.
Hiện trường sụt, lún trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc xảy ra nghiêm trọng làm chia cắt giao thông đối với xe ô tô
Song song đó, tuyến đê biển Tây (đoạn Đá Bạc - Kênh Mới) sụt, lún với tổng chiều dài 240 m. Hiện trường sụt, lún là những rãnh trượt sâu từ 2 đến 3 m. Hiện tuyến đê này còn ghi nhận nguy cơ sụt, lún mới khi ngành chức năng đã phát hiện nhiều vết nứt khối bê tông mặt đê với chiều dài 4.215 m.
Riêng lộ giao thông nông thôn, toàn tỉnh ghi nhận 1.136 điểm sụt, lún, sạt lở với tổng chiều dài hơn 24.000 m.
Trong đó, huyện Trần Văn Thời có 1.109 điểm, trong đó 712 điểm sụt, lún lộ bê tông tổng chiều dài 13.272 m; 397 điểm sụt, lún lộ đất đen với tổng chiều dài 10.058 m.
Theo UBND huyện Trần Văn Thời, thực trạng sụt, lún, sạt lở lộ nông thôn xảy ra nghiêm trọng nhất ở địa bàn các xã Khánh Hải, Khánh Hưng và Khánh Bình Đông, với chiều dài sụt lún của mỗi xã trên 4.000 m.
Mặt đê đã được rào, chắn không để phương tiện giao thông bộ di chuyển
Ở thành phố Cà Mau cũng đã ghi nhận có 15 điểm bị sụt, lún, sạt lở với tổng chiều dài 754 m. Trong đó, 11 điểm sụt, lún và sạt lở lộ bê tông với chiều dài 363 m; 4 điểm sụt, lún, sạt lở lộ đất đen với tổng chiều dài 391 m.
Huyện U Minh đã ghi nhận có 12 điểm sụt, lún lộ đất đen với tổng chiều dài 620 m.
Với các điểm sụt, lún lộ giao thông nông thôn các địa phương đã tiến hành rào chắn và phân luồng, hướng dẫn lưu thông vòng sang các tuyến khác.
Khối bê tông mặt đê bị xé toạc từng mảng do lún, sụt
Đối với đoạn sụp lún đê biển Tây và những vị trí đang có nguy cơ sụt lún nếu không xử lý kịp thời, khi mùa mưa bão năm nay đến sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào, thiệt hại sẽ còn nghiêm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản, sản xuất của người dân sống bên trong đê.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất chủ trương triển khai thực hiện hạng mục công trình bơm đất kênh mương đê đoạn Kênh Mới - Đá Bạc; san lấp mặt bằng khu tái định cư xen ghép Đá Bạc và xử lý chống thấm bản đáy một số cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh theo tình huống khẩn cấp, nhằm kịp thời bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp./.
Phong Phú