Bộ NN&PTNT sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ về đề án khắc phục sụt lún, sạt lở khu vực ĐBSCL. Giao Cục Thuỷ sản phối hợp với các tỉnh xem xét kiến nghị thực hiện các đề án phát triển ngành hàng tôm, cá tra. Phối hợp với các bộ, ngành xem xét các kiến nghị của địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Đó là ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong buổi làm việc trực tuyến của Đoàn công tác Chính phủ với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất khẩu trên địa bàn các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, chiều 27/9.
Chủ trì tại điểm cầu Cà Mau có Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại và Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi.
9 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản của tỉnh đạt 483.193 tấn, bằng 74,1% kế hoạch, tăng 1,8% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 80.271 tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch, tăng 19,9% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,1% so cùng kỳ.
Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 9 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 959,3 triệu USD, bằng 76,8% kế hoạch, tăng 9% so cùng kỳ.
Sản lượng phân bón 9 tháng của tỉnh Cà Mau ước đạt 921.122 tấn, bằng 88,7% kế hoạch, tăng 14,5% so cùng kỳ. (Ảnh minh hoạ)
Đến ngày 24/9, thu ngân sách Nhà nước đạt 4.456,2 tỷ đồng, bằng 83,5% so dự toán, tăng 9,4% so cùng kỳ; chi ngân sách Nhà nước đạt 7.768,7 tỷ đồng, bằng 61,8% so dự toán, giảm 14,9% so cùng kỳ.
Kế hoạch đầu tư công năm 2024 (bao gồm năm 2023 chuyển sang) đến ngày 17/9 đã giải ngân đạt 2.222,1 tỷ đồng, bằng 42,5% kế hoạch; cùng kỳ năm 2023 giải ngân 2.571,5 tỷ đồng, bằng 53,4% kế hoạch.
Từ đầu năm đến nay, có 377 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 2.591,5 tỷ đồng, bình quân vốn đăng ký 6,9 tỷ đồng/doanh nghiệp; giảm 16,2% về số lượng doanh nghiệp nhưng quy mô vốn bình quân đăng ký mỗi doanh nghiệp tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 có 450 doanh nghiệp thành lập mới, vốn bình quân đăng ký 4,4 tỷ đồng/doanh nghiệp).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 459 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 146.620,8 tỷ đồng (trong đó có 11 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 163,5 triệu USD).
Đối với các dự án do Trung ương đầu tư đang thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh, như: cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Cà Mau và các dự án đang triển khai bước chuẩn bị đầu tư như: nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn TP Cà Mau - Năm Căn; nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi; nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau… tỉnh luôn quan tâm, phối hợp và xử lý kịp thời các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Các chương trình mục tiêu quốc gia đến ngày 24/9, đã giải ngân 302,649 tỷ đồng, bằng 32,7% kế hoạch; trong đó, vốn đầu tư phát triển 277,748 tỷ đồng, bằng 36,8% kế hoạch (vốn ngân sách Trung ương 81,666 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương 196,082 tỷ đồng), vốn sự nghiệp 24,901 tỷ đồng, bằng 14,8% kế hoạch (vốn ngân sách Trung ương).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi kiến nghị với Trung ương về hỗ trợ các dự án chống sạt lở và đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải.
Tính đến thời điểm báo cáo, đã có 30 kiến nghị đã gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương thông qua các thời điểm đoàn công tác làm việc trực tiếp, trực tuyến với tỉnh (các bộ, ngành và cơ quan Trung ương đã có văn bản trả lời và xử lý 25 kiến nghị của tỉnh).
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi bổ sung 5 kiến nghị mới, bao gồm đề xuất Bộ Công thương xem xét xuất khẩu điện trực tiếp ra nước ngoài và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ tỉnh xây dựng Đề án phát triển vùng Đất Mũi Cà Mau. Các kiến nghị cũng tập trung vào việc hỗ trợ các dự án chống sạt lở và đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ với các địa phương về tình trạng sụt lún, sạt lở thời gian qua. Do nguồn lực của Nhà nước có hạn, kiến nghị của các địa phương đối với từng dự án cần kèm theo phương án thuyết minh rõ ràng./.
Hồng Phượng