(CMO) Phân giao kinh phí hoạt động thường xuyên cho giáo dục chưa theo nghị quyết HĐND tỉnh là vấn đề được đoàn giám sát do Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh chỉ ra trong chuyến giám sát tình hình thực hiện chủ trương sắp xếp trường, lớp, giáo viên và kinh phí hoạt động của các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Cái Nước vào ngày 16/5.
Đoàn giám sát của Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại trường mẫu giáo Đông Thới, xã Đông Thới, huyện Cái Nước.
Đoàn đã đến giám sát thực tế tại 6 trường ở các bậc học thuộc xã Đông Thới và Lương Thế Trân. Theo chủ trương chung, Cái Nước có tổng cộng 53 trường ở các bậc học từ mầm non đến THCS. Hiện các trường mầm non và tiểu học còn 75 điểm lẻ, giảm 22 điểm lẻ so với năm học trước. Số giáo viên đã tinh giản, cắt hợp đồng, nghỉ việc, chuyển công tác 42 người; số giáo viên phải đào tạo chuyển đổi chuyên môn 10 người.
Theo báo cáo của ông Trần Quốc Trí, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Cái Nước, thì kinh phí được cấp của ngành năm 2019 hơn 64 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 tỷ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, qua rà soát, việc phân giao kinh phí hoạt động thường xuyên cho các đơn vị trường học của địa phương Cái Nước chưa đúng theo tinh thần Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh. Cá biệt, như ở trường Tiểu học Đông Thới 3, kinh phí hoạt động thường xuyên chỉ ở mức trên 5% nếu tính theo quy định.
Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐND quy định rõ, kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị trường học được phân giao căn cứ trên đầu học sinh. Ở khu vực nông thôn, bậc tiểu học là 880.000 đồng/học sinh/năm; trẻ mầm non là 1.300.000 đồng/học sinh/năm. Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thông tin: “Đây là Nghị quyết HĐND, là căn cứ pháp lý để áp dụng chung trên địa bàn toàn tỉnh, việc phân giao kinh phí hoạt động thường xuyên cho các trường không thể tuỳ ý”.
Trong cả 6 đơn vị trường học mà đoàn giám sát làm việc, theo tính toán thực tế, kinh phí hoạt động chỉ giao động dưới mức 50% theo quy định. Đây là con số quá thấp, gây khó khăn trực tiếp đến hoạt động của các đơn vị trường học.
Bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh cho hay: “Đoàn giám sát sẽ tổng hợp tình hình phân giao kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Phải lấy nghị quyết của HĐND làm căn cứ, không thể mỗi nơi làm một kiểu”.
Với tình hình thực hiện chủ trương sắp xếp trường lớp, giáo viên, bà Khuê cho rằng, việc xoá hay giữ điểm lẻ cần đánh giá một cách toàn diện, phải lấy lợi ích của học sinh làm ưu tiên. Bà Khuê chia sẻ những khó khăn về cơ sở vật chất của các trường và những băn khoăn trong quá trình thực hiện sắp xếp trường lớp và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của tỉnh Cà Mau là thực hiện chủ trương một cách kiên quyết, bài bản, hợp tình hợp lý để tiến tới việc nâng chất, đổi mới giáo dục một cách toàn diện.
Quốc Rin