Tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng về du lịch, nhất là tiềm năng du lịch sinh thái, với khoảng 28 khu, điểm du lịch, dịch vụ du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh vẫn chưa có sản phẩm OCOP du lịch. Thế nên, việc phát triển các sản phẩm OCOP du lịch đang là hướng đi được khuyến khích phát triển, tập trung nguồn lực thực hiện. Các sở, ngành tỉnh đang tích cực hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, sớm đưa sản phẩm du lịch vào danh sách OCOP tỉnh nhà.
Qua rà soát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch dự kiến hỗ trợ 2 chủ thể tiềm năng về du lịch (Hương Tràm và Cà Mau - ECO) lập hồ sơ đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP du lịch.
Ðể xây dựng sản phẩm OCOP du lịch tại 2 điểm du lịch này, các chủ thể chú trọng đầu tư, đảm bảo chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho du khách; tổ chức các hoạt động tham quan ngắm cảnh, trải nghiệm cuộc sống lao động, sinh hoạt của người dân, mang đậm nét văn hoá truyền thống địa phương.
Tuy nhiên, sản phẩm OCOP du lịch là sản phẩm mới, do người dân chưa hiểu về sản phẩm cũng như các tiêu chí nên sẽ gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện.
Bà Ngô Huỳnh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cà Mau (Cà Mau - ECO), huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: "Hiện tại, công ty đang làm hồ sơ sản phẩm OCOP, bước đầu có những thuận lợi. Bộ tiêu chí hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, chỉ cần bám sát và làm theo, cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực từ các sở, ban, ngành về các trình tự thủ tục có liên quan, để đạt được chứng nhận đủ tiêu chuẩn. Ðặc biệt, ngay từ khi mới thành lập, Cà Mau - ECO đã có những định hướng nghiêm túc về tiêu chuẩn và chất lượng, không chỉ về dịch vụ mà còn là trách nhiệm với xã hội, thể hiện qua việc ưu tiên sử dụng năng lượng xanh và hạn chế tối đa tác động đến môi trường. Cà Mau - ECO xác định rõ quy mô doanh nghiệp nên có phân nhiệm vụ rõ ràng, theo đúng quy chuẩn hoạt động của một công ty. Khi nghiên cứu bộ tiêu chí đánh giá OCOP về du lịch, rất phấn khởi vì những định hướng hoạt động ban đầu của công ty đã đi đúng hướng, phù hợp. Vấn đề là hiện thực hoá lên văn bản, biến những điều đang thực hiện thành hồ sơ để tham gia đánh giá".
Trải nghiệm chèo xuồng, bơi xuồng ba lá tại Khu Du lịch sinh thái Cà Mau (Cà Mau- ECO).
Bên cạnh đó, công ty gặp một số khó khăn nhất định. "Cà Mau - ECO vẫn cần hoàn thiện và bổ sung một số hạng mục theo yêu cầu, làm hồ sơ đạt các tiêu chí của từng lĩnh vực. Ðòi hỏi nhân sự tham gia thực hiện hồ sơ phải có chất lượng và gắn bó với công ty. Cà Mau - ECO xa đô thị, vấn đề nhân sự chất lượng cao là thách thức và trở ngại lớn nhất, đồng thời do nằm trên khu vực đất rừng, nên hồ sơ yêu cầu về môi trường phức tạp, hiện vẫn đang liên hệ để xin hướng dẫn, từng bước thực hiện. Riêng tiêu chí về sở hữu trí tuệ của thương hiệu, Cà Mau - ECO vẫn chưa có giải pháp hợp lý cho thương hiệu, do gắn liền với địa danh. Ðây là hạn chế khó khắc phục để tham gia đánh giá ở tiêu chuẩn 4 sao, dù các tiêu chí khác có thể đạt đủ số điểm cho OCOP 4 sao", bà Trang thông tin.
Ông Giang Hoàng Hon, Giám đốc Ðiểm Du lịch Hương Tràm, chia sẻ: "Khi có hỗ trợ đưa dịch vụ du lịch vào đánh giá xếp hạng OCOP, đơn vị sẵn sàng tham gia, chuẩn bị hồ sơ theo bộ tiêu chí. Tính đến nay, cơ bản hoàn thành hồ sơ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của các ngành, các cấp liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đánh giá xếp hạng mới theo tiêu chí OCOP du lịch, các đánh giá nhận xét đều phải có chứng minh, dẫn chứng, hình ảnh minh hoạ; có vài tiêu chí cần có thời gian bổ sung như: nhãn hiệu độc quyền, môi trường... Kiến nghị cho nợ những tiêu chí chưa kịp, các cơ quan trực tiếp tham mưu đánh giá hồ sơ giúp chủ thể hoàn thành bộ hồ sơ sớm nhất".
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Ðiểm Du lịch Hương Tràm. (Ảnh điểm du lịch cung cấp)
Theo ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù hiện nay một số điểm dịch vụ du lịch được địa phương quan tâm đưa vào khai thác, nhưng định hướng phát triển chưa rõ ràng; các sản phẩm OCOP của tỉnh chưa có sự kết nối đưa vào các điểm du lịch; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông còn tự phát nên chất lượng chưa cao.
"Ðể một sản phẩm OCOP du lịch ra đời và tồn tại lâu dài, không dễ dàng, cần tổng hoà nhiều yếu tố: thuận lợi về địa lý, mới mẻ, sáng tạo thu hút du khách, hay kinh nghiệm trong việc quản trị, tiếp cận thị trường du lịch, hạ tầng...", ông Quân cho biết.
Ðã qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ 2 chủ thể tiềm năng nêu trên về thủ tục có liên quan, tạo điều kiện cho chủ thể hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Hiện nay, qua báo cáo của các chủ thể, khó khăn về hồ sơ lập thủ tục bảo vệ môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Trần Văn Thời, U Minh rà soát, có giải pháp hỗ trợ, phấn đấu kịp tham gia đánh giá trong năm 2024.
Cà Mau có tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng rất lớn, với trên 28 điểm đang hoạt động. (Ảnh chụp tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ).
Toàn tỉnh hiện có 142 sản phẩm OCOP của 68 chủ thể, trong đó có 29 sản phẩm của 16 chủ thể đạt 4 sao và 113 sản phẩm của 60 chủ thể đạt 3 sao. Theo kế hoạch đăng ký đầu năm của các địa phương, có 79 sản phẩm/54 chủ thể đăng ký tham gia (trong đó tham gia mới 64 sản phẩm/44 chủ thể; tham gia đánh giá lại 15 sản phẩm/10 chủ thể).
Việc phát triển sản phẩm OCOP du lịch góp phần làm phong phú thêm sản phẩm OCOP của tỉnh, đồng thời là tiền đề mở ra thêm nhiều sản phẩm OCOP du lịch chất lượng, hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Cà Mau với du khách, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái./.
Loan Phương