(CMO) Đó là ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tại Hội nghị bàn giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa với các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các Bộ, Viện, Cục vào chiều ngày 24/2.
Như Báo Cà Mau đã thông tin: Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đã xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn khu vực và tỉnh.
Đoàn công tác của Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau đến khảo sát điểm sụp lún tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc (Ảnh Chí Diện)
Tính từ đầu năm đến ngày 19/2/2020 trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 18.000 ha các trà lúa bị thiệt hại. Trong đó phân theo tỷ lệ thiệt hại từ 30 đến 70% có hơn 5.500 ha; thiệt hại trên 70% hơn 12.500 ha; phân theo trà lúa, lúa- tôm thiệt hại hơn 15.900 ha; trà lúa Đông- Xuân hơn 2.100 ha; lúa mùa hơn 100 ha; rau màu bị thiệt hại là 3,6 ha.
Diện tích rừng bị khô hạn đến nay hơn 42.800 ha, trong đó khô hạn báo cháy cấp II là 8.160,4 ha; cấp III là 11.450,6 ha; cấp IV là 11.156,3 ha; cấp V là 12.101,5 ha. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 20.542 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.
Các tuyến đường do cấp tỉnh quản lý đã sụp lún 5 điểm trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, nhiều vết rạn nứt trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời); đối với lộ giao thông nông thôn đã có 907 vị trí sụp lún với tổng chiều dài hơn 21.600 m.
Ngày 23/2, tuyến đê Biển tây tiếp tục sụp lún 90m. Đến nay tuyến này đã 2 lần sụp lún với tổng chiều dài gần 200m
Trong 2 ngày 18 và 23/2, tại tuyến đê biển Tây, đoạn từ Đá Bạc về Kênh Mới liên tiếp xảy ra sụp lún mặt đường với chiều dài trên 190 m. Mặt đê bị lún sâu từ 1.8 - 2 m.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay: “Tỉnh đang cân nhắc, xem xét và nghiên cứu đến vấn đề ban bố tình huống sự cố công trình. Trong khi đó, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 4 địa phương công bố tình huống thiên tai. Trước mắt tỉnh Cà Mau đề xuất đưa nước mặn vào một số tuyến kênh để chống sụp lở đất. Tuy nhiên rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, viện để hỗ trợ tỉnh có giải pháp khắc phục hiệu quả nhất”.
Trong khi đó, năm 2016 khi hiện tượng Elnino xảy ra, nắng nóng gây hạn hán kéo dài, chênh lệch mức nước phía biển Tây với nội đồng lên trên 2,5 m, gây mất phản áp, đã xảy ra hiện tượng xói bản đáy cống Đá Bạc làm nước mặn xâm nhập vào phía nội đồng.
Diện tích khá lớn đậu xanh ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời dự báo sẽ giảm một nửa sản lượng do thiếu nước tưới tiêu
Một thông tin khác, hiện với chênh lệch mức nước trong nội đồng và ngoài sông từ 2.5 m đến 3.5 m làm cho cống Kênh Mới, cống Sào Lưới trên đê biển Tây; cống Trùm Thuật Nam trên tuyến đường Rạch Ráng – Sông Đốc mất ổn định. Qua khảo sát, kiểm tra có 18 cống vùng ngọt hóa đang có hiện tượng giống như các cống nêu trên.
Sau khi tiến hành khảo sát một số vị trí sụt lún, xâm mặn vào sáng 24/2, GS.TS Tăng Đức Thắng, Chuyên gia cao cấp Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng: Việc UBND tỉnh Cà Mau nghiên cứu, xin ý kiến chuyển đổi mô hình sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm trên khu vực vùng ngọt cũng có thể khả thi. Bởi, khi khảo sát chúng tôi có dữ liệu để nhận định vùng phân biệt rõ rệch 2 mùa mặn ngọt. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình sản xuất như đã đề xuất, tỉnh cần nghiên cứu thêm những vấn đề liên quan khác nhằm mang tính pháp lý hiệu quả.
Cùng quan điểm với GS.TS Tăng Đức Thắng, ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng: Chuyển đổi mô hình sản xuất vùng ngọt nhằm thích ứng mùa hạn mặn và giữ được các công trình giao thông là cần thiết cho vùng ngọt ở Cà Mau. Tuy nhiên, tỉnh cần xem xét lại các công trình thủy lợi, bởi ở Thới Bình (vùng lúa tôm) như đã báo cáo cũng bị thiệt hại lúa trên đất nuôi tôm.
Về đề xuất đưa nước mặn vào một số tuyến, trục kênh để giữ chân tránh sụp lở các công trình giao thông, phương án này cũng được nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến và hiến kế. Tuy nhiên vẫn còn ý kiến trái chiều, e ngại khi đưa nước mặn vào sẽ gây xâm mặn nặng nề hơn ở vùng ngọt.
Cống Trùm Thuật A sau hơn 45 ngày bị soi đáy xâm mặn đã được khắc phục ổn định
Đối với việc thiếu nước sinh hoạt cục bộ ở một số tuyến dân cư, ông Triệu Đức Huy, Phó tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 6 điểm quan trắc (1 của Trung ương và 5 của địa phương phối hợp thực hiện) là các giếng khoan theo chương trình cung ứng nước ngọt vùng nông thôn do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, như giếng ở ấp 1, xã Trần Hợi có lưu lượng 1000 m3 ngày đêm tỉnh có thể triển khai các tuyến đấu nối để bàn giao cho người dân sử dụng. Hiện tỉnh đã bàn giao sử dụng 3 điểm, còn lại sẽ xúc tiến bàn giao, đấu nối sớm nhất để phục vụ.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau khẳng định: Theo các quy định hiện hành, tỉnh Cà Mau có thể công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp hạn hán mức độ 2. “Chúng tôi đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để trình UBND tỉnh xem xét”, ông Hoai nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Ý kiến của các chuyên gia đối với thực trạng diễn ra hiện hữu về sụp lún, xâm mặn do hạn hán ở Cà Mau là rất quý. Là cơ sở khoa học để tỉnh cùng các ngành nghiên cứu, xem xét đưa ra giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Chính phủ xem xét để công bố tình trạng thiên tai hạn hán. Bởi thiệt hại do sụp lún mùa hạn ở Cà Mau đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ”, ông Sử nhấn mạnh.
Dự báo mùa khô năm 2020 có thể kéo dài đến tháng 5 thậm chí tháng 6. Trong khi hiện nay tình hình sụp lún, sạt lở đã xảy ra nghiêm trọng; địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhưng chưa có hiệu quả. Nếu kéo dài đến hết mùa khô thiệt hại sẽ rất lớn. Vì vậy, trong khi chờ đợi nghiên cứu thực hiện biện pháp căn cơ, lâu dài, trước mắt đòi hỏi phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời để giảm thiểu thiệt hại./.
Phong Phú