(CMO) Thượng tá Võ Văn Sử, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau (BĐBP) cho biết, đơn vị đã phân các tổ công tác về các cửa biển trong tỉnh trực tiếp chỉ đạo các đồn biên phòng tiếp tục phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, sử dụng hệ thống thông tin lên lạc kêu gọi ngư dân đang hoạt động trên biển, đặc biệt các phương tiện hoạt động gần khu vực nguy hiểm biết vị trí, diễn biến của bão số 16 nhanh chóng vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.
Hôm nay, ngày 24/12, tại các cửa biển, BĐBP tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào hoạt động trên khu vực biên phòng, phối hợp các lực lượng chức năng và địa phương hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu đúng quy định. Tiếp tục rà soát, thống kê, kiểm đếm số lượng người, phương tiện đang hoạt động trên biển, nhất là các phương tiện đánh bắt xa bờ. Thực hiện nghiêm lệnh cấm tất cả người, phương tiện ra biển hoạt động theo lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc kêu gọi, hướng dẫn ngư dân vào khu neo đậu tránh trú bão số 16.
Tổng số phương tiện trên toàn tỉnh hiện có 3.465 tàu/22.049 lao động. Đến 10 giờ 30 phút ngày 24/12, các đồn biên phòng trong tỉnh đã kêu gọi được 2.919 tàu/18.482 lao động vào bờ và neo đậu tại bến an toàn. Hiện còn 546 tàu/3.567 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó xa bờ 176 tàu/1.194 lao động; từ Đông Nam Hòn Khoai đến Bãi cạn Cà Mau 16 tàu/73 lao động; khu vực Thổ Chu 160 tàu/1.121 lao động; khu vực gần bờ 370 tàu/2.373 lao động. Tất cả 546 tàu đang hoạt động trên biển, BĐBP đã liên lạc được và đang trên đường vào nơi tránh trú an toàn.
Người dân ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước khẩn trương chằng chống nhà cửa. Ảnh: Hoàng Diệu
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp địa phương và các lực lượng tại chỗ tuyên truyền, nhất là người dân đang sinh sống ở những địa bàn trọng yếu, ven biển có biện pháp di dời, đề phòng mưa dông, nước dâng kết hợp triều cường, nhất là lốc xoáy. Làm tốt công tác chuẩn bị và có phương án xử lý tốt các tình huống xảy ra khi có bão đổ bộ vào địa bàn.
Đến thời điểm này, huyện Ngọc Hiển đã chủ động lên các phương án ứng phó bão số 16 với tinh thần cao nhất. Việc sơ tán dân, kêu gọi các phương tiện trong và ngoài tỉnh cập bến để phòng tránh bão được thực hiện khá nghiêm túc.
Một số phương tiện đã vào cửa biển Rạch Gốc neo đậu an toàn. Ảnh: Chí Hiểu
Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, hiện các phương tiện địa phương đã cập bến an toàn. Riêng các phương tiện đánh bắt xa bờ, còn khoảng 230 phương tiện, đang trên đường vào bến. Ngoài những phương tiện của địa phương, Ngọc Hiển có khoảng 200 phương tiện ngoài tỉnh cập bến.
Trung tá Lê Đình Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Rạch Gốc thông tin, đã chủ động liên lạc với hầu hết các phương tiện của địa phương đánh bắt trên biển. Đồn Biên phòng không cho các phương tiện đánh bắt ra khơi trong giai đoạn này, khi thời tiết ổn định mới cấp lệnh.
Trong sáng nay, 24/12, UBND huyện Ngọc Hiển đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường bám địa bàn để tuyên truyền và cử lực lượng giúp Nhân dân chằng chống nhà cửa. Đồng thời, huyện thành lập 8 đoàn cán bộ khảo sát và tuyên truyền, vận động khoảng 1.000 hộ dân sinh sống ven biển và các cửa biển vào nơi ở tránh trú an toàn. Qua đó, huyện bố trí 34 điểm tránh trú phòng khi có bão xảy ra.
Lê Khoa – Chí Hiểu
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16, ở quần đảo Trường Sa có mưa bão, ở Huyền Trân và đảo Trường Sa Lớn gió tiếp tục mạnh lên với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Vị trí tâm bão lúc 13 giờ hôm nay, 24/12: 8,3N-112,7E; cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 190 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ nhanh 20-25 km/h. Chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10 m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân. Do sóng biển cao 10 m nên ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến hạ tầng trên quần đảo. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn). Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250 km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150 km tính từ vùng tâm bão. Dự báo, đến 22 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ vĩ Bắc; 106,0 độ kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9 m. Cấp độ rủi ro thiên tai ở vùng biển gần bờ (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo) và đất liền ven bờ: cấp 4. Dự báo bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25 km/h), đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. |