(CMO) Trước thực trạng diễn biến phức tạp của hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún đất vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau, sáng 24/2, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp thông tin nhanh với đại diện Bộ, Cục, Vụ, Viện của Trung ương về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho hay: Vùng Bắc Cà Mau có diện tích tự nhiên hơn 154.000 ha, trong đó có hơn 100.000 ha đất nông nghiệp và gần 45.000 ha đất lâm nghiệp. Năm 2002, UBND tỉnh quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Cà Mau là vùng ngọt hoá (Hiện nay theo quy hoạch vùng ngọt hóa là 154.000 ha, tuy nhiên sản xuất trong vùng này đan xen nhiều loại hình. Qua rà soát thì diện tích thực tế phục vụ sản xuất hệ sinh thái ngọt là 100.591 ha). Theo đó, vùng được chia làm 5 tiểu vùng, đến nay Tiểu vùng III và phần lớn Tiểu vùng II Bắc Cà Mau còn giữ được ngọt hoá.
Vùng có 120 km đê, 69 cống xây dựng cơ bản, 4 trạm bơm và 2.203 km kênh các cấp (kênh trục cấp I có 61 tuyến, chiều dài 769 km; kênh cấp II có 173 tuyến, chiều dài 1.030 km; kênh cấp III, nội đồng có 210 tuyến, chiều dài 404 km).
Đến thời điểm này, Cà Mau có hơn 1.000 điểm sụt lún và gần 200 m đê biển Tây bị hư hỏng nặng
Mùa hạn năm 2016 làm thiệt hại các trà lúa hơn 64.000 ha và hơn 43.500 ha rừng tràm bị khô hạn, nguy cơ cháy cấp V. Đàn gia súc bị chết 2.046 con, gia cầm là 7.754 con. Toàn vùng có 94 tuyến công trình xảy ra sạt lở, sụt lún, làm hư hỏng 113 km đường giao thông. Có 9.843 hộ dân thiếu nước sạch sử dụng. Tổng thiệt hại 1.500 tỷ đồng.
Mùa hạn năm nay đang diễn biến hết sức phức tạp. Đã có hơn 1.000 điểm sụt lún và gần 200 m đê biển Tây bị hư hỏng nặng. Vùng ngọt có nguy cơ bị xâm mặn. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 18.000 ha lúa bị thiệt hại. Diện tích rừng bị khô hạn hơn 42.800 ha (trong đó cấp II là 8.160,4ha; cấp III là 11.450,6 ha; cấp IV là 11.156,3ha; cấp V là 12.101,5 ha). Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.
Các tuyến đường do cấp tỉnh đã sụt lún 5 điểm trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, nhiều vết rạn nứt trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc; đối với lộ giao thông nông thôn đã có 907 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 21.600 m.
Tỉnh Cà Mau đề xuất phương án đưa nước mặn vào một số tuyến kênh để chống sụt lún
Hiện nay, với chênh lệch mức nước trong đồng và ngoài sông từ 2.5 m đến 3.5 m làm cho cống Kênh Mới, cống Sào Lưới trên đê biển Tây; cống Trùm Thuật Nam trên tuyến đường Rạch Ráng – Sông Đốc mất ổn định, nước mặn xâm nhập vào phía nội đồng (nước mặn chảy dưới bản đáy cống và hai bên mang cống). Qua khảo sát, kiểm tra có 18 cống vùng ngọt hóa đang có hiện tượng giống như các cống nêu trên.
Ngay sau khi nghe báo cáo tình hình của tỉnh, các chuyên gia, bộ ngành đã khảo sát trực tiếp vùng bị thiệt hại. Dự kiến, 14 giờ ngày 24/2 tỉnh sẽ cùng lãnh đạo bộ, ngành và các chuyên gia bàn giải pháp khắc phục.
Trước mắt, tỉnh Cà Mau đã đề ra nhiều giải pháp cho từng thiệt hại. Trong đó có sự so sánh giữa các vùng (mặn, ngọt) và sự so sánh ở mỗi vùng qua các năm bị thiệt hại, không bị thiệt hại để các nhà khoa học làm cơ sở khảo sát, nghiên cứu, đánh giá và cho ý kiến về giải pháp khắc phục./.
Phong Phú